MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Kinh tế 5 năm giai đoạn 2016 – 2020 cơ bản thuận lợi

Tính riêng trong năm 2018, 12/12 chỉ tiêu Quốc hội giao khả năng hoàn thành toàn diện cao. Cụ thể, 8 chỉ tiêu vượt, 4 chỉ tiêu đạt kế hoạch, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội 5 năm đã đề ra.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã trình bày báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế xã hội trong phiên họp thứ 28 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, sáng 15/10.

Nhận định chung, ông Dũng cho biết nền kinh tế trong năm 2018 và 3 năm của kế hoạch giai đoạn 2016 – 2020 cơ bản thuận lợi.

Theo ông, ngay từ đầu nhiệm kỳ, nhờ có tinh thần vào cuộc mạnh mẽ của toàn hệ thống chính trị, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng, sự nỗ lực, cố gắng của các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp… nền kinh tế đã từng bước vượt qua khó khăn, thách thức, duy trì đà chuyển biến tích cực.

Năm 2018, Bộ trưởng Dũng cho biết có thể hoàn thành toàn diện 12/12 chỉ tiêu Quốc hội giao. Trong đó, 8 chỉ tiêu vượt và 4 chỉ tiêu đạt kế hoạch. Điều này góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm đã đề ra. Hiện đã có 11 chỉ tiêu ước đạt và vượt so với mục tiêu kế hoạch 5 năm.

Chi tiết hơn, Bộ trưởng cho biết kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, tạo nền tảng quan trọng để thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực và đảm bảo an sinh xã hội, giữ gìn ổn định và an ninh quốc gia.

Lạm phát được kiểm soát, liên tiếp 3 năm CPI đạt dưới 4%. Các chính sách tài khoá được điều hành linh hoạt. Tỷ giá, lãi suất được ổn định, đảm bảo tính thanh khoản, an toàn hệ thống, tăng trưởng tín dụng hợp lý, khoảng 17%. Hệ thống tài chính đã đáp ứng được yêu cầu về vốn của nền kinh tế. Nợ công giảm, còn khoảng 61,4% năm 2018.

Bên cạnh đó, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, góp phần củng cố nền tảng vĩ mô, tạo nguồn lực cho phát triển.

Thu ngân sách Nhà nước năm 2018 ước đạt trên 1,35 triệu tỷ đồng, tăng 3% so với dự toán và tăng 5,5% so với năm 2017. Bội chi ước đạt 3,67%, cơ cấu chi đầu tư tăng, giảm chi thường xuyên.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 1,89 triệu tỷ đồng, tăng 13,3%, bằng 34% GDP, đạt mục tiêu Quốc hội giao, trong đó, cơ cấu đầu tư khu vực tư nhân ngày càng tăng, giải ngân vốn FDI đạt khá, ước đạt 18 tỷ USD, tăng 2,8%.

Xuất nhập khẩu tăng mạnh, cao hơn mốc kỷ lục năm 2017, ước đạt 475 tỷ USD, tăng 11,7%, trong đó xuất khẩu ước đạt 238 tỷ USD, tăng 11,2%, cán cân thương mại xuất siêu khoảng 1 tỷ USD.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế duy trì mức cao, chất lượng tăng trưởng cải thiện. Dự báo triển vọng GDP năm 2018 có thể tăng cao hơn 6,7%, mô hình tăng trưởng dần dịch chuyển sang chiều sâu, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) ước đạt 40,23%, năng suất lao động duy trì nhịp độ tăng cao hơn giai đoạn 2011-2015, ước đạt 5,55%.

Ngoài ra, Bộ trưởng Dũng cũng cho biết các ngành, lĩnh vực đã phát triển toàn diện hơn, tạo động lực cho tăng trưởng. Nền kinh tế được cơ cấu lại với những chuyển biến rõ nét, thực chất hơn trong các ngành, lĩnh vực.

Cải cách thể chế, cải thiện hạ tầng cũng là những điểm sáng được Bộ trưởng Dũng báo cáo tại phiên họp…

Như vậy, Bộ trưởng khẳng định các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 cơ bản được hoàn thành, đạt kết quả toàn diện trên các lĩnh vực. Kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của 3 năm của giai đoạn 2016-2020 là tích cực và đúng hướng.

Tuy nhiên, Việt Nam cũng phải đối diện với nhiều thách thức. Trong đó, ông đặc biệt nhắc lại năm 2016 với nhiều thiên tai, sự cố ô nhiễm môi trường gây ảnh hưởng không nhỏ đến tăng trưởng kinh tế.

Mặt khác, những vấn đề quốc tế như căng thẳng chính trị, thương mại… đã tạo sức ép lên điều hành chính sách vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Một số yếu kém, hạn chế của nội tại kinh tế trong nhiều năm, Bộ trưởng Dũng cho biết là được khắc phục chậm so với yêu cầu.

Do vậy, trong những tháng còn lại, ông cho biết Chính phủ sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo với quyết tâm, nỗ lực cao nhất, tuyệt đối không chủ quan, lơ là. Theo đó, ông nhấn mạnh vào các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, cắt giảm điều kiện kinh doanh, cắt giảm chi phí, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân phát triển…

T.Công

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên