MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bố học vấn cao nhưng vẫn thất bại, chỉ “nằm dài” ở nhà: Đến đời con tìm mọi cách thay đổi, nhận về cái kết bất ngờ

05-07-2023 - 11:37 AM | Sống

Bố học vấn cao nhưng vẫn thất bại, chỉ “nằm dài” ở nhà: Đến đời con tìm mọi cách thay đổi, nhận về cái kết bất ngờ

Tốt nghiệp từ ĐH Thanh Hoa - ngôi trường được mệnh danh “Harvard châu Á”, trong khi bạn bè cùng trang lứa đã trở thành giáo sư, lãnh đạo, người đàn ông Trung Quốc này lại chỉ ở nhà sau thất bại kinh doanh ở tuổi trung niên.

Bài viết của tác giả Huệ Diên trên nền tảng Toutiao (Trung Quốc)

Cựu sinh viên trường top 1 thất bại, nằm dài ở nhà

Năm 1998, chồng tôi được nhận vào ĐH Thanh Hoa với tư cách nhà vô địch giải khoa học của thành phố, theo học chuyên ngành nghiên cứu máy tính đầy tiềm năng vào thời điểm đó. Nhưng 25 năm trôi qua, khi những người bạn cùng khoá đã trở thành giáo sư, có người làm lãnh đạo quận, có người ra nước ngoài định cư nhưng chồng tôi lại “có lối đi riêng”.

Đến tuổi trung niên, chồng hầu như không làm gì cả, suốt ngày ở nhà nằm và ngủ. Con gái tôi từng viết trong bài văn miêu tả bố: “Bố tôi là một người rất hạnh phúc. Bố chỉ cần ở nhà không phải lo lắng bất cứ điều gì và ngủ ngon mỗi ngày…”

Tôi cũng tốt nghiệp từ một trường top ở Thượng Hải (Trung Quốc) với bằng thạc sĩ. Nhưng sự nghiệp của tôi cũng không nhiều thành tựu, từng thất nghiệp thời gian dài nên tôi không phàn nàn điều gì về chồng mình. Nghĩ lại năm thi ĐH, tôi vẫn là một học sinh giỏi nhiều hoài bão nhưng giờ đây sau nhiều năm lăn lộn ngoài xã hội, tôi mất đi niềm đam mê và cả động lực phấn đấu.

Bố học vấn cao nhưng vẫn thất bại, chỉ “nằm dài” ở nhà: Đến đời con tìm mọi cách thay đổi, nhận về cái kết bất ngờ - Ảnh 1.

ĐH Thanh Hoa, ngôi trường danh giá hàng đầu châu Á và Trung Quốc. Ảnh: ST

Vợ chồng tôi tốt nghiệp từ những ngôi trường danh giá nhưng không thành công như mọi người xung quanh và cả chính chúng tôi vẫn tưởng. Ánh hào quang của quá khứ nay lại trở thành xiềng xích với chúng tôi. Nếu giới thiệu bản thân từng học Thanh Hoa, người khác đều nghĩ anh có lẽ đang làm giáo sư đại học hay giám đốc một nhà máy lớn chứ không phải thất nghiệp như hiện tại.

Trên thực tế, sau khi tốt nghiệp ĐH Thanh Hoa, cũng có giai đoạn sự nghiệp của chồng tôi rất hứa hẹn. Anh làm kỹ sư phần mềm trong một nhà máy lớn ở Bắc Kinh (Trung Quốc), mua được nhà tại đây với sự giúp đỡ của gia đình. Khi chúng tôi kết hôn, anh có thể rút 10 triệu NDT mua thêm một căn nhà để cho thuê ở Thượng Hải đứng tên tôi.

Nhưng cuộc đời cũng nhiều thăng trầm, bắt đầu từ năm 2019 khi anh quyết định kinh doanh riêng. Chồng tôi đầu tư hết số tiền tiết kiệm, tiền vay người thân vào một khách sạn và kết quả là thua lỗ. Thất bại ở tuổi trung niên rất khó làm lại, mọi chi tiêu trong gia đình bây giờ đều do tôi gánh vác.

Bố học vấn cao nhưng vẫn thất bại, chỉ “nằm dài” ở nhà: Đến đời con tìm mọi cách thay đổi, nhận về cái kết bất ngờ - Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ

Đại học chỉ là điểm khởi đầu, không quyết định cả cuộc đời

Sau khi ở nhà, chồng tôi nhận trách nhiệm chăm lo con gái. Anh thuê giáo viên dạy con đàn vì khi còn nhỏ không có điều kiện học nên nay muốn con gái đánh đàn cho mình nghe. Thế nhưng con gái tôi thực sự không có năng khiếu về âm nhạc, học hơn một năm, đổi 3 giáo viên vẫn chẳng tiến bộ lại còn để hàng xóm phàn nàn. Đến lúc này chồng mới từ bỏ ý định cho con học đàn.

Chồng tôi vẫn chăm chỉ thủ thỉ, nhắc nhở con gái quyết tâm học hành để sau này đỗ ĐH Bắc Kinh và Thanh Hoa. Ban đầu con gái tôi luôn đạt điểm tối đa nhưng từ năm lớp 3, thành tích ngày càng tụt lại. Chồng tôi không tự dạy con nữa mà thuê gia sư và cả giáo viên về dạy, cắt cả giờ giải trí của con nhưng kết quả vẫn lẹt đẹt.

Lúc này anh vô cùng tức giận, mắng con gái không ngớt khi cảm thấy những nỗ lực của mình đều đổ “xuống sông xuống bể”. Vợ chồng tôi đành cam chịu nhìn con trở thành học sinh trung bình. Thế nhưng sau lần gặp em họ, không dám nói mình thất nghiệp dù học ĐH Thanh Hoa, chồng tôi thay đổi 180 độ. Anh cho phép con gái vui chơi nửa tiếng sau giờ học, nhìn con hào hứng rủ các bạn học chơi cầu lông.

Bố học vấn cao nhưng vẫn thất bại, chỉ “nằm dài” ở nhà: Đến đời con tìm mọi cách thay đổi, nhận về cái kết bất ngờ - Ảnh 3.

Ảnh minh hoạ

Có lẽ chồng tôi đã nhận ra rằng thành công trong kỳ thi tuyển sinh đại học chỉ là một phần nhỏ của cuộc đời. Con đường phía trước mỗi người phải đi còn rất dài. Được nhận vào một ngôi trường danh tiếng chẳng qua chỉ là xuất phát điểm cao hơn những người khác một chút. Cả hai chúng tôi đều học trường top nhưng vẫn đang trải qua thăng trầm tuổi trung niên, vậy tại sao lại gò ép con gái chỉ để đạt điểm cao, đỗ ĐH?

Vậy nên sau khi con vào cấp 2, yêu cầu của chồng tôi chỉ là “miễn sao điểm trên trung bình một chút”. Thật bất ngờ là ngay sau đó điểm số của con gái cải thiện và luôn nằm trong top 10. Mùa hè con còn chủ động xin đi học đàn và tiến bộ nhanh bất ngờ. Học với sự yêu thích và học khi bị ép buộc kết quả rất khác nhau, chưa đầy 1 năm con đã có thể thành thạo.

Năm ngoái khi được hỏi muốn vào trường nào, con gái tôi trả lời ĐH Bắc Kinh nhưng năm nay lại đáp ĐH Thanh Hoa để giống bố. Vợ chồng tôi đều nghĩ so với định nghĩa thành công của xã hội, dù con gái được vào bất kỳ trường ĐH nào, thậm chí không học ĐH đi chăng nữa, điều đó không thể ngăn con trở thành một cô gái hạnh phúc trong tương lai.

Kim Linh

Phụ nữ số

Trở lên trên