Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng: Nhiều doanh nghiệp lớn đã phải bán gần hết tài sản
Thông tin này được Bộ trưởng Dũng nêu ra khi báo cáo tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay (9/5).
Sáng nay (9/5), Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.
Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng, khó khăn chủ yếu từ bên ngoài, nhưng bên trong, khó nhất là ''tâm lý thị trường, niềm tin xã hội, né tránh trách nhiệm của cán bộ thực thi các cấp''.
Bộ trưởng dẫn số liệu cho thấy, năm 2022, TP. HCM có 584 văn bản hỏi Bộ KH-ĐT và bộ trả lời 604 văn bản. Tuy nhiên, nội dung TP hỏi đều thuộc thẩm quyền của TP.
Theo ông Dũng, đây là hiện tượng né tránh, đùn đẩy, ''đá lên trên rồi ngồi chờ, tức là không làm''.
''Vấn đề lớn nhất hiện nay là cán bộ các cấp sợ, né tránh, đùn đẩy không làm” – ông Nguyễn Chí Dũng đánh giá.
Nói sâu hơn về khó khăn của doanh nghiệp, Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh vấn đề dòng tiền.
''Nhiều doanh nghiệp lớn nói đã bán gần hết tài sản, những gì bán được đã bán với chỉ 50% giá thực, và người mua là nước ngoài'' - ông Dũng nhấn mạnh.
Khó khăn nổi bật nữa là về thủ tục đầu tư. Theo Bộ trưởng, các thủ tục hiện nay không làm hoặc phải mất 1-2 năm mới giải quyết được một vấn đề, như vậy doanh nghiệp không thể làm được gì. Kinh tế vốn đã khó khăn nhưng tinh thần giải quyết công việc lại chưa tốt.
Ông Nguyễn Chỉ Dũng cũng chỉ rõ môi trường đầu tư còn kém. Trong khi thể chế cải tiến rất nhiều để giảm các điều kiện, thủ tục, thì thông qua văn bản bộ ngành, địa phương, lại phát sinh hàng nghìn thủ tục mới.
Bộ KH-ĐT đang giao Viện quản lý kinh tế trung ương rà soát lại xem các văn bản nào của bộ ngành có nội dung trái, đi ngược quy định, làm hạn chế chế quyền của doanh nghiệp, bởi đây là vấn đề làm cản trở, ách tắc hoạt động của nền kinh tế.
Bộ trưởng cũng khẳng định, Chính phủ đang rất nỗ lực, với nhiều nghị quyết, chỉ thị, công điện, họp, chỉ đạo, ban hành thể chế và bước đầu có chuyển biến tích cực, dấu hiệu tháng 4 tốt. Tuy nhiên để, đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5%, các quý còn lại phải tăng trưởng rất cao, khoảng 8%. Đây là điều rất khó nhưng Chính phủ đang giữ mục tiêu này để phấn đấu.
Nhịp sống thị trường