Bộ Tài chính làm rõ hiện tượng lãi suất trái phiếu doanh nghiệp cao
“2 DN phát hành trái phiếu với lãi suất cao thời gian gần đây là các giao dịch riêng lẻ, cá biệt, không mang tính chất đại diện và không ảnh hưởng đến mặt bằng lãi suất...”, đại diện Bộ Tài chính khẳng định.
- 16-12-2019Vì sao nhà đầu tư cá nhân phải cẩn trọng với trái phiếu doanh nghiệp?
- 12-12-2019Techcombank phát hành thêm được 3.000 tỷ đồng trái phiếu
- 09-12-2019Ngân hàng, bất động sản tiếp tục đẩy mạnh phát hành trái phiếu
Lãi suất lên đến 20%/năm chỉ là cá biệt
Theo số liệu thống kê của HNX, trong 10 tháng đầu năm 2019, bình quân lãi suất phát hành TPDN là 9%/năm. Bình quân lãi suất phát hành TPDN tương đương với mức lãi suất phổ biến cho vay trung và dài hạn của hệ thống NHTM do NHNN công bố (9 - 11%/năm). Trong đó, 82% khối lượng trái phiếu có lãi suất dưới 11%/năm, 17% khối lượng có lãi suất từ 11% -13%, 0,9% khối lượng trái phiếu có lãi suất trên 13%/năm.
Mới đây, có 2 doanh nghiệp phát hành trái phiếu với lãi suất cao lên đến 20%/năm, cho ý kiến về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính, Bộ Tài chính cho biết, đây là các giao dịch riêng lẻ, cá biệt, không mang tính chất đại diện và không ảnh hưởng đến mặt bằng lãi suất huy động vốn từ phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp có tình hình tài chính tốt, độ tín nhiệm an toàn cao vẫn huy động với mức lãi suất phù hợp.
Cũng theo ông Dương, mức 20%/năm là mức lãi suất trần, lãi suất cụ thể được tính theo từng kỳ trả lãi (hàng tháng) và theo với lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm của 2 ngân hàng thương mại nhà nước cộng với độ lệch, theo tính toán thì lãi suất cho kỳ trả lãi đầu tiên khoảng trên 11%/năm.
"Chúng tôi có đi kiểm tra trường hợp doanh nghiệp bất động sản phát hành lãi suất trên 14%/năm thì thấy rằng đây là doanh nghiệp đang niêm yết trên Sở GDCK, trái phiếu huy động cho các dự án được đánh giá là an toàn và có khả năng sinh lời. Nhà đầu tư bao gồm quỹ đầu tư chuyên nghiệp và một nhóm nhà đầu tư cá nhân có khả năng đánh giá được rủi ro đầu tư. Đến nay, doanh nghiệp này thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của trái phiếu", ông Dương nói.
Số liệu thống kê từ năm 2017 trở lại đây cho thấy, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) có sự phát triển nhanh để đáp ứng yêu cầu huy động vốn của doanh nghiệp. Năm 2018, quy mô thị trường đạt 9,01% GDP, tăng 58% so với năm 2017 (6,29% GDP) và tăng gấp 3,5 lần so với năm 2015 (3,4% GDP). 10 tháng đầu năm 2019, thị trường TPDN tiếp tục tăng trưởng, quy mô thị trường tăng 28% so với cuối năm 2018, đạt tương đương 10,47% GDP dự kiến năm 2019.
"Sự phát triển của thị trường TPDN cho thấy bước đầu có sự dịch chuyển vốn huy động từ kênh tín dụng ngân hàng sang kênh phát hành trái phiếu, hướng tới việc phát triển cân bằng hơn giữa kênh thị trường vốn và kênh tín dụng ngân hàng, nhằm giảm áp lực huy động cho kênh tín dụng ngân hàng theo chủ trương của Chính phủ", ông Dương nói.
Đồng thời ông Dương cũng chỉ ra một số hạn chế như, mặc dù phát triển nhanh nhưng quy mô còn nhỏ so với các cấu phần khác của thị trường vốn như thị trường TPCP (27,25%GDP năm 2018), thị trường cổ phiếu (71,9%GDP năm 2018); so với kênh huy động vốn tín dụng ngân hàng (dư nợ tín dụng năm 2018 đạt 131%GDP) và so với quy mô của các nước trong khu vực (thị trường TPDN các nước trong khu vực có quy mô đạt 20-50%GDP).
Các doanh nghiệp vẫn chủ yếu phát hành theo phương thức riêng lẻ, khối lượng trái phiếu ra công chúng có xu hướng tăng trong 2 năm gần đây nhưng vẫn chiếm tỷ trọng rất nhỏ (khoảng 3% tổng khối lượng phát hành). Bên cạnh đó, tính công khai, minh bạch cần phải tiếp tục được củng cố.
Ngoài ra, một số doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư khi tham gia huy động vốn trên thị trường còn thiếu chuyên nghiệp, doanh nghiệp phát hành chưa hoàn toàn chấp hành đầy đủ quy định của pháp luật về công bố thông tin và quy trình phát hành, nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm đầu tư và khả năng phân tích đánh giá rủi ro.
TPDN không phù hợp với nhà đầu tư cá nhân nhỏ, lẻ
Trước câu hỏi được đặt ra là nhà đầu tư nào nên tham gia vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đại diện Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính cho biết, trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là trái phiếu phát hành theo hình thức riêng lẻ chỉ phù hợp với các nhà đầu tư tổ chức, còn nhà đầu tư cá nhân nếu mua trái phiếu thì phải am hiểu về tài chính, có khả năng phân tích rủi ro và dám chấp nhận rủi ro trong đầu tư. Theo đó, trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ không phù hợp với nhà đầu tư cá nhân nhỏ, lẻ.
"Khi mua trái phiếu doanh nghiệp các nhà đầu tư phải nắm được thông tin đầy đủ như: trái phiếu do doanh nghiệp nào phát hành, mục đích phát hành? có tài sản đảm bảo hay không có tài sản đảm bảo? cam kết của chủ thể phát hành đối với trái phiếu như thế nào? kỳ hạn và phương thức trả nợ gốc, lãi? tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành?. Do đó, nhà đầu tư cá nhân không nên chỉ mua trái phiếu doanh nghiệp vì lãi suất cao mà không tìm hiểu kỹ về rủi ro có thể gặp phải khi đầu tư", ông Dương nói.
Cũng theo ông Dương, rủi ro mà nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp có thể gặp phải là doanh nghiệp không thực hiện được các điều kiện, điều khoản của trái phiếu, không thanh toán đầy đủ, đúng hạn gốc, lãi trái phiếu; doanh nghiệp không thực hiện cam kết với nhà đầu tư về mua lại trái phiếu trước hạn...
Rủi ro khác có thể xảy ra là các doanh nghiệp, chủ thể phát hành và tham gia thị trường sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để điều chuyển dòng tiền để tránh các giới hạn an toàn theo quy định của pháp luật chuyên ngành hoặc phục vụ các mục tiêu có lợi của doanh nghiệp. Điều này trở nên phức tạp đối với thị trường tài chính ngày càng phát triển. Do đó, cần thiết phải tăng cường cơ chế giám sát nhất là giám sát liên thông giữa thị trường tiền tệ, tín dụng và thị trường vốn.
Bizlive