MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ trưởng Công Thương họp tìm giải pháp “cứu” ngành dệt may

“Các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trước mắt cần phải rất “trúng” mới phát huy được tác dụng để “vực dậy” doanh nghiệp. Một khi doanh nghiệp đã “ngấm” những khó khăn thì liều thuốc dẫu có mạnh cũng khó phát huy tác dụng”.

Đây là yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tại buổi kiểm tra tình hình sản xuất, kinh doanh của ngành dệt may nói chung trong bối cảnh đang có dịch bệnh COVID-19 và tình hình kinh doanh của 2 doanh nghiệp là: Công ty TNHH Hóa dệt Hà Tây, Tổng Công ty May 10 vào chiều 5/3.

Thị trường nội địa – Nơi "trú ẩn" an toàn cho doanh nghiệp

Báo cáo với Bộ trưởng, đại diện 2 doanh nghiệp cho biết, cả ngành dệt may đều bị ảnh hưởng của nguồn cung nguyên liệu về chậm. Điều này khiến doanh nghiệp có thể phải giãn sản xuất trong tháng 3 hoặc tháng 4, khả năng xuất khẩu hàng hóa 6 tháng cuối năm của Công ty Hóa dệt Hà Tây có thể bị ảnh hưởng. Doanh thu của công ty ước tính giảm 20 – 30% trong tháng 2 và 3/2020. Ảnh hưởng trực tiếp đến 600 lao động của Công ty Hóa dệt Hà Tây và 12.000 lao động của Tổng Công ty May 10.

Riêng Tổng Công ty May 10 đã định lượng rõ các mức độ giảm, theo đó ngay trong quý I doanh thu gia công giảm 25% trong khi tổng doanh thu giảm 10%. Cùng đó dự kiến doanh thu cả năm giảm 7% nếu dịch được khống chế trong tháng 4/2020. Doanh thu nội địa vốn chiếm 10% tổng doanh thu của Tổng công ty cũng chứng kiến mức giảm trầm trọng trong 2 tháng đầu năm.

Khi được Bộ trưởng hỏi về việc 60% kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may vào thị trường Anh có bị ảnh hưởng sau khi nước này rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), đại diện Tổng Công ty May 10 cho biết việc tuy Anh đã rời khỏi EU song vẫn còn thời gian 2 năm chuyển tiếp để Anh tiếp tục thực hiện các cam kết. Doanh nghiệp này cũng cho rằng, việc Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam -EU (EVFTA) sớm có hiệu lực chính là một tin mừng để tận dụng xuất xứ tại Việt Nam và xa hơn là gia tăng giá trị, thương hiệu của doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng.

Công ty Hóa dệt Hà Tây còn cho biết, trong vòng 3 năm trở lại đây nhiều khách hàng cũ từ EU quay trở lại đặt hàng.

Ghi nhận những nỗ lực của 2 doanh nghiệp, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đánh giá cao những nỗ lực chủ động của các doanh nghiệp dệt may, da giày thời gian qua, đặc biệt khi doanh nghiệp không vì lý do dịch bệnh mà buông tay, vẫn duy trì sản xuất kinh doanh đều đặn song song với công tác phòng chống dịch, bảo đảm công ăn việc làm đời sống cho người lao động.

"Chúng ta không thể đợi và cũng không thể để kéo dài tình trạng hiện nay. Cần các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trước mắt và phải rất "trúng". Như vậy mới phát huy được tác dụng để "vực" doanh nghiệp. Chứ để một khi doanh nghiệp đã "ngấm" những khó khăn thì liều thuốc dẫu có mạnh cũng khó phát huy tác dụng", Bộ trưởng nhận định.

Người đứng đầu ngành Công Thương cho biết sẽ sớm thành lập Tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp. Các vấn đề của doanh nghiệp nói chung, và Tổng Công ty May 10, Công ty Hóa dệt Hà Tây nói riêng cũng sẽ được đặt lên bàn Hội nghị trực tuyến toàn quốc của ngành Công Thương với các Sở Công Thương, các hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp dự kiến được tổ chức tại 63 điểm cầu trong cả nước vào ngày 16/3/2020.

Thêm vào đó, trong mấy ngày tới Bộ trưởng Trần Tuấn Anh sẽ có buổi điện đàm với Bộ trưởng Thương mại và người đứng đầu cơ quan Hải quan của Trung Quốc nhằm bảo đảm tương tác và tạo thuận lợi cho các ngành kinh tế lớn giữa hai nước trong đó có nguồn cung ứng cho da giày, dệt may. Bộ trưởng cũng gợi ý các doanh nghiệp bên cạnh quan tâm đến thị trường xuất khẩu cũng cần chú ý đến thị trường trong nước.

"Có thể ít tiền hơn xuất khẩu song thị trường trong nước vẫn là nơi trú ẩn an toàn cho doanh nghiệp", Bộ trưởng nhìn nhận.

Xuất khẩu sản phẩm dệt may giảm tốc

Bộ trưởng Công Thương họp tìm giải pháp “cứu” ngành dệt may - Ảnh 1.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trực tiếp đi thị sát tại Tổng Công ty May 10 và động viên cán bộ, nhân viên ngành dệt may. Ảnh: VGP.


Việc xuất khẩu giảm đã được các doanh nghiệp trong ngành nhìn thấy trước, bởi lẽ khi các hoạt động sản xuất của Trung Quốc bị ngưng trệ vì dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới nguồn nguyên phụ liệu của ngành may Việt Nam. Các thống kê cho thấy, trong 2 tháng đầu năm nay, nhập khẩu vải nói chung giảm 10,5%, cùng với đó chỉ số công nghiệp ngành may mặc chỉ tăng 0,2%.Theo Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm nay, xuất khẩu dệt may Việt Nam đã cho thấy dấu hiệu giảm tốc khi chỉ đạt 4,5 tỷ USD, giảm 1,7% so với cùng kỳ. Sở Công Thương TPHCM cho biết, hàng dệt may đã sụt giảm tới 10,8% so với cùng kỳ và chỉ đạt 773 triệu USD

Được biết, dù đã thực hiện cân đối lại nguồn nguyên liệu song nhiều doanh nghiệp dệt may vẫn phải giảm công suất khoảng 15% trong tháng 3 và nhận sản xuất thêm những mặt hàng khác cung cấp cho thị trường nội địa hoặc giảm bớt giờ làm để duy trì sản xuất.

Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng nhận định, với dân số gần 100 triệu người, mức tiêu dùng hàng dệt may hiện nay chiếm từ 5 - 6% chi tiêu của người dân Việt Nam, tương đương từ 3,5 - 4 tỷ USD. Chính vì thế việc hướng vào nội địa được cho là giải pháp tốt với doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.

Bộ trưởng Công Thương họp tìm giải pháp “cứu” ngành dệt may - Ảnh 2.

Theo Phan Trang

Chinhphu.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên