Bỏ hộ khẩu không có nghĩa là buông lỏng quản lý
Công tác quản lý vẫn được tiến hành một cách bình thường, thậm chí chặt chẽ hơn, trên cơ sở các số liệu về dân cư...
- 06-11-2017Bỏ sổ hộ khẩu có ảnh hưởng việc chuyển đổi, cho tặng đất đai?
- 06-11-2017Bộ trưởng Công an: Bỏ sổ hộ khẩu nhưng "chắc chắn phải có quản lý"
- 06-11-20179 chia sẻ về nỗi ám ảnh mang tên... sổ hộ khẩu!
Ủng hộ việc bỏ hộ khẩu để giảm bớt thủ tục, giấy tờ cho người dân, Giám đốc công an tỉnh Nghệ An, đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Cầu cũng cho rằng không có gì mâu thuẫn giữa yêu cầu đơn giản hóa thủ tục, giấy tờ cho người dân và yêu cầu quản lý nhà nước.
Ông đánh giá thế nào về việc bỏ hộ khẩu và một số lo ngại về việc buông lỏng quản lý khi bỏ loại giấy tờ xưa nay vẫn được coi là quan trọng này?
Bỏ một số giấy tờ không có nghĩa là buông lỏng công tác quản lý. Công tác quản lý vẫn được tiến hành một cách bình thường, thậm chí chặt chẽ hơn, trên cơ sở các số liệu về dân cư được các cấp các ngành, đặc biệt là Bộ Công an đang tiến hành trực tiếp hoàn thiện.
Do đó, yêu cầu về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm bớt giấy tờ, với yêu cầu quản lý chặt chẽ xã hội, không mâu thuẫn với nhau. Đây là một quá trình đã được chuẩn bị rất chu đáo và đến thời điểm hiện nay, bỏ như thế là hoàn toàn hợp lý.
Hiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã đáp ứng được yêu cầu quản lý dân cư chưa, thưa ông?
Cơ sở dữ liệu quốc gia hiện đã được hoàn tất toàn bộ và Bộ Công an đang triển khai chủ trương làm căn cước công dân. Hiện Hà Nội đang làm, các tỉnh sẽ triển khai ngay khi có chủ trương của Bộ Công an, có nghĩa là hiện nay cơ sở dữ liệu quốc gia đã rất đầy đủ, nên bỏ bớt giấy tờ cũng không ảnh hưởng gì.
Nhiều người lo ngại về ảnh hưởng đến các vấn đề chuyển giao tài sản, thủ tục đất đai... mà không có hộ khẩu có thể dẫn đến hậu quả nhầm lẫn hoặc sai lệch? Ông nghĩ sao về điều này?
Khi có nghi ngờ trong công tác làm thủ tục thì cơ quan chức năng sẽ thẩm tra, xác minh, chứ không phải bỏ đi là không kiểm tra. Việc kiểm tra, xác định sự thật là trách nhiệm của cơ quan Nhà nước, còn người công dân thì người ta chỉ xuất trình thế thôi.
Với một việc đã chuẩn bị rất chu đáo rồi thì có thể trích xuất thông tin, trả lời ngay rất chính xác. Tôi lấy ví dụ ở Nghệ An chúng tôi, tất cả dữ liệu liên quan đến chứng minh nhân dân chúng tôi có thể lên máy tính tra cứu, không có khó khăn gì.
Ông có nghĩ là cần thời gian để chuyển đổi giữa các cách quản lý khác nhau?
Tất nhiên là có, nhưng không dài. Chủ trương Bộ Công an đã cho làm hàng loạt căn cước công dân, chỉ cần địa phương triển khai nữa là xong. Hiện Hà Nội đang làm, và theo tôi biết, chắc sang năm công an tất cả các địa phương sẽ triển khai.
Ở Nghệ An, chúng tôi đã triển khai đến tất cả các xã rồi, người ta làm xong dữ liệu truyền lên và tỉnh sẽ quản lý. Việc triển khai sẽ rất nhanh thôi. Tôi vẫn cho rằng chủ trương là hoàn toàn hợp lý, một là bỏ bớt giấy tờ cho người dân để làm mọi thủ tục nhanh chóng, hiệu quả hơn; hai là không ảnh hưởng gì đến quản lý.
Ông có đánh giá gì về việc tiết kiệm chi phí tuân thủ sau khi bỏ bớt các loại giấy tờ?
Tôi cũng không biết chính xác là bao nhiêu, nhưng tôi nghĩ sẽ tiết kiệm được rất nhiều. Ví dụ làm sổ hộ khẩu, thì riêng tiền giấy đã rất lớn, hay làm giấy chứng minh nhân dân, ngoài giấy mực, còn công sức anh em, chi phí đi lại, thời gian của người dân...
Về mặt kinh tế mà nói có thể thấy là vô cùng nhiều. Khi bỏ cái cũ sang cái mới, bao giờ cũng cần thời gian. Tuy nhiên, quyết tâm của Chính phủ và Bộ Công an là cố gắng làm sớm để quản lý xã hội một cách thuận lợi. Hà Nội đang làm rất hiệu quả.
Vneconomy