Bố suy sụp vì con trai học Thạc sĩ mà nửa năm trời không xin được việc: Sắp 2025 rồi, bớt mù quáng và nhìn vào sự thật này đi
Câu chuyện này cũng cho thấy một khoảng cách đáng kể giữa hệ thống giáo dục và nhu cầu thực tế của thị trường lao động.
- 29-11-2024Tham gia nhóm xin việc lên đến 1.000 thành viên, người đàn ông bị thao túng chuyển khoản 500 triệu đồng: “Vừa mất tiền, tôi còn mang nợ”
- 29-11-2024Bức ảnh con gái chụp ba 56 tuổi đang phỏng vấn xin việc vào công ty ở nước ngoài nổi tiếng khắp MXH: Điều đáng tự hào còn nằm ở phía sau!
- 03-10-2024Cháu gái lãnh đạo đến xin việc nhưng bị tôi "đánh trượt" vì một hành động nhỏ ở cây xăng, hôm sau giám đốc đích thân tìm gặp tôi
Một vụ việc xảy ra ở Trung Quốc mới đây gây xôn xao dư luận: Theo đó, nam sinh Trịnh Hồng Húc, 17 tuổi đến từ Trú Mã Điếm, tỉnh Hà Nam được hàng loạt công ty săn đón dù chưa tốt nghiệp.
Được biết, sau khi trượt trường cấp 3 yêu thích, Hồng Húc quyết định theo học một trường nghề tại địa phương, chuyên ngành Công nghệ năng lượng mới. Nam sinh này nhận thấy ngành công nghiệp xe sử dụng năng lượng mới mang lại nhiều triển vọng trong tương lai.
Ban đầu, gia đình Hồng Húc phản đối quyết định dữ dội quyết định học trường nghề của con trai. Tuy nhiên, tại trường nghề, nam sinh đã thể hiện nỗ lực học tập phi thường. Trong một cuộc thi kỹ năng nghề, Hồng Húc đã đạt hạng Nhất toàn tỉnh và đứng thứ Ba trong vòng chung kết quốc gia. Thành tích này giúp nam nhận được chứng chỉ kỹ thuật viên cấp 2 khi chỉ mới 17 tuổi.
Hiện tại, ít nhất 5-6 công ty ở Trung Quốc đã bày tỏ mong muốn tuyển dụng Hồng Húc, hứa hẹn trả mức lương lên đến 8.000 Nhân dân tệ mỗi tháng, tương đương hơn 1.100USD (hơn 27 triệu đồng).
Tin tức này đã khiến hội phụ huynh Trung Quốc bàn luận sôi nổi. Một phụ huynh ở Trung Quốc thậm chí còn chia sẻ câu chuyện xảy ra ở gia đình mình. Theo đó, ông bố này có cậu con trai tốt nghiệp Thạc sĩ được gần nửa năm nhưng vẫn chưa tìm được công việc phù hợp.
Suốt thời gian qua, ông luôn sống trong tâm trạng lo lắng và bất an. Khi đọc tin tức về nam sinh Hồng Húc, ông càng trăn trở. Sự tương phản rõ rệt này khiến ông nhận ra một điều: Trong xã hội đầy cạnh tranh ngày nay, việc sở hữu kỹ năng thực sự mới là yếu tố quan trọng nhất.
Nỗi hối hận ngày càng lớn trong lòng ông. Ông bắt đầu tự hỏi liệu quyết định để con học lên Thạc sĩ có thực sự đúng đắn hay không. Trong tâm trí ông đã nảy sinh một ý tưởng táo bạo: Tìm một trường dạy nghề để con trai học một kỹ năng thực tế.
Phụ huynh này cho rằng, trong xã hội không ngừng thay đổi và đầy thử thách này, chỉ khi nắm vững một nghề thực tế mới có thể đứng vững và tạo dựng chỗ đứng cho bản thân.
Trước chia sẻ của ông, rất nhiều cư dân mạng đã để lại ý kiến riêng:
- "Là "vàng" thì ở đâu cũng sẽ tỏa sáng, vấn đề là con trai ông có phải là vàng hay không?"
