MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn: Facebook kém hợp tác ngăn chặn thông tin giả, xấu, độc trên mạng xã hội

17-11-2017 - 15:01 PM | Xã hội

​Tiếp tục trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội về mạng xã hội trong phiên họp chiều ngày 17/11, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết Bộ đang hợp tác với Facebook, Youtube để xây dưng bộ lọc, rà soát thông tin.

Theo Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, nhiều DN Việt đã tham vọng xây dựng mạng xã hội cạnh tranh với Facebook, Goolge. Trước đây có Bamboo, Xa lộ nhưng do tiềm lực tài chính kém nên đã đóng cửa sau 2 năm hoạt động. Hiện trong nước có nhiều mạng xã hội, có mạng đã lên đến 70 triệu người dùng nhưng so với các DN nước ngoài như Facebook, Google vẫn còn rất khiêm tốn.

Để có thể cạnh tranh được với mạng xã hội toàn cầu, Việt Nam cần phải có chính sách đồng bộ, ưu đãi thuế, phát triển hệ sinh thái lớn mạnh, như vậy mới có thể tạo ra mạng xã hội đủ sức cạnh tranh Facebook, Google.

Đã gỡ 5.000 video trên Youtube

Trả lời về vấn nạn những người dùng mạng xã hội nặc danh, Bộ trưởng cho biết, Bộ đã làm việc với các nhà mạng có văn phòng đại diện, vừa có quan hệ hợp tác, vừa tuần thủ pháp luật Việt Nam, vừa tuân thủ quy tắc của nhà mạng và luật pháp quốc tế.

"Trên Youtube chúng tôi rất cố gắng mới gỡ được 5.000 clip. Cứ mỗi phút đồng hồ trôi qua, số lượng clip lên trên mạng tương đương với thời lượng 48 giờ đồng hồ. Bản thân Google cũng cho biết họ không thể kiểm soát hết được, vì vậy họ đề nghị phía Việt Nam phát hiện được clip nào thì thông báo để xử lý", Bộ trưởng chia sẻ.

Vì vậy, Bộ Thông tin truyền thông đang xây dựng hệ thống chặn, lọc thông tin độc hại. Hiện tại, hợp tác để triển khai công cụ lọc đang thuận lợi với Youtube của Google, còn Facebook thì kém hợp tác hơn.

"Chúng tôi vừa gặp đại sứ Mỹ lần thứ 2. Ở đây, tôi cũng có ý trách Facebook", Bộ trưởng cho biết.

Ngoài ra, Bộ cũng yêu cầu rà soát lại hệ thống pháp luật để điều chỉnh được hành vi trên mạng xã hội: luật hình sự, luật dân sự,… Mạng xã hội cũng là mô hình mới, nên Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm các nước và học hỏi theo như của Thái Lan, Đức, Nga hay cả Trung Quốc. Chỉ có thay đổi dần dần, Việt Nam mới có quy định, luật làm cơ sở xử lý các mạng xã hội xuyên biên giới có hiện diện tại Việt Nam.

Bộ trưởng dẫn chứng, năm qua là năm đầu tiên Việt Nam xử lý được các cá nhân có phát ngôn thiếu chuẩn mực trên mạng xã hội. Có những trường hợp Bộ phải phối hợp với Bộ công an để xác định nhân thân điều tra xử lý. Một số trường hợp Bộ đã yêu cầu các doanh nghiệp chủ quản phối hợp, ngăn chặn, gỡ bỏ, xử lý theo thông tư 38, xử lý các nguồn phát tán thông tin sai lạc, phản cảm, kích động,…

“Việc xây dựng bộ lọc ISP bước đầu đã có hiệu quả tốt, chúng tôi sẽ tiếp tục chỉ đạo các DN viễn thông hỗ trợ, chấn chỉnh các hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng", Bộ trưởng chia sẻ.

Không chặn hoàn toàn Facebook, Google

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, việc kiểm soát các mạng xã hội như Facebook, Google còn chịu nhiều hạn chế về giải pháp kỹ thuật. Giải pháp kỹ thuật hiện không cho phép tách riêng nội dung độc trên Youtube, Facebook để ngăn chặn. Nếu chặn, phải chặn hoàn toàn truy cập vào Facebook, Google.

"Nếu chặn hoàn toàn nội dung, thì chúng tôi lại phải cân nhắc phản ứng của dư luận", Bộ trưởng cho biết.

Ở mặt đối lập, các đối tượng chống phá luôn tìm cách thay đổi, cải tiến cách lan truyền thông tin. Khiến thông tin lan truyền rất nhanh và khó kiểm soát: qua tin nhắn, dùng tiền ảo thanh toán hóa đơn dịch vụ,… khiến hoạt động này ngày càng khó kiểm soát.

Bản thân Facebook, Google lại cho phép người dùng mua quảng cáo để phát tán thông tin mong muốn, bất kể đó là thông tin bịa đặt, sai sự thật. Đây cũng là lý do khiến những tin tức bịa đặt, bôi nhọ được lan tỏa rất nhanh.

“Nhân đây, tôi cũng muốn đề cập việc Facebook, Google thu được hơn 100 triệu USD trên lãnh thổ Việt Nam từ tiền quảng cáo mà không đóng một đồng thuế nào. Chúng ta phải có kiểm soát được hoạt động kinh doanh của Google, Facebook. Không cớ gì anh hoạt động ở lãnh thổ Việt Nam, mỗi năm doanh thu lớn như vậy mà không đóng được đồng thuế nào”- Bộ trưởng cho biết.

Ngoài ra, Bộ trưởng Tuấn cũng yêu cầu các nhà sản xuất Việt Nam, cần cân nhắc nghiêm túc khi đưa sản phẩm độc quyền của mình lên các mạng xã hội xuyên biên giới. Các nhà mạng viễn thông phải nắm trong tay các hạ tầng mạng cần có chính sách phát triển nội dung số riêng để tận dụng được cơ sở hạ tầng của riêng mình,…

Trần Dũng

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên