MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Nền kinh tế Việt Nam đã đi qua đáy và đang phục hồi hình chữ V

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2020, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Người phát ngôn của Chính phủ nhận định: "Hai đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng lớn, nhưng cả nước đã kiểm soát thành công và thực hiện mục tiêu kép thắng lợi, đặc biệt là kinh tế tháng 9 có sự tăng trưởng cao".

Chiều ngày 2/10, tại Hà Nội đã diễn ra họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2020. 

Tại đây, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nhấn mạnh: "Kinh thế tháng 9 có rất nhiều điểm sáng. Đồng thời, đã qua 30 ngày không có ca mắc mới trong cộng đồng, chúng ta đã khống chế thành công 2 đợt dịch".

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định: "Thực tế nền kinh tế nước ta đã đi qua đáy trong quý II và đang phục hồi theo hình chữ V. Việt Nam là nước tăng trưởng dương duy nhất ở khu vực ASEAN, nằm trong số ít nước tăng trưởng dương trên thế giới".

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Nền kinh tế Việt Nam đã đi qua đáy và đang phục hồi hình chữ V - Ảnh 1.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng

10 kết quả, thành tựu nổi bật

Thứ nhất, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2020 tăng 0,12% so với tháng trước và tăng 0,01% so với tháng 12 năm trước, mức thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020. Bình quân 9 tháng năm 2020, CPI tăng 3,85% so với cùng kỳ năm trước. 

Tỷ giá hối đoái, lãi suất cho vay ổn định; dự trữ ngoại hối tiếp tục tăng. Trong 9 tháng, Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần hạ lãi suất điều hành để kích thích kinh tế.

Thứ hai, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công tháng 9 và 9 tháng đều đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2016-2020. 

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện quý III/2020 tăng khá, tăng 7,4% so với cùng kỳ, đặc biệt vốn khu vực Nhà nước tăng 21,5% (9 tháng tăng 13,4% so với cùng kỳ). Thu hút đầu tư nước ngoài, mặc dù gặp khó khăn, đã đạt trên 21 tỷ USD.

Thứ ba, mặc dù đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp làm đứt gãy thương mại quốc tế, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn giữ được mức tăng dương. Kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 9/2020 tăng 15% so với cùng kỳ. 

Tính chung 9 tháng, xuất khẩu tăng 4,2%. Có 30 mặt hàng xuất khẩu đạt hơn 1 tỷ USD (cùng năm 2019, chỉ có 26 mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch hơn 1 tỷ USD); 5 mặt hàng xuất khẩu hơn 10 tỷ USD. Kim ngạch nhập khẩu giảm 0,8%, chủ yếu là nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm 93,5%. Xuất siêu đạt kỷ lục, gần 17 tỷ USD. Điểm ấn tượng là xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước tăng 20,2%, nhanh hơn FDI; nông nghiệp phấn đấu vượt mức xuất khẩu 41 tỷ USD.

Thứ tư, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đã thể hiện vai trò bệ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia; với nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu dồi dào, là cơ sở tiền đề quan trọng để thực hiện công tác an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo và ổn định xã hội. Người nông dân "được mùa, được giá". 

Năng suất lúa tăng 0,9 tạ/ha. Sản lượng thu hoạch nhiều loại cây ăn quả, cây công nghiệp tăng mạnh (điều tăng 17,8%; vải tăng 15%; nhãn tăng 12,4%; thanh long tăng 8,4%,...).

Thứ năm, sản xuất công nghiệp tháng 9/2020 đã có sự khởi sắc, mở ra hy vọng sớm phục hồi và tăng trưởng mạnh trở lại trong những tháng cuối năm. Tuy nhiên, trong 9 tháng, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp chỉ tăng 2,69%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,6% và là mức tăng thấp nhất của 9 tháng các năm 2011-2020.

Thứ sáu, hoạt động thương mại dịch vụ trong tháng 9 đã tăng trưởng trở lại, thị trường hàng hóa và đời sống của người dân dần ổn định, các điểm tham quan, du lịch trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố đã mở cửa trở lại. 

Các hoạt động kích cầu tiêu dùng, du lịch đang được triển khai quyết liệt. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9/2020 tăng 2,7% so với tháng trước và tăng 4,9% so với cùng kỳ. Tính chung 9 tháng năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng nhẹ 0,7%.

Thứ bảy, hoạt động của doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, nhưng kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy doanh nghiệp lạc quan về tình hình sản xuất kinh doanh trong quý IV/2020 với khoảng 81% doanh nghiệp đánh giá sẽ ổn định và tốt hơn.

Thứ tám, dù chịu ảnh hưởng lớn của dịch bệnh, chỉ số nhà quản trị mua hàng PMI của Việt Nam đã tăng lên 52,2 điểm trong tháng 9, cao nhất ASEAN và so với 45,7 điểm tháng 8, thể hiện xu hướng phục hồi rõ nét của nền kinh tế Việt Nam.

Thứ chín, các lĩnh vực về văn hoá, xã hội tiếp tục được quan tâm. Trong 9 tháng, số hộ thiếu đói giảm mạnh, cả nước có 16.500 lượt hộ thiếu đói, tương ứng với 66.500 lượt nhân khẩu, giảm 75,5% về số lượt hộ và giảm 75,6% về số lượt nhân khẩu so với cùng kỳ. 

Tình hình lao động, việc làm trong quý III có dấu hiệu phục hồi. Lao động 15 tuổi trở lên đang làm việc tăng 1,5 triệu người so với quý II. Tổ chức thành công đợt 2 kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, các đoàn học sinh Việt Nam dự thi Olympic đạt kết quả cao.

Cuối cùng, hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế đạt kết quả tích cực; hình ảnh, uy tín của Việt Nam được nâng cao. Tổ chức thành công Đại hội đồng AIPA lần thứ 41, Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao ASEAN lần thứ 53 và các Hội nghị liên quan.

Q.L

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên