MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ trưởng Giao thông vận tải: “Nếu chỉ ra BOT có sai phạm, tôi sẽ xử lý cán bộ cấp dưới nghiêm túc”

Đây là khẳng định của ông Nguyễn Văn Thể sau các câu hỏi chất vấn liên quan đến các dự án xây dựng – kinh doanh – chuyển giao (BOT) trong lĩnh vực giao thông, tại buổi chất vấn sáng 4/6 của Quốc hội.

Phát hiện vi phạm sẽ xử lý

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho rằng dự án BOT có nhiều sai phạm, tranh chấp; trong khi đó, thể chế về BOT vẫn chưa hoàn chỉnh, chưa giải quyết được 3 lợi ích căn bản của người dân, nhà đầu tư, nhà nước. Điều này đẫn đến việc giải quyết của Bộ GTVT như lâu nay giống như "ăn đong".

Bộ trưởng Giao thông vận tải: “Nếu chỉ ra BOT có sai phạm, tôi sẽ xử lý cán bộ cấp dưới nghiêm túc” - Ảnh 1.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng: Cách giải quyết của Bộ GTVT hiện nay như "ăn đong".

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ GTVT thừa nhận thể chế chưa hoàn thiện. Ông Nguyễn Văn Thể mong muốn các ĐBQH đóng góp ý kiến để hoàn thiện Luật đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) đang được soạn thảo.

"Bộ GTVT đã làm hết mình. Nếu chỉ ra sai phạm, tôi sẽ xử lý cán bộ dưới cấp nghiêm túc. Thực hiện Nghị quyết 437 của Quốc hội, chúng tôi đã dừng nhiều dự án BOT và chỉ triển khai những dự án song hành với đường cũ để đảm bảo người dân có sự chọn lựa" – ông Nguyễn Văn Thể nói.

Ông Nguyễn Văn Thể khẳng định, các dựa án BOT đều "mang tính lịch sử". Khi lập dự án trong quá khứ đều đạt được sự thống nhất với địa phương, một số dự án khác triển khai xong mới được chuyển về Bộ GTVT quản lý. Vì vậy, việc giải quyết vấn đề của dự án BOT hiện nay phải đảm bảo lợi ích của nhà đầu tư theo các hợp đồng trước đó. Trong khả năng của mình, Bộ GTVT đã đàm phán với nhà đầu tư để giảm giá và kéo dài thời gian thu phí. Có dự án đã giảm giá tới 3 lần, hiện chỉ còn 15.000 đồng/ lượt.

Tuy nhiên, đại biểu Hoàng Quang Hàm cho rằng giải thích của Bộ trưởng Bộ GTVT là không thuyết phục.

"Ngày xưa khi làm BOT, người dân có biết đâu. Trước khi bàn thì đã thương thảo chưa? Giờ vỡ lở thì người dân phải chịu. Tôi thấy như thế là không ổn" – ông Hoàng Quang Hàm nói.

Bộ trưởng Giao thông vận tải: “Nếu chỉ ra BOT có sai phạm, tôi sẽ xử lý cán bộ cấp dưới nghiêm túc” - Ảnh 2.

Đại biểu Hoàng Quang Hàm: Ngày xưa khi làm BOT, người dân có biết đâu.

Khi nào mua lại các trạm BOT?

Nhiều ĐBQH nêu lên kiến nghị của cử tri về việc trạm BOT đặt gần nhau, khoảng cách dưới 70km. Đặc biệt, cử tri muốn biết nguyên nhân đa số các dự án BOT đều áp dụng chỉ định thầu.

Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết, việc chọn lựa các nhà đầu tư, nhà thầu các dự án BOT đều qua đấu thầu. Thông tin mời thầu được đăng tải tại website của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước 1 tháng. Tuy nhiên, nhiều dự án chỉ 1 nhà dầu tư nộp hồ sơ. Thông tin mời thầu trên website đã được kéo dài thời gian đăng tải nhưng vẫn có dự án không có ai quan tâm.

"Chúng tôi kéo dài thời gian đăng tải, mong muốn có thêm nhà thầu hoặc liên doanh nhà thầu, nhưng vẫn không có. Bộ GTVT có quyền chỉ định thầu để giải quyết các nhu cầu cấp bách tại địa phương. Với sự thống nhất, Bộ GTVT đã chỉ định thầu" – ông Nguyễn Văn Thể giải thích.

Về khoảng cách giữa 2 trạm thu phí nhỏ hơn 70km, Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết thông tư 159 có nội dung giải thích vấn đề này. Theo đó, Bộ có quyền quyết định đặt trạm BOT dù khoảng cách giữa hai trạm nhỏ hơn 70km. Việc đặt các trạm BOT như vậy còn nhận được sự đồng thuận của chính quyền địa phương vì địa phương muốn phát triển các khu vực có đường BOT chạy qua.

"Quan điểm của Bộ GTVT là đứng về phía người dân. Chúng tôi đã trình lên danh sách các trạm BOT. Nếu Quốc hội đồng ý, chúng tôi sẽ mua lại hết" – Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết.

An Bình

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên