Bộ Công Thương muốn tự quyết việc "xài" Quỹ bình ổn giá xăng dầu khi có ý kiến khác
Theo quy định, mức trích lập và chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu thực hiện trên cơ sở ý kiến tham gia của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, Bộ Công Thương muốn "tự quyết" khi có ý kiến khác nhau.
Đây là một trong những điểm đáng chú ý tại Dự thảo lần 2 Thông tư sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ một số quy định trong hoạt động kinh doanh xăng dầu đang được Bộ Công Thương đưa ra lấy ý kiến.
Tại dự thảo, Bộ Công Thương xây dựng nguyên tắc điều hành giá xăng dầu. Theo đó, giá bán xăng dầu được thực hiện theo cơ chế thị trường, có sự điều tiết của nhà nước, phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới và tình hình kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ.
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá bán xăng dầu, điều hành trích lập và chi sử dụng Quỹ bình ổn giá.
Công tác điều hành giá xăng dầu, điều hành trích lập và chi sử dụng Quỹ bình ổn giá trong từng kỳ điều hành phải có ý kiến tham gia của Bộ Tài chính bằng văn bản.
"Mức trích lập và chi sử dụng Quỹ bình ổn giá tại thời điểm công bố giá cơ sở thực hiện trên cơ sở ý kiến tham gia của Bộ Tài chính, khi có ý kiến khác nhau, Bộ Công Thương quyết định và chịu trách nhiệm; trường hợp cần thiết, báo cáo Thủ tướng Chính phủ" - Bộ Công Thương đề xuất trong dự thảo.
Hiện, giá xăng dầu đang được điều chỉnh 7 ngày/lần. Quyết định điều hành xăng dầu do Liên Bộ Công Thương - Tài chính đưa ra.
Liên quan tới quản lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, thời gian qua nhiều ý kiến cũng cho rằng không nên để ở tài khoản doanh nghiệp mà nên giao về một đơn vị chuyên quản lý và chịu trách nhiệm, tránh tình trạng thất thoát quỹ không cơ quan nào chịu trách nhiệm.
Theo TS Lê Đăng Doanh, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, đây là vấn đề phức tạp. "Cá nhân tôi đồng thuận quan điểm nên để Bộ Tài chính quản lý quỹ thay vì cho doanh nghiệp đầu mối, bởi đây là tiền của người dân" - ông nói.
Để quản lý quỹ hiệu quả, Bộ Tài chính có thể lập hội đồng có sự tham gia của các doanh nghiệp đầu mối, cơ quan có liên quan để quyết định mức chi, trích lập trong những thời điểm giá thế giới biến động mạnh. Làm sao sử dụng một cách hiệu quả nhất, đúng như tên gọi bình ổn thị trường.
"Tuyệt đối chúng ta phải có giải pháp quản lý, tránh để hai bộ "đá bóng trách nhiệm", lời qua tiếng lại. Nếu giao về Bộ Tài chính, Bộ trưởng bộ này phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, trước nhân dân về việc sử dụng, quản lý số tiền này" - TS Lê Đăng Doanh nêu quan điểm.
Người lao động