Bộ Tài chính: Tài chính của khối doanh nghiệp FDI vẫn có sự tăng trưởng
Bên cạnh kết quả đạt được, sự tăng trưởng nguồn vốn của doanh nghiệp FDI phần lớn đến từ nguồn tài trợ bên ngoài; các chỉ tiêu sinh lời một số lĩnh vực vẫn còn âm...
- 07-01-202355% doanh nghiệp FDI báo lỗ tổng 168.334 tỉ đồng
- 06-01-2023Gần 28 tỷ USD vốn FDI ‘rót’ vào Việt Nam: Tỉnh thành, lĩnh vực nào lợi nhất?
- 02-01-2023Lĩnh vực bất động sản, sản xuất chế tạo ở Việt Nam đã được các doanh nghiệp FDI đầu tư bao nhiêu tiền trong năm 2022?
Tại báo cáo kết quả tổng hợp, phân tích báo cáo tài chính năm 2021 của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài , vừa gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đánh giá, trong tác động chung của bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước, tình hình tài chính của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn có sự tăng trưởng.
Tính đến 31/12/2021, tổng tài sản của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài là 8.857.187 tỷ đồng (tăng 13,1% so với năm 2020), vốn chủ sở hữu là 3.640.866 tỷ đồng (tăng 10,9% so với năm 2020), trong đó vốn đầu tư của chủ sở hữu là 2.549.558 tỷ đồng (tăng 12,3% so với năm 2020), lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 944.468 tỷ đồng (tăng 8,8% so với năm 2020).
Về tổng quan, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của khối doanh nghiệp FDI năm 2021 có sự tăng trưởng. Doanh thu là 8.567.847 tỷ đồng (tăng 19,3% so với năm 2020), lợi nhuận sau thuế là 83.585 tỷ đồng (tăng 29,6% so với năm 2020).
Số nộp ngân sách nhà nước cũng có sự tăng trưởng, từ 164.339 tỷ đồng năm 2020 tăng lên mức 179.630 tỷ đồng năm 2021.
Tính đến 31/12/2021, tổng tài sản của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài là 8.857.187 tỷ đồng. Ảnh minh họa.
Báo cáo cũng nêu rõ, 5 lĩnh vực có quy mô tăng trưởng lớn nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo (621.525 tỷ đồng); hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm (133.295 tỷ đồng); sản xuất và phân phối điện, khi đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí (68.348 tỷ đồng); bán buôn và bán lẻ (58.092 tỷ đồng); vận tải kho bãi (35.848 tỷ đồng).
Theo Bộ Tài chính, giá trị tài sản lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tăng gấp hơn 4,5 lần so với lĩnh vực hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm và gấp các lĩnh vực khác từ 9 lần trở lên.
Về tốc độ tăng trưởng, lĩnh vực vận tải kho bãi dẫn đầu là 34,9%, tiếp đến là hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ là 30,6% và sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí là 23,8%.
Bên cạnh kết quả đạt được, sự tăng trưởng nguồn vốn của doanh nghiệp FDI phần lớn đến từ nguồn tài trợ bên ngoài; các chỉ tiêu sinh lời một số lĩnh vực vẫn còn âm, chưa được cải thiện; nộp ngân sách vẫn chưa tương xứng với tổng mức đầu tư; số doanh nghiệp FDI báo lỗ, doanh nghiệp lỗ lũy kế, lỗ mất vốn chủ sở hữu có chiều hướng gia tăng cả về số lượng và giá trị lỗ.
Đáng chú ý, trong năm 2021, số doanh nghiệp báo lỗ là 14.293 doanh nghiệp (chiếm 55% tổng số doanh nghiệp), tăng 11% so với năm 2020 với giá trị là 168.334 tỷ đồng.
Số doanh nghiệp lỗ lũy kế là 16.258 doanh nghiệp (chiếm 62% tổng số doanh nghiệp), tăng 8% so với năm 2020 với giá trị là 706.146 tỷ đồng.
Số doanh nghiệp lỗ mất vốn chủ sở hữu là 4.402 doanh nghiệp (chiếm 17% tổng số doanh nghiệp), tăng 15% so với năm 2020 với giá trị là 162.233 tỷ đồng.
"Tỷ trọng doanh nghiệp lỗ, lỗ lũy kế lớn hơn doanh nghiệp báo lãi và có tốc độ tăng khá cao so với năm 2020 cho thấy việc sử dụng tài sản, vốn đầu tư của một bộ phận lớn các doanh nghiệp FDI chưa đạt hiệu quả và chưa phát huy được tiềm lực của mình. Như vậy, cần phải thu hút có chọn lọc, đánh giá hiệu quả đầu tư để nâng cao chất lượng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam", Bộ Tài chính nhận xét.
Ngoài ra, theo Bộ Tài chính, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tập trung chủ yếu tại các vùng có điều kiện thuận lợi như vùng Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Hồng và một số tỉnh, thành phố lớn, có trình độ phát triển kinh tế - xã hội cao như: TP Hồ Chí Minh (1.739.622 tỷ đồng), Hà Nội (916.846 tỷ đồng), Bình Dương (687.674 tỷ đồng), Hải Phòng (533.641 tỷ đồng),... dẫn đến tình trạng phát triển không đồng đều giữa các vùng và địa phương.
Trên cơ sở đánh giá tình hình tài chính doanh nghiệp FDI năm 2021, Bộ Tài chính đã kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần phải thu hút có chọn lọc, đánh giá hiệu quả đầu tư để nâng cao chất lượng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Bộ Công Thương cần tiếp tục có giải pháp để tăng tỷ trọng của các ngành kinh tế, sản xuất nội địa hóa, công nghệ cao thay cho công nghiệp lắp ráp, gia công.
Cùng với đó là chủ động thúc đẩy, phát triển cum liên kết ngành, phát triển các ngành công nghiệp vật liệu nhằm tăng cường tính tự chủ về nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất, giảm phụ thược vào nguồn nhập khẩu.
VTV.VN