Đây là một bình luận nhận được rất nhiều sự đồng tình của cộng đồng mạng. "Vàng" ở đây tượng trưng cho giá trị thực chất và tiềm năng nổi bật. Chỉ những người có thực lực và phẩm chất xuất sắc mới có thể thành công trong mọi môi trường. Vì vậy, con trai của vị phụ huynh này có thực sự sở hữu những phẩm chất ấy không? Đây là một câu hỏi đáng để suy ngẫm.
- "Có mấy học sinh trường nghề thực sự nổi bật đâu? Được đưa tin là vì những trường hợp này rất hiếm, phụ huynh không nên quá lo lắng"
Trong khi đó, một cư dân mạng lại bày tỏ quan điểm như trên. Người này phân tích, học sinh trường nghề được các doanh nghiệp săn đón chỉ là những trường hợp đặc biệt và không phổ biến. Trong bối cảnh chung của xã hội, phần lớn học sinh trường nghề vẫn gặp nhiều khó khăn khi tìm việc làm. Vì vậy, phụ huynh không nên quá nóng vội hay lo lắng mà cần giữ tâm lý bình tĩnh hơn.
- "Học thêm một kỹ năng cũng không có gì là xấu, kỹ năng càng nhiều càng tốt. Tôi ủng hộ quyết định của phụ huynh"
Người khác lại khẳng định lợi ích của việc học thêm kỹ năng. Trong xã hội ngày nay, càng có nhiều kỹ năng sẽ càng gia tăng cơ hội phát triển và nâng cao khả năng cạnh tranh.
Thực tế, từ câu chuyện của vị phụ huynh nói trên, chúng ta không thể không suy ngẫm: Một người tốt nghiệp Thạc sĩ, với lợi thế học vấn cao, tại sao lại thất bại trong việc tìm kiếm một công việc phù hợp? Trong khi đó, một học sinh trung cấp, dù có vẻ yếu thế hơn về bằng cấp, lại nổi bật giữa đám đông và được các doanh nghiệp săn đón.
Điều này phản ánh một thực tế đáng lo ngại: Bằng cấp chỉ là một tấm vé thông hành, nhưng năng lực chuyên môn và khả năng thực hành mới là yếu tố quyết định thành công. Nếu không có chuyên môn vững chắc và kỹ năng thực tế để đáp ứng yêu cầu khắt khe của nhà tuyển dụng, dù có bằng cấp cao đến đâu cũng khó có thể tìm được công việc như ý.
Vì vậy, các sinh viên, đặc biệt là những người đang theo học đại học, cần phải suy ngẫm sâu sắc. Trên con đường học vấn, không nên chỉ chăm chăm vào việc lấy bằng cấp mà bỏ qua việc rèn luyện kỹ năng chuyên môn. Chỉ khi kết hợp hài hòa giữa kiến thức lý thuyết và khả năng thực hành, bạn mới có thể đứng vững trên thị trường việc làm khắc nghiệt và tìm được công việc phù hợp với năng lực của mình.
Trong quá khứ, xã hội thường đặt nặng hào quang của bằng cấp. Nhưng ngày nay, khi nền kinh tế có nhiều thay đổi và công nghiệp đang dần nâng cấp, giá trị của các kỹ năng thực tế ngày càng được khẳng định. Ở một số lĩnh vực cụ thể, những người có tay nghề thực sự lại dễ dàng thích nghi và đáp ứng nhu cầu thị trường hơn, từ đó giành được nhiều cơ hội việc làm.
Thị trường việc làm hiện nay đang ngày càng khốc liệt. Các doanh nghiệp không chỉ nhìn vào bằng cấp mà còn đánh giá các yếu tố như khả năng thực hành, tư duy sáng tạo và kỹ năng giải quyết vấn đề.
Câu chuyện này cũng cho thấy một khoảng cách đáng kể giữa hệ thống giáo dục và nhu cầu thực tế của thị trường lao động. Làm thế nào để giáo dục có thể đào tạo ra những con người vừa có nền tảng lý thuyết vững chắc, vừa sở hữu kỹ năng thực hành thành thạo? Đây là vấn đề cần được xã hội quan tâm và thảo luận một cách sâu sắc.
Đời sống & pháp luật