Bộ trưởng Tài chính: Chưa khi nào trong lịch sử Nhà nước lại miễn, giảm thuế nhiều như hiện nay
Người đứng đầu ngành tài chính cũng nêu rõ việc giảm thuế nhưng vẫn phải đảm bảo cân đối tài khóa, đảm bảo chi tiêu, hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách là hết sức nặng nề.
- 09-07-2022Đà Nẵng có gì để mời chào “đại bàng”?
- 09-07-2022Mối lo TP HCM thành đô thị tắc nghẽn nhất Đông Nam Á
- 09-07-2022Dự án cầu 5.000 tỷ nối Đồng Nai với Bà Rịa - Vũng Tàu được duyệt chính sách bồi thường tái định cư
Như đã thông tin , chiều ngày 7/7, Hội nghị Sơ kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2022 đã được Bộ Tài chính tổ chức quy mô theo cả hình thức trực tuyến và trực tiếp.
Bên cạnh cập nhật về tình hình thu, chi ngân sách nhà nước (NSNN) trong giai đoạn cùng kết quả của các chính sách miễn, giảm, giãn thuế cho người dân, doanh nghiệp hậu COVID-19, lãnh đạo Bộ Tài chính cũng đã đề cập đến một số kịch bản, giải pháp để ứng phó với việc lạm phát tăng cao giai đoạn cuối năm.
Tham dự và chỉ đạo Hội nghị, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã yêu cầu Bộ Tài chính tiếp tục tập trung rà soát những điểm chồng chéo, tháo gỡ các khó khăn; đồng thời huy động và khơi thông mọi nguồn lực thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển bền vững.
"LẠM PHÁT CÓ NGUY CƠ ẢNH HƯỞNG ĐẾN TỪNG MÂM CƠM CỦA NGƯỜI DÂN..."
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh chưa có khi nào trong lịch sử Nhà nước lại miễn, giảm thuế nhiều như hiện nay.
Theo đó, đến nay, tổng số giá trị các chính sách tài khóa được thực hiện đã đạt trên 88.000 tỷ đồng. Hôm 6/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa thông qua đề xuất cho phép giảm tiếp 7.000 tỷ đồng thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu, mỡ nhờn.
Cập nhật thêm, ông Phước cho biết, để dự phòng giá xăng dầu còn tiếp tục lên cao, Bộ Tài chính đang có đề xuất giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng thêm 38.000 tỷ đồng, nâng tổng số lên mức 126.000 tỷ đồng.
Đồng thời, người đứng đầu ngành tài chính cũng nêu rõ việc giảm thuế nhưng vẫn phải đảm bảo cân đối tài khóa, đảm bảo chi tiêu, hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách. "Đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề trên vai chúng ta", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.
Ông Phước nhận định và cảnh báo về thách thức lớn sắp tới là áp lực lạm phát gia tăng. Theo Bộ trưởng, sức ép này "có nguy cơ ảnh hưởng đến từng mâm cơm của người dân, đến hoạt động của từng nhà máy, doanh nghiệp".
Bộ trưởng Phớc lý giải, giá cả tăng sẽ tác động lớn đến đời sống của người dân. Đồng thời, doanh nghiệp cũng không thể tránh được cơn bão giá khi nhiều giá cả đầu vào đồng loạt tăng; đặc biệt trong lĩnh vực vận tải, xây dựng cơ bản...
Trong khi đó, thu ngân sách dựa vào "sức khỏe" doanh nghiệp, khi doanh nghiệp khó khăn thì thu ngân sách cũng ảnh hưởng đáng kể. Bởi vậy, đòi hỏi các cơ quan phải có các giải pháp, kịch bản cụ thể cho các tình huống để đương đầu với khó khăn.
Cũng theo Bộ trưởng, trước nguy cơ lạm phát, sự phối hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ càng trở nên quan trọng. Do đó, sắp tới Bộ Tài chính và các bộ, ngành sẽ tích cực phối hợp tham mưu cho Chính phủ để thúc đẩy các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội toàn diện.
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc tại Hội nghị Sơ kết công tác tài chính - NSNN 6 tháng đầu năm 2022. Ảnh: TTXVN
THÁO GỠ KHÓ KHĂN CHO DOANH NGHIỆP LÀ GIẢI PHÁP QUAN TRỌNG NHẤT
Đề cập cụ thể hơn về phương hướng, giải pháp để đối phó với những thách thức đã nêu, Bộ trưởng Phớc nêu đầu tiên là việc triển khai các gói kích cầu, phục hồi kinh tế. Trong đó, ông nhấn mạnh việc đề nghị các địa phương tránh xảy ra thất thoát, sai phạm; đảm bảo chi đúng đối tượng, tiêu chí; cụ thể như là gói hỗ trợ tiền thuê nhà, gói hỗ trợ lãi suất...
Kế đến, trước tình hình giá cả tăng nhanh, các địa phương cần sớm công bố biểu giá được điều chỉnh kịp thời để các doanh nghiệp, nhà thầu có điều kiện triển khai sớm các dự án, công trình, đảm bảo tiến độ, chất lượng.
Đồng thời, ông Phước một lần nữa nhắc đến việc tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật, thể chế. Trong đó, cần chú trọng vào một số lĩnh vực liên quan đến máy móc, vật tư, thiết bị y tế, đơn giá, định mức...; đặc biệt là sớm bắt tay vào sửa Nghị định 151 hướng dẫn thực hiện Luật Quản lý tài sản công...
"Muốn thực hiện được chính sách tài khóa, tiền tệ tốt thì sức khỏe doanh nghiệp phải tốt. Cho nên phải tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phát triển thì cả nền kinh tế mới hoạt động tốt được", ông Hồ Đức Phớc nêu quan điểm.
Ngoài ra, để đảm bảo hoàn thành cho được dự toán thu ngân sách, tạo ra nguồn lực đảm bảo các nhiệm vụ chi - người đứng đầu Bộ Tài chính cũng lưu ý các đơn vị liên quan phải tập trung chống trốn thuế, trục lợi thuế, chuyển giá, đặc biệt là trong hoạt động mua bán online, thương mại điện tử...; hay thu thuế từ chuyển nhượng bất động sản.
NHÓM GIẢI PHÁP THEN CHỐT GIÚP NGÀNH TÀI CHÍNH VƯỢT KHÓ
Tham dự trực tiếp Hội nghị, sau khi nghe các báo cáo, bên cạnh biểu dương, ghi nhận những kết quả đã đạt được, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cũng đã đưa ra một số chỉ đạo, gợi mở với ngành tài chính để có thể vượt qua khó khăn, hoàn thành các kế hoạch...
Phó thủ tướng tái khẳng định, mục tiêu nhất quán là phải đảm bảo kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, không để xảy ra những cú sốc cho nền kinh tế; duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo việc làm, thu nhập và đời sống người dân.
Đồng thời, ông nhấn mạnh việc không được chủ quan với những kết quả đạt được, mà tất cả các cấp, các ngành, trong đó có ngành tài chính, các bộ ngành, địa phương phải theo dõi sát diễn biến tình hình, kịp thời ứng phó với những diễn biến rất nhanh chóng, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu đã được Quốc hội đề ra.
Từ đó, không chỉ với ngành tài chính, để hoàn thành mục tiêu của cả năm 2022, Phó thủ tướng Lê Minh Khái nêu và nhấn mạnh yêu cầu các đơn vị, địa phương cần phải tập trung vào 7 nhóm giải pháp cụ thể.
Toàn cảnh hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm của ngành tài chính. Ảnh VGP
Thứ nhất, tiếp tục nghiên cứu các chính sách tài khóa về thuế, phí để trình cấp có thẩm quyền quyết định nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.
Đồng thời, phối hợp hiệu quả chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ để kịp thời tham mưu, tăng cường phân tích dự báo, rà soát, cập nhật các kịch bản tăng trưởng và các giải pháp chỉ đạo điều hành trên các lĩnh vực được giao.
Kịp thời đề xuất các giải pháp để giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.
Hai là, tập trung rà soát những điểm chồng chéo ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh; huy động và khơi thông nguồn lực đưa đất nước phát triển bền vững.
Với ngành tài chính, cần tiếp tục rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, nhất là các lĩnh vực về thuế, hải quan.
Đề xuất sửa đổi, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật để tháo gỡ khó khăn, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để phát triển mô hình kinh tế số, thương mại điện tử.
Cùng với đó, mở rộng ứng dụng công nghệ thông tin trong dịch vụ công, xử lý hồ sơ nghiệp vụ, thủ tục hành chính trên môi trường mạng. Định kỳ đối thoại với doanh nghiệp, tạo điều kiện cho người nộp thuế.
Ba là, Bộ Tài chính cần phối hợp với các bộ ngành, địa phương để làm tốt công tác thu ngân sách; rà soát, nắm chắc nguồn thu và tiếp tục mở rộng cơ sở thuế...
Rà soát, nắm chắc các nguồn thu, tiếp tục mở rộng cơ sở thuế, chủ động đề ra các giải pháp phù hợp với từng lĩnh vực, địa bàn, đối tượng thu; tăng cường chống thất thu, chống chuyển giá, xử lý và thu hồi nợ đọng thuế trên địa bàn…
Ngành tài chính cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa phương thức quản lý thuế, tiết giảm hơn nữa thời gian thực hiện các thủ tục hành chính thuế.
Đồng thời chủ động đề xuất ban hành, thí điểm các thể chế chính sách đáp ứng yêu cầu phát triển trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như kinh tế số, giao dịch xuyên biên giới…
Bốn là, triệt để tiết kiệm các khoản chi thường xuyên
Theo đó, về chi thường xuyên, trong phạm vi dự toán được giao, đẩy mạnh phân cấp phân quyền, phân công, phân nhiệm đi đôi với tăng cường công tác phối hợp, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện; linh hoạt, kịp thời, tháo gỡ khó khăn vướng mắc nhất là thể chế, thủ tục hành chính.
Rà soát, sắp xếp các nhiệm vụ chi, cắt giảm tối đa các khoản chi thực sự không cần thiết theo đúng quy định; triển khai thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong các cơ quan nhà nước; ưu tiên nguồn lực cho các nhiệm vụ quan trọng cấp bách, nhất là phòng chống COVID-19, chương trình phục hồi kinh tế - xã hội; phòng chống khắc phục bão lũ, thiên tai... đảm bảo an sinh xã hội.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ đạo Hội nghị. Ảnh VGP
Năm là, quyết tâm điều hành giá theo đúng mục tiêu đề ra
Theo đó, tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường, giá cả nhất là các mặt hàng quan trọng thiết yếu để kịp thời đề xuất các giải pháp cân đối cung cầu, bình ổn giá.
Bộ Tài chính với vai trò là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo điều hành giá cần quán triệt tinh thần quyết tâm thực hiện điều hành giá đúng mục tiêu từ đầu năm đề ra.
Tăng cường quản lý, giám sát chứng khoán, có giải pháp dự báo và kiểm soát tốt dòng tiền nóng, đảm bảo phát triển ổn định thị trường.
Hiện nay, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ sửa đổi Nghị định số 153/2022/NĐ-CP về trái phiếu doanh nghiệp, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ tiếp tục bám sát quá trình xử lý để kịp thời tiếp thu, hoàn chỉnh để sớm ban hành, để thị trường trái phiếu hoạt động minh bạch, hiệu quả.
Sáu là, đẩy mạnh tái cấu trúc, cổ phần hóa DNNN, đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập, giá dịch vụ công.
Theo đó, cần nâng cao hiệu quả hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, bảo đảm dự toán thu và giảm áp lực chi NSNN.
Bảy là, siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính ngân sách trong thực thi công vụ.
Cụ thể là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch trong thu, chi NSNN; quản lý, sử dụng tài sản công, đất đai, tài nguyên,...
Đẩy mạnh hoạt động kiểm tra chống buôn lậu, gian lận thương mại...; chuyển đổi cơ chế kiểm tra, giám sát từ tiền kiểm sang hậu kiểm, gắn với trách nhiệm giải trình và minh bạch hóa các chế tài xử lý.
Biz Live