MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ trưởng KH&CN: Mức độ sẵn sàng cho cách mạng 4.0 của Việt Nam dù ở nhóm sơ khởi nhưng khá gần với nhóm tiềm năng cao!

Trả lời báo chí gần đây, Bộ trưởng KH&CN Chu Ngọc Anh một lần nữa khẳng định quyết tâm bắt kịp sự làn sóng công nghiệp 4.0.

Bộ trưởng nói công nghiệp 4.0 là xu thế tất yếu và diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Nhiều quốc gia đã lựa chọn được cách tiếp cận riêng mình. Ví dụ như Đức là Industrie 4.0, Mỹ là Liên minh Internet công nghiệp, Nhật Bản là Xã hội 5.0. Với những đất nước ngay sát Việt Nam như Trung Quốc cũng có chiến lược Made in China 2025 hay Thái Lan chọn hướng đi là Thailand 4.0...

"Dù từ cách tiếp cận nào, các quốc gia đều phải dựa vào nền tảng là sự phát triển của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo", Bộ trưởng nói.

Việt Nam, tất nhiên trong dòng chảy của công nghệ, những tác động ở hai mặt tốt – xấu là hoàn toàn không tránh khỏi. Ở góc độ cơ hội, công nghiệp 4.0 tạo cơ hội cho nền kinh tế số, sản xuất và dịch vụ thông minh,... giúp tăng năng suất lao động, tiết kiệm chi phí quản lý, chi phí sản xuất thì ngược lại, cuộc cách mạng này cũng đòi hỏi rất nhiều thứ.

Bộ trưởng Ngọc Anh chỉ rõ đó là thách thức đổi mới, xây dựng hành lang pháp lý chặt chẽ cho kinh tế số, mô hình sản xuất và dịch vụ thông minh không bị cản trở. Nguồn nhân lực chất lượng chưa tương xứng, là vấn đề bấy lâu nay, lại trở nên nhức nhối, cấp bách hơn bao giờ hết...Bởi những đòi hỏi này, nếu không được đáp ứng, có thể, Việt Nam sẽ tuột mất cơ hội thay đổi, trở nên tụt hậu so với các quốc gia khác.

Tất nhiên, trong thời gian qua, đất nước cũng đã có những chuyển đổi mạnh mẽ, tạo nền tảng cho cách mạng 4.0, theo Bộ trưởng Chu Ngọc Anh. Ông nói rằng trong 10 năm qua, nhìn về bức tranh kinh tế số, đã quan sát được nhiều con số tiến triển ấn tượng về cả hạ tầng kết nối số lẫn thị trường kinh doanh.

Đơn cử, năm 2007, số người dùng Internet trong nước là 17,7 triệu người thì đến năm 2017, con số này đã tăng thành 64 triệu, xấp xỉ 67% dân số. Việt Nam hiện là quốc gia xếp thứ 13 trong top 20 quốc gia có số dân sử dụng Internet đông nhất thế giới.

Bên cạnh đó, quy mô thị trường công nghệ thông tin hiện đạt trên 64 tỷ USD, riêng di động là 6,1 tỷ USD, xuất khẩu là 60 tỷ USD, "phản ánh tăng trưởng không ngừng" – Bộ trưởng nói và cho biết các doanh nghiệp lớn trong nước như Viettel, VNPT Technology, CMC.. cũng liên tục nâng cấp công nghệ, cùng với đó là sự xuất hiện hàng loạt của các startup công nghệ cao trong thời gian qua.

Từ đánh giá quốc tế về mức độ sẵn sàng cho cách mạng công nghiệp 4.0 của Diễn đàn Kinh tế thế giới, Bộ trưởng Ngọc Anh chỉ ra Việt Nam đang xếp thứ 48/100 về cấu trúc của nền sản xuất và thứ 53/100 về các yếu tố dẫn dắt sản xuất.

"Như vậy, đánh giá về mức độ sẵn sàng, Việt Nam mặc dù vẫn ở nhóm sơ khởi nhưng khá gần với nhóm tiềm năng cao", Bộ trưởng nói và nhấn mạnh điều này đồng nghĩa đất nước có nhiều dư địa để tập trung phát triển trong thời gian tới.

Bộ trưởng cho biết Bộ KH&CN đang  được giao là cơ quan đầu mối để phối hợp cùng các Bộ, ngành trong việc nghiên cứu, xây dựng Nghị quyết của Bộ Chính trị về chủ trương, chính sách chủ động tham gia vào cách mạng 4.0 và Nghị quyết về chương trình hành động của Chính phủ để cụ thể hoá các nội dung và triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng nói rằng để ứng phó cũng như nắm bắt làn sóng 4.0, Việt Nam đang và sẽ kiên trì thực hiện việc phát triển khoa học, đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo để cùng với nguồn nhân lực chất lượng cao thực sự trở thành một trong ba đột phá chiến lược, là đòn bẩy của tái cơ cấu kinh tế giúp đất nước phát triển.  

Nam Dương

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên