Bộ Tài chính: Tính toán giảm nhiều loại chi phí cho doanh nghiệp
Bộ Tài chính đang nghiên cứu giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp trong đó có đề xuất giảm tiền thuê đất, kéo dài thời gian thanh toán tiền đất,...
- 01-04-2016Chi phí ‘bôi trơn’ tiếp tục tăng, doanh nghiệp Việt ngại lớn
- 21-09-2015Đề xuất khống chế chi phí lãi vay/vốn chủ sở hữu: “Trói tay” doanh nghiệp?
- 21-09-2015Gánh nặng chi phí đầu vào tăng cao: Doanh nghiệp phải làm gì để tồn tại?
Đây là một trong những nội dung vừa được ông Ngô Hữu Lợi, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài chính nhắc tới nhằm triển khai Nghị quyết 19-2016/CQ-CP và Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ.
Nhằm hỗ trợ phát triển doanh nghiệp tới năm 2020, đại diện Bộ Tài chính cho hay, nhiệm vụ giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp là một vấn đề đặt ra. Trong đó, cơ quan chức năng đang tính toán, đánh giá các quy định pháp luật về đất đai, nghĩa vụ tài chính về đất đai để đề xuất các giải pháp giảm tiền thuê đất, chi phí chuyển đổi mục đích sử dụng đất và các chi phí khác.
Ngoài ra, đại diện ngành tài chính khẳng định đang phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận đất sản xuất trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và cho phép áp dụng thời gian thanh toán tiền thuê đất linh hoạt.
Hướng thay đổi cụ thể theo lãnh đạo ngành tài chính vẫn đang được bàn thảo nhưng ông Lợi cho rằng, có thể có câu hỏi đặt ra về ảnh hưởng tới thu ngân sách. Theo ông, trong các năm trước, hầu như năm nào cũng có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và thực tế nhiều giải pháp đã tác động thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Điều này đã tạo ra nguồn thu và bởi vậy, theo ông, "quan trọng là nuôi dưỡng nguồn thu."
Cũng theo kế hoạch, ngành tài chính sẽ phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải để rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án xử lý tổng thể về mức thu phí sử dụng đường bộ, phí BOT, bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân và doanh nghiệp.
Một vấn đề khác được ông Lợi nhắc tới là việc cải cách thủ tục hành chính cho doanh nghiệp thời gian tới. Theo ông, mục tiêu đã được Nghị quyết của Chính phủ đặt ra là đạt trung bình của nhóm nước ASEAN 4 về lĩnh vực này. Mục tiêu trên sẽ bao gồm cả các nhóm chỉ tiêu như hoàn thuế, quản lý rủi ro trong thanh tra, kiểm tra thuế, thời gian và kết quả xử lý khiếu nại về thuế.
"Mục tiêu đến năm 2020, thời gian nộp thuế tối đa là 110 giờ/năm, thời gian thông quan hàng hóa qua biến giới dưới 36 giờ đối hàng hóa xuất khẩu và 41 giờ với hàng hóa nhập khẩu," ông Lợi cho biết.
Việc cắt giảm cụ thể những thủ tục nào chưa được đại diện ngành tài chính tiết lộ tuy nhiên ông Lợi cho biết, để giảm thời gian nộp thuế, phía cơ quan chức năng sẽ triển khai sử dụng các chứng từ điện tử như giấy phép điện tử, giấy chứng nhận điện tử và các giấy tờ điện tử tương đương. Ngoài ra, việc thanh toán điện tử trên Cổng thông tin một cửa quốc gia cũng là nhiệm vụ đang được ngành tài chính hướng tới./.
Vietnam+