MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn: “Kho số là do Bộ cấp, phát tán là do nhà mạng, vì vậy phải truy trách nhiệm cho nhà mạng"

Chiều nay (18/4) Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Trương Minh Tuấn đã đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Thông tin tới các đại biểu, ông Tuấn cho biết, ở nước ngoài, việc mua một sim trả trước dù có thông tin đầy đủ là không dễ dàng.

Là người hỏi đầu tiên, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương, đoàn Ninh Thuận chất vấn Bộ trưởng Trương Minh Tuấn về câu chuyện xử lý sim rác, tin nhắn rác.

“Mặc dù Bộ đã có những giải pháp quyết liệt nhưng dường như vẫn chưa xử lý được triệt để vấn nạn này. Ở Nghệ An, theo như phản ánh của báo chí, đang có hiện tượng bán sim rác tràn lan. Đây là tình trạng đáng lo ngại. Giải pháp tiếp theo của Bộ là gì?”, đại biểu Cương hỏi.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn thừa nhận sim rác, tin nhắn rác là vấn đề đau đầu đối với Bộ Thông tin Truyền thông, chính bản thân ông cũng là “nạn nhân”.

“Nạn sim rác, tin nhắn rác gây ra rất nhiều bức xúc cho người dân. Xét bản chất hiện tượng này là do bán sim trả trước một cách tràn lan, nhiều người bị sử dụng thông tin cá nhân mà không được báo trước”, Bộ trưởng nói.

Đối với các nước khác, việc mua bán sim không hề dễ dàng. Nhớ lại chuyến đi đến Nhật cách đây ít lâu, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết để tiện liên lạc, ông đã nhờ Tham tán Công sứ tại Nhật mua hộ mình một cái sim. Vị Tham tán này yêu cầu Bộ trưởng phải đưa hộ chiếu, nhưng dù có hộ chiếu xác minh rồi cũng phải đợi 1 tuần mới có thể lấy sim điện thoại.

“Chuyến công tác của tôi chỉ có 3 ngày nên tôi đành chịu không mua nữa. Trong khi đó ở Việt Nam, chúng ta muốn mua bao nhiêu cũng được”, Bộ trưởng cho biết.

Người đứng đầu ngành Thông tin Truyền thông nhận xét hiện tượng trên ở Việt Nam chính là thể hiện sự thiếu quản lý, trong đó có trách nhiệm của ngành ông và chính bản thân ông.

“Tôi xin nhận trách nhiệm này”, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn thẳng thắn.

Bộ trưởng cũng cho biết câu chuyện sim, tin nhắn rác chưa được giải quyết triệt để vì nó xuất phát từ lợi ích nhiều bên. Đó là nhà mạng, đại lý bán và cả người tiêu dùng. Nói riêng về nhà mạng, Bộ trưởng nhấn mạnh việc từ lâu đã không coi việc phát triển thuê bao là thành tích. Bởi lẽ, thị trường trong nước đã bão hoà về số lượng.

“Chúng ta có 92 triệu dân nhưng lại hơn 131 triệu thuê bao đã hoạt động thì không thể lấy việc tăng số lượng thuê bao là thành tích”, ông nói.

Từ tháng 10/2016, Bộ Truyền thông Thông tin đã quyết tâm xử lý vấn nạn này. Theo đó, thay vì xử lý các đại lý, Bộ tập trung vào các nhà mạng. Bởi lẽ, nếu làm theo cách trước đó chính là “thả gà rồi đuổi”, cần phải “bắt gà ngay khi nó ở trong chuồng”.

“Kho số là do Bộ cấp, phát tán là do nhà mạng, vì vậy phải truy trách nhiệm cho nhà mạng. Đối với các doanh nghiệp viễn thông do Bộ quản lý, chúng tôi sẽ xử lý người đứng đầu nếu không thực hiện được”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Cũng từ tháng 10/2016, Bộ đã thu hồi được 20 triệu sim rác. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho rằng con số trên vẫn còn ít so với thực tế. Bộ sẽ tiếp tục xử lý.

“Chúng tôi cũng đã thu hồi sim 11 số. Trước đó, đầu 10 số tưởng đã hết nên chuyển sang 11 số, tuy nhiên sau vụ thu hồi 20 triệu sim kia thì nay chúng tôi tái sử dụng và thu hồi đầu 11 số. Kho số cũng là tài nguyên của quốc gia, tương tự đất đai, dầu mỏ, phải tiết kiệm”, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết.

Một biện pháp khác sẽ được Bộ Truyền thông Thông tin triển khai là tăng cường sử dụng sim trả sau. Bởi nó ngăn chặn được việc người ta cứ mua sim dùng hết khuyến mại thì vứt đi và mua cái mới.

Đức Minh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên