MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất 3 nhóm giải pháp lớn cho miền Trung

Để thúc đẩy kinh tế miền Trung trở thành vùng động lực, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất 3 nhóm giải pháp lớn...

Sự khởi sắc đồng loạt của 14 tỉnh thành khu vực Bắc Trung bộ và Duyên hải Miền Trung những năm qua đem lại những hy vọng mới về hành trình trở thành vùng động lực phát triển.

Vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Miền Trung (thường được gọi là miền Trung) gồm 14 tỉnh từ Thanh Hoá đến Bình Thuận là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, kết nối hai miền Nam - Bắc.

Đặc biệt, biển miền Trung là tài nguyên quốc gia, là mặt tiền biển của Việt Nam, với chiều dài đường bờ biển 1.900 km. Đây là vùng có vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế biển và các hoạt động kinh tế trên dải đất liền ven biển, địa bàn chiến lược thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển.

Kinh tế đồng loạt khởi sắc

Số liệu thống kê cho thấy, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân 6 tháng năm 2019 của 14 tỉnh thành miền Trung ước đạt khoảng 8,05%, cao hơn bình quân chung cả nước (6,76%).

Trước đó, giai đoạn 2016-2018, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân hàng năm toàn vùng đạt khoảng 7,62%/năm (đứng thứ 3 trong 6 vùng kinh tế của cả nước), trong đó tốc độ tăng trưởng bình quân ngành công nghiệp và xây dựng là 10,36%/năm, ngành dịch vụ tăng bình quân 7,22%/năm và ngành nông, lâm, ngư nghiệp tăng bình quân 3,62%/năm.

"Điều này cho thấy, kinh tế 14 tỉnh thành miền Trung đang khởi sắc", Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định.

Theo đó, GRDP bình quân đầu người của vùng tăng từ 1.850 USD/người năm 2016 lên 2.074 USD/người năm 2018, đứng thứ 4 trong 6 vùng kinh tế, bằng 80% trung bình của cả nước (2.587 USD), vượt mục tiêu đề ra tại Quyết định số 1114/QĐ-TTg.

Đáng chú ý, cơ cấu kinh tế vùng chuyển biến tích cực và dịch chuyển theo hướng tăng tỷ trọng khu vực dịch vụ, công nghiệp và giảm dần tỷ trọng khu vực nông nghiệp. Cụ thể, khu vực dịch vụ chiếm 41,59%, khu vực công nghiệp 32,85%, khu vực nông, lâm ngư nghiệp 16,75% và thuế trừ trợ cấp sản phẩm 8,81%.

Đặc biệt, dù khu vực công nghiệp không chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu công nghiệp song công nghiệp khu vực này có tốc độ tăng trưởng cao nhờ phát huy vai trò các khu kinh tế ven biển, thu hút các công trình, dự án công nghiệp động lực: dầu khí, luyện thép, lắp ráp ô tô, cơ khí chế tạo.

Mức tăng trưởng công nghiệp-xây dựng bình quân giai đoạn 2016-2018 toàn vùng đạt khoảng 10,36%/năm, cao hơn mức bình quân cả nước 8,1%. Có 10/14 địa phương tăng trưởng đạt cao hơn mức tăng bình quân chung cả nước, trong đó Thanh Hóa 15,8% nhờ động lực tăng trưởng của Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn tại Khu kinh tế Nghi Sơn, Hà Tĩnh 10,67% do đóng góp của dự án thép Formosa tại Khu kinh tế Vũng Áng, Quảng Nam đạt 13,65% với động lực tăng trưởng là dự án lắp ráp ô tô Trường Hải trong Khu kinh tế Chu Lai.

Ngoài ra, tổng thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2018 đều đạt và vượt dự toán các năm, tốc độ tăng thu nội địa bình quân đạt 14,2%/năm, cao hơn mức bình quân cả nước là 9,66%/năm; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng hàng năm và cao hơn cả nước.

Vẫn thiếu các dự án động lực quy mô lớn

Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho rằng, vẫn còn những tồn tại, hạn chế trong phát triển miền Trung, mà trước hết là động lực tăng trưởng công nghiệp của vùng còn yếu.

Trong 14 tỉnh, chỉ có 3 tỉnh là Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh thuộc vùng Bắc Trung bộ năm 2019 có dự án động lực quy mô lớn. Các tỉnh còn lại tốc độ tăng trưởng công nghiệp còn thấp, chưa khai thác được thế mạnh hệ thống cảng biển, sân bay sẵn có.

Một số hành lang kinh tế (Đà Nẵng - Quốc lộ 1A và hành lang Đà Nẵng - Quốc lộ 14B - 14D - Nam Giang - Đông-Tây; Dung Quất - Tây Nguyên; Quy Nhơn - Tây Nguyên) chưa phát huy sức hút lớn về công nghiệp, dịch vụ.

Thứ hai, xuất khẩu tăng cao nhưng tỷ trọng còn thấp trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của vùng miền Trung chỉ chiếm khoảng 4,76% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước.

Thứ ba, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung chưa thể hiện được vai trò là hạt nhân tăng trưởng, đầu tầu dẫn dắt kinh tế vùng. GRDP đến 2018 chỉ chiếm 6,93% GDP của cả nước.

Thứ tư, thu ngân sách chưa bền vững, mặc dù tăng cao nhưng số thu một lần, thu không ổn định còn chiếm tỷ lệ lớn, thu từ tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết chiếm tỷ lệ cao trong tổng số thu nội địa, chiếm tỷ lệ từ khoảng 22-25%.

Thứ năm, hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, nội vùng còn yếu và thiếu. Tuyến đường ven biển kết nối các tỉnh và vùng dải bờ biển miền Trung chưa được đầu tư, các tuyến đường ngang nối khu vực ven biển lên Tây Nguyên, khu vực trung du, miền núi các tỉnh chưa được đầu tư mới, nâng cấp.

Thứ sáu, nguy cơ thiếu nước ngọt, nhiễm mặn, đặc biệt tại các tỉnh Nam trung bộ, Ninh Thuận, Bình Thuận. Nguy cơ ô nhiễm môi trường tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp còn cao.

Thứ bảy, chất lượng nguồn nhân lực còn thấp (tỷ lệ qua đào tạo có cấp chứng chỉ mới đạt khoảng 22-23%); nguy cơ thiếu hụt nguồn lao động trong những năm tới do dịch chuyển dân số vùng và tỷ lệ già hóa dân số đòi hỏi phải có các giải pháp kịp thời trong thời gian tới.

Thứ tám, tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao so với cả nước. Phát triển chưa đồng đều xét trên yếu tố vùng, lãnh thổ giữa các tỉnh trong vùng và nội bộ từng địa phương, ảnh hưởng tới khả năng phát triển vùng một cách đồng bộ, toàn diện.

Ba đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Để thúc đẩy kinh tế miền Trung trở thành vùng động lực, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất 3 nhóm giải pháp lớn.

Thứ nhất là nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách. Theo đó, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các quy hoạch quốc gia và vùng, lấy biển và vùng ven biển làm trung tâm; xây dựng các đô thị ven biển hiện đại, quy hoạch xây dựng phải đi trước.

Hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối Bắc - Nam và hệ thống đường ngang Đông - Tây kết nối liên thông các cảng biển và các tỉnh ven biển với vùng Tây Nguyên. Tăng cường liên kết vùng và các tỉnh miền Trung với Tây Nguyên, hợp tác cùng phát triển.

Hoàn thiện thể chế phát triển bền vững kinh tế biển. Phát triển khoa học, công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực biển chất lượng cao, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, tận dụng thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến, khoa học, công nghệ mới, thu hút chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu, nhân lực chất lượng cao.

Cần có thể chế, chính sách hỗ trợ vùng kinh tế trọng điểm miền Trung phát huy hết lợi thế so sánh; tiếp tục kiện toàn bộ máy vùng, trao đủ thực quyền ra quyết định cho Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm miền Trung...

Thứ hai, trong nhóm giải pháp về liên kết các ngành, lĩnh vực, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất cần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo lợi thế vùng gắn với thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Xây dựng thương hiệu và sản phẩm quốc gia theo ngành và lợi thế của vùng, sản phẩm mới, giá trị gia tăng cao.

Đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đào tạo phát triển nguồn nhân lực. Tăng cường hợp tác khoa học, công nghệ, chuyển giao công nghệ. Hỗ trợ xây dựng các trung tâm ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học, công nghệ trong các trường đại học, doanh nghiệp, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh/thành phố trong vùng, coi đó là hạt nhân của hoạt động ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Sớm xây dựng, hoàn thiện và chia sẻ hệ thống cơ sở dữ liệu chung về các tỉnh, thành phố thuộc vùng miền Trung, các ngành kinh tế, các lĩnh vực xã hội, tiến độ các công trình trọng điểm, dự án lớn triển khai trên địa bàn, phục vụ xây dựng và điều phối các hoạt động liên kết vùng.

Kết hợp chặt chẽ việc phát triển kinh tế - xã hội với đảm bảo quốc phòng an ninh, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, đảm bảo công tác phòng thủ tuyến biên giới trên đất liền và trên biển...

Cuối cùng là nhóm giải pháp về nguồn lực. Theo đó, ưu tiên nguồn lực của Nhà nước để đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông liên vùng. Cùng với đó, các tỉnh, thành phố trong Vùng chủ động huy động đa dạng các nguồn lực, kết hợp nguồn vốn giữa Trung ương và địa phương, tranh thủ nguồn vốn ODA, vốn tư nhân và các nguồn vốn hợp pháp khác để triển khai các dự án trọng điểm, có tính chất đột phá, tạo ra liên kết vùng.

Xem xét huy động cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân và các thành phần kinh tế tham gia vào các hoạt động triển khai nhiệm vụ điều phối phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề xuất giao Bộ Tài chính xây dựng cơ chế, chính sách tạo nguồn thu để lại cho một số tỉnh, thành phố lớn, có vai trò làm đầu tàu kéo tăng trưởng kinh tế của cả nước.

Theo Anh Nhi

Vneconomy

Trở lên trên