MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ trưởng GTVT: Người dân rất mong chờ tuyến Cát Linh-Hà Đông sớm khai thác

15-03-2019 - 16:13 PM | Xã hội

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể trực tiếp thị sát tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, yêu cầu các đơn vị sớm đưa dự án vào khai thác...

Nỗ lực vận hành thương mại cuối tháng 4/2019

Sáng 15/3, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể trực tiếp thị sát một số nhà ga, kiểm tra chất lượng các đoàn tàu và kết quả vận hành thử và tình hình tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật vận hành của tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông.

Sau khi nghe các đơn vị báo cáo, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng, dự án đang trong giai đoạn cuối để chuẩn bị đưa vào khai thác, vận hành thương mại nên tổng thầu, các cơ quan liên quan có trách nhiệm phải nỗ lực, phối hợp tốt hơn để giải quyết các vướng mắc, sớm hoàn thành dự án.

"Người dân Hà Nội đang chờ dự án sớm đưa vào khai thác để đi lại thuận lợi, giải quyết ùn tắc giao thông. Nếu các bên không cùng nỗ lực giải quyết, vướng mắc không được tháo gỡ, dự án tiếp tục kéo dài. Các đơn vị liên quan và tổng thầu phải có kế hoạch phối hợp giải quyết. Sau cuộc họp này, Ban QLDA đường sắt phải liệt kê ra các công việc, những vướng mắc và chỉ rõ ai giải quyết", Bộ trưởng nói.

 Bộ trưởng GTVT: Người dân rất mong chờ tuyến Cát Linh-Hà Đông sớm khai thác  - Ảnh 1.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể kiểm tra thực tế tại một nhà ga


"Tổng thầu phải thực hiện đầy đủ các công việc từ vận hành thử, đào tạo, xây dựng quy trình bảo trì, bảo dưỡng... theo hợp đồng. Vì vậy, tổng thầu có trách nhiệm chính trong việc kết thúc dự án, các cơ quan, đơn vị liên quan hỗ trợ tích cực tổng thầu", Bộ trưởng nói và yêu cầu Cục Đường sắt VN hướng dẫn cụ thể cho tổng thầu, Ban QLDA về sát hạch, cấp giấy phép lái tàu và các chức danh công việc. Công ty Metro Hà Nội cần thường xuyên nắm bắt tình hình về đào tạo, tay nghề của các nhân lực đang được đào tạo thực hành và tiếp nhận bàn giao lâm quản từng phần để chuẩn bị cho vận hành dự án.

"Bộ GTVT, người dân mong muốn dự án sau khi vận hành thử 3-6 tháng có thể hoàn thành để đi vào khai thác thương mại. Vì vậy, tổng thầu và các đơn vị liên quan cần nỗ lực để dự án đi vào vận hành thương mại vào cuối tháng 4/2019. Dự án được đưa vào vận hành thương mại phải được chứng nhận an toàn hệ thống, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hành khách", Bộ trưởng chỉ đạo.

 Bộ trưởng GTVT: Người dân rất mong chờ tuyến Cát Linh-Hà Đông sớm khai thác  - Ảnh 2.

Các nhà ga đã lắp đặt xong cổng soát vé, chờ cài đặt phần mềm


Vẫn chưa hoàn thành vận hành thử

Trước đó, ông Vũ Hồng Phương, Phó giám đốc phụ trách Ban QLDA đường sắt báo cáo Bộ trưởng cho biết, dự án đã hoàn thành 99% khối lượng xây lắp, 1% còn lại gồm các hạng mục hoàn thiện công trình ga, Depot và một số hạng mục thiết bị, trong đó có hạng mục thẻ vé tự động AFC liên quan trực tiếp đến vận hành thử liên động dự án.

"Hiện Ban QLDA đang tiến hành họp giao ban hàng tuần với các đơn vị liên quan như: Sở GTVT Hà Nội, Metro Hà Nội, tổng thầu, tư vấn giám sát, tư vấn đánh giá chất lượng an toàn hệ thống; đồng thời bố trí các văn phòng tại Depot để đôn đốc thi công, nghiệm thu, bàn giao, tiếp nhận từng phần dự án", ông Phương nói.

Cũng theo lãnh đạo Ban QLDA đường sắt, dự án được vận hành thử từ 20/9/2018, dự kiến hoàn thành sau 3-6 tháng, nhưng đến nay chưa hoàn thành căn chỉnh liên động 5 chuyên ngành: thông tin, tín hiệu, đoàn tàu, điện lực và đường ray. Các chuyên ngành khác như: thang máy, thẻ vé, điều hòa thông gió... cũng đang chờ thi công xong để nghiệm thu đưa vào vận hành thử.

 Bộ trưởng GTVT: Người dân rất mong chờ tuyến Cát Linh-Hà Đông sớm khai thác  - Ảnh 3.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể thị sát khu vực đào tạo thực hành điều độ chạy tại khu Depot


Liên quan đến công tác đào tạo nhân sự thực hành tại dự án, một số bộ phận như: lái tàu và điều động chạy tàu đang được đào tạo thực hành tại dự án. Còn một số bộ phận do chuyên ngành thiết bị chưa đưa vào sử dụng, chưa được thực hành trực tiếp trên thiết bị nên chưa đáp ứng theo kế hoạch. Về phương tiện và người lái, dự án còn thiếu hồ sơ kỹ thuật để chứng nhận đăng kiểm đoàn tàu; chưa xong công tác chuẩn bị để sát hạch, cấp giấy phép lái tàu.

Về phía tổng thầu, ông Đường Hồng, Giám đốc dự án cho biết đang gặp một số khó khăn dẫn đến chậm tiến độ như: chưa có sự thống nhất giữa các bên liên quan trong việc thay đổi tham số thiết bị dự án, phê duyệt vật liệu bổ sung, chậm được giải ngân, thanh toán...

Trong khi đó, ông Lê Kim Thành, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông cho biết, việc giải quyết các vướng mắc về hồ sơ, thủ tục phụ thuộc vào tổng thầu. Giá trị thiết bị hạng mục còn lớn, nhưng chưa thể giải ngân do công tác lập hồ sơ nghiệm thu, thanh toán của tổng thầu chậm; chất lượng hồ sơ không đáp ứng được yêu cầu theo quy quy định của hợp đồng EPC.

Liên quan đến chuẩn bị đưa dự án vào khai thác, ông Vũ Hồng Trường, Tổng giám đốc Mettro Hà Nội (đơn vị tiếp nhận) cho biết, dự án không có hạng mục trang bị thiết bị văn phòng như: bàn, ghế... nên cần được xem xét, giải quyết. Đồng thời, cần có tiêu chí kết quả đào tạo vận hành thương mại làm cơ sở để đánh giá trình độ nhân lực.

Theo Hồng Xiêm

Báo Giao thông

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên