Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen nói gì sau khi thăm nhà máy sản xuất xe điện "made in Vietnam" của startup Việt?
“Nhà máy này – và những chiếc xe điện cũng như những cục pin mà các bạn sản xuất ra – thực sự rất ấn tượng".
Từ ngày 18 đến 21/7, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đang có chuyến thăm Việt Nam để thảo luận về quan hệ kinh tế song phương và các vấn đề khu vực.
Bên cạnh những cuộc gặp cấp cao với các nhà lãnh đạo cấp cao, trong lịch trình của bà Yellen có 1 điểm đến thú vị: tới thăm nhà máy của Selex Motors – startup xe điện mới ra đời từ năm 2018 nhưng đã tạo dựng được hệ sinh thái toàn diện cho xe điện thông minh.
Tại nhà máy ở Gia Lâm (Hà Nội), Bộ trưởng Tài chính Mỹ đã tham quan dây chuyền sản xuất xe điện và đặc biệt là ngồi thử lên chiếc xe điện “made in Vietnam”.
Chia sẻ về cảm xúc của mình, bà Yellen nói: “Nhà máy này – và những chiếc xe điện cũng như những cục pin mà các bạn sản xuất ra – thực sự rất ấn tượng. Chúng gợi lên điều đã gây ấn tượng mạnh cho tôi mỗi lần có cơ hội tới thăm Việt Nam: 1 nền kinh tế rất năng động và tinh thần doanh nhân khởi nghiệp của người Việt”.
Theo bà, nguồn gốc của Selex cũng thể hiện mối quan hệ bền chặt giữa hai đất nước: 2 nhà sáng lập của Selex đều lấy bằng tiến sĩ cơ khí ở ĐH Michigan.
“Trên thực tế, hiện có hơn 30.000 sinh viên Việt Nam đang học tập tại Mỹ, hình thành nên nhóm sinh viên nước ngoài lớn thứ 5 ở Mỹ. Cộng đồng người Việt tại Mỹ đã lên tới hơn 2 triệu người, nắm giữ những vị trí quan trọng trong xã hội Mỹ”, bà nói.
Thúc đẩy năng lượng sạch là một trong những vấn đề chủ chốt trong chương trình nghị sự của chuyến thăm lần này. Có lẽ đó cũng chính là lý do bà Yellen chọn tới thăm nhà máy của Selex. “Ngày hôm nay, tôi muốn tập trung vào tầm quan trọng của việc cả hai nước chúng ta cùng hành động để thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng sạch trên toàn cầu”, bà nói.
Bà Yellen cho rằng biến đổi khí hậu là mối đe dọa hiện hữu đối với nhân loại, và chúng ta ngày càng nhìn thấy nhiều hơn những tác động lên Việt Nam và Mỹ cũng như toàn thế giới. Tuy nhiên, chống lại biến đổi khí hậu cũng là 1 cơ hội kinh tế lớn. Ngoài ra đó còn là một trong những cách tốt nhất để chúng ta củng cố khả năng chống chọi của nền kinh tế trước những cú sốc có thể gây ra những gián đoạn nghiêm trọng.
Kể từ khi Tổng thống Biden lên nhậm chức, nước Mỹ đã đầu tư 500 tỷ USD vào ngành sản xuất và năng lượng sạch. Những nhà máy pin và nhà máy xe điện tương tự như thế này đang mọc lên trên khắp nước Mỹ, tạo ra nhiều việc làm có thu nhập tốt ở nhiều nơi. Tác động tích cực của những khoản đầu tư này sẽ lan tỏa ra toàn cầu, khi mà công nghệ mới được phát triển với mức giá rẻ hơn và có thể được ứng dụng rộng rãi trên toàn thế giới.
Bên cạnh đó, nước Mỹ cũng hợp tác và hỗ trợ các quốc gia khác chuyển đổi năng lượng sạch. Trong đó có Việt Nam.
Thông qua thỏa thuận Đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng (Just Energy Transition Partnership – JETP), Mỹ cùng một số đối tác đã cam kết huy động ít nhất 15,5 tỷ USD trong vòng 3 - 5 năm tới để hỗ trợ nhu cầu chuyển dịch sang các nguồn năng lượng tái tạo của Việt Nam.
Mỹ cũng làm việc với Ngân hàng phát triển đa phương (MDBs) để ứng phó tốt hơn với những thách thức như biến đổi khí hậu. Kể từ tháng 10 năm ngoái, chúng ta đã đạt được những bước tiến lớn trong nỗ lực này. Ước tính hệ thống MDBs có thể “mở khóa” thêm 200 tỷ USD nguồn vốn cho vay trong thập kỷ sắp tới.
Bản thân Selex cũng đã nhận được 3 triệu USD tài trợ từ Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) thông qua hình thức trái phiếu chuyển đổi. Nhà máy nơi tôi đang đứng là bằng chứng cho thấy những khoản đầu tư như vậy có thể tác động tích cực đến nền kinh tế và môi trường như thế nào.
“Tôi hi vọng và mong muốn sẽ được nhìn thấy hệ sinh thái năng lượng sạch này lớn mạnh, với các chuỗi cung ứng khỏe mạnh kết nối Mỹ và các đối tác thương mại đáng tin cậy như Việt Nam. Đây cũng là mô hình mà tôi gọi là “friendshoring” (tạm dịch: dịch chuyển hoạt động sản xuất, chuỗi cung ứng sang các nước bằng hữu)”, bà nói.
Nhịp sống thị trường