Bộ trưởng Công thương: Trước khi trời cứu thì phải tự cứu lấy mình!
Thăm nhà máy đạm Ninh Bình mới đây, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh khẳng định sẽ không buông xuôi nỗ lực vực dậy nhà máy này.
Nhà máy đạm Ninh Bình là một trong số 12 dự án "nghìn tỷ đắp chiếu" của Bộ Công thương. Năm 2017, nhà máy đã đi vào hoạt động nhưng vẫn còn nhiều khó khăn chồng chất.
Theo Giám đốc nhà máy Vũ Văn Nhẫn, sau khi hoàn thành bảo dưỡng, củng cố máy móc, thiết bị và chờ tiêu thụ hết urê tồn kho (từ 27/7/2016 -19/1/2017), được sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ Tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cùng với các giải pháp hỗ trợ tích cực từ các bộ, ban, ngành, ngân hàng và được Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) hỗ trợ cho vay 48,9 tỷ đồng làm vốn mồi, Đạm Ninh Bình đã tổ chức chạy lại máy sản xuất kinh doanh đợt 1 từ 19/1-18/4/2017.
Ngay sau đó, công ty đã tạo được dòng tiền luân chuyển trả hết nợ đến hạn tại Ngân hàng và hoàn trả đúng hạn 48,9 tỷ đồng cho Tập đoàn.
Có dòng vốn luân chuyển Công ty đã tiếp tục tổ chức sản xuất đợt 2 năm 2017. Kết quả một số chỉ tiêu sản xuất kinh doanh chính năm 2017 đạt được: giá trị sản xuất công nghiệp năm 2017 đạt 1.138 tỷ đồng (bằng 70% kế hoạch năm và tăng 60% cùng kỳ 2016); sản xuất urê đạt 184.801 tấn (bằng 65% kế hoạch năm); tiêu thụ urê đạt 189.812 tấn (bằng 64% kế hoạch năm). Tổng doanh thu tiêu thụ đạt 1.172 tỷ đồng (bằng 71% kế hoạch năm).
Giá bán urê bình quân xấp xỉ 6 triệu đồng/tấn, cao hơn chi phí biến đổi bình quân (xấp xỉ 5,8 triệu đồng/tấn).
Đặc biệt, ông Nhẫn cho biết, việc chạy máy trở lại đã làm giảm lỗ gần 270 tỷ đồng so với phương án ngừng máy (lỗ cả năm 2017 là 933,5 tỷ đồng).
Tuy nhiên, nhà máy vẫn gặp rất nhiều khó khăn về vốn nên ông Vũ Văn Nhẫn rất mong nhận được sự hỗ trợ từ phía Chính phủ, Bộ Công Thương cũng như các ngân hàng cho vay, bởi nếu không, bản thân ông cũng hoang mang việc "tồn tại hay không tồn tại" của công ty.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Công thương khẳng định không thể nói đến chuyện tồn tại hay không tồn tại của vì điều đó làm "tổn thương đến tình cảm của tập thể người lao động công ty".
Bộ trưởng nhấn mạnh, "phải có ý chí, biến ý chí thành hành động cụ thể" và "Bộ Công thương, Tập đoàn Hóa chất sẽ còn làm việc với công ty nhiều lần trong năm 2018 để tìm ra giải pháp".
Bộ trưởng cũng cho rằng, nhà máy nên tự hào vì cũng có công nghệ không thua kém, người lao động gắn bó, nhiệt huyết, được đào tạo bài bản, nhiều người tuổi đời còn trẻ nhưng đã có kinh nghiệm nhiều năm công tác do những yếu tố khách quan và chủ quan trước đây nên bị thua lỗ, vì thế, thời gian này cần chủ động vươn lên, "trước khi trời cứu thì phải tự cứu lấy mình".
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng cho rằng, hiện Công ty gặp khó khăn lớn về vốn. Thứ trưởng cùng Lãnh đạo Vinachem đã làm việc cùng Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam để ứng trước 40.000 tấn than giúp Nhà máy. Thứ trưởng khẳng định trong năm 2018, Lãnh đạo Bộ và Lãnh đạo Tập đoàn cũng sẽ tiếp tục gỡ dần bài toán về vốn, về công nghệ giúp Nhà máy từng bước ổn định sản xuất.
Kết luận nhằm tháo gỡ những khó khăn, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã đưa ra 4 nội dung mà lãnh đạo Tập đoàn và công ty cần lưu ý trong thời gian tới.
Thứ nhất, cần rà soát, đánh giá tổng quan về công nghệ, thương mại, quản trị doanh nghiệp để báo cáo Lãnh đạo Bộ hỗ trợ Công ty; đề xuất các phương án tối thiểu và phương án tối đa, có giải pháp thực hiện các giải pháp một cách cụ thể.
Thứ hai, Vinachem chủ động xây dựng, phát triển thị trường đủ mạnh để giữ thị phần, phát triển thương hiệu, mở rộng và liên kết trong hệ thống phân phối. Theo đó, các đơn vị thuộc Bộ có trách nhiệm cùng Tập đoàn làm tốt công tác thị trường.
Thứ ba là nghiên cứu chính sách về thuế (phòng vệ thương mại...)
Thứ tư là làm tốt công tác truyền thông, thông tin để mọi người hiểu những khó khăn của Công ty đồng thời thấy được sự nỗ lực vượt khó rất đáng tự hào của Lãnh đạo và người lao động Công ty.
Bộ trưởng nhấn mạnh, cần để cho mọi người thấy được rằng, cái gì thuộc về quá khứ chúng ta vẫn đối diện, vẫn khắc phục. Đây không phải là một dự án tồn đọng. Đây là một thương hiệu, một sản phẩm có ích cho nhà nông và là một hình ảnh của ngành công nghiệp hóa chất, rất đáng trân trọng.