MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ trưởng và 4 Thứ trưởng Bộ Tư pháp hiện nay

28-04-2016 - 07:41 AM | Xã hội

Tại Kỳ họp thứ 11 Quốc hội Khóa XIII, Quốc hội đã phê chuẩn danh sách thành viên Chính phủ. Theo đó, lãnh đạo Bộ Tư pháp hiện nay cũng có những thay đổi.

Đứng đầu Bộ Tư pháp hiện nay là ông Lê Thành Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Ông Lê Thành Long sinh ngày 23/9/1963, Dân tộc Kinh; Quê quán: Xã Quảng Thọ, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa; Học vị: Tiến sỹ Luật học; Lý luận chính trị Cao cấp; Ngoại ngữ Tiếng Anh (thành thạo), Tiếng Nga (thành thạo).

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long (Ảnh: Pháp luật Việt Nam)

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long (Ảnh: Pháp luật Việt Nam)

Theo cổng thông tin Bộ Tư pháp, quá trình công tác của ông Lê Thành Long được tóm tắt như sau:

11/1987-12/1990, ông Long là Chuyên viên Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tư pháp;

12/1990-12/1991, ông là Cán bộ Ban Thư ký Ủy ban sông Mê Kông quốc tế (Băng Cốc, Thái Lan);

12/1991-4/2003, Chuyên viên Vụ Hợp tác quốc tế, rồi làm Thư ký Bộ trưởng Bộ Tư pháp, sau đó đi học thạc sỹ (tại Canada) và tiến sỹ (tại Nhật Bản); 4/2003-12/2008, Chuyên viên, sau đó làm Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tư pháp; 12/2008-10/2011, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp; 10/2011-3/2014, Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; 4/2014-9/2015, Phó Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh; 9/2015-3/2016, Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng; 4/2016 đến nay là Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

Phụ trách thường trực là Thứ trưởng Đinh Trung Tụng. Thứ trưởng Đinh Trung Tụng sinh năm 1956, quê quán tại Ninh Bình; học vị Tiến sỹ Luật học.

 Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng (Ảnh: Cổng thông tin Bộ Tư pháp)

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng (Ảnh: Cổng thông tin Bộ Tư pháp)

Lĩnh vực, công việc phụ trách của ông Đinh Trung Tụng giúp Bộ trưởng phụ trách các lĩnh vực, nhiệm vụ công tác: Xây dựng và theo dõi chung việc thi hành pháp luật về dân sự, kinh tế; Kiểm soát thủ tục hành chính; Kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá, hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật và pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật; Cải cách hành chính, thể chế, thủ tục hành chính của Bộ; Tham gia Ban Chỉ đạo, phụ trách Văn phòng Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020 theo Quyết định số 1348/QĐ-TTg ngày 07/8/2013 của Thủ tướng Chính phủ.

Đáng chú ý, Thứ trưởng Đinh Trung Tụng làm nhiệm vụ thường trực thay mặt Bộ trưởng chủ trì và điều phối hoạt động chung của Bộ, giải quyết các công việc thuộc phạm vi thẩm quyền Bộ trưởng phụ trách khi Bộ trưởng vắng mặt hoặc được Bộ trưởng ủy quyền.

Bên cạnh đó, ông làm nhiệm vụ phối hợp công tác của Bộ Tư pháp với Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính - Ngân sách, các Bộ kinh tế ngành, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Nội vụ và các cơ quan khác có liên quan đến lĩnh vực, nhiệm vụ và các địa phương được phân công phụ trách. Thực hiện nhiệm vụ thành viên hội đồng, các ban và các nhiệm vụ khác theo sự phân công của Bộ trưởng.

Về các đơn vị trực thuộc Bộ, Thứ trưởng Đinh Trung Tụng phụ trách các đơn vị: Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật.

Về chỉ đạo công tác tư pháp của các tỉnh: Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Lâm Đồng, Đồng Nai, Đắk Nông, Phú Yên.

Tiếp theo là Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc. Ông sinh ngày 11/6/1964, quê ở xã Đông Hà, Đông Anh, Hà Nội; học vị Thạc sỹ Luật.

 Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc

Lĩnh vực, công việc phụ trách của Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc gồm:

Thứ nhất, giúp Bộ trưởng phụ trách các lĩnh vực, nhiệm vụ công tác: Xây dựng và theo dõi chung việc thi hành pháp luật quốc tế; Bổ trợ tư pháp; Trợ giúp pháp lý; Hành chính tư pháp (hộ tịch, quốc tịch, chứng thực); Nuôi con nuôi; Đăng ký giao dịch bảo đảm; Bồi thường nhà nước; Hợp tác quốc tế; Công nghệ thông tin.

Thứ 2, phối hợp công tác của Bộ Tư pháp với Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan khác có liên quan đến lĩnh vực, nhiệm vụ và các địa phương được phân công phụ trách.

Thứ 3, thực hiện nhiệm vụ thành viên hội đồng, các ban và các nhiệm vụ khác theo sự phân công của Bộ trưởng.

Vê nhiệm vụ phụ trách các đơn vị, thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc phụ trách các đơn vị, Vụ Pháp luật quốc tế, Vụ Hợp tác quốc tế, Cục Bổ trợ tư pháp, Cục Trợ giúp pháp lý, Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, Cục Con nuôi, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, Cục Bồi thường nhà nước, Cục Công nghệ thông tin.

Về công tác chỉ đạo công tác tư pháp của các tỉnh, thành phố, ông Nguyễn Khánh Ngọc phụ trách các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Hải Dương, Hà Nam, Ninh Bình, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Phòng.

Thứ trưởng Phan Chí Hiếu sinh ngày 06/10/1969, quê quán ở Yên Mạc, Yên Mô, Ninh Bình; học vị Tiến sỹ Luật học.

 Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu (Ảnh Bộ Tư pháp)

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu (Ảnh Bộ Tư pháp)

Lĩnh vực, công việc phụ trách của thứ Trưởng Phan Chí Hiếu giúp Bộ trưởng phụ trách các lĩnh vực, nhiệm vụ công tác: Phổ biến, giáo dục pháp luật; Xuất bản, báo chí; Nghiên cứu khoa học pháp lý; Đào tạo luật (các cấp học), đào tạo các chức danh tư pháp; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; Thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở của Bộ; Công tác Đảng, đoàn thể, vì sự tiến bộ của phụ nữ, đời sống cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; Công tác an ninh, quốc phòng.

Thứ trưởng Phan Chí Hiếu phối hợp công tác của Bộ Tư pháp với Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, Uỷ ban kiểm tra Trung ương, Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội, Ủy ban Dân tộc, Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Dân vận Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ, Đảng uỷ Khối các cơ quan Trung ương, cơ quan Trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội và các cơ quan khác có liên quan đến lĩnh vực, nhiệm vụ và các địa phương được phân công phụ trách.

Về nhiệm vụ phụ trách các đơn vị trong Bộ, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu phụ trách các vụ, cục, viện, học viện sau: Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, Báo Pháp luật Việt Nam, Nhà Xuất bản Tư pháp, Viện Khoa học pháp lý, Học viện Tư pháp, Trường Đại học Luật Hà Nội, các trường Trung cấp Luật, Văn phòng Đảng - Đoàn thể.

Về chỉ đạo công tác tư pháp của các tỉnh, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu phụ trách các tỉnh: Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Hòa Bình, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lạng Sơn, Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Bắc Giang, Phú Thọ.

Ngoài ra, thứ trưởng Phan Chí Hiếu còn thực hiện nhiệm vụ thành viên hội đồng, các ban và các nhiệm vụ khác theo sự phân công của Bộ trưởng.

Là thứ trưởng trẻ nhất của Bộ Tư pháp, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng mới được bổ nhiệm gần đây. Thứ trưởng Trần Tiến Dũng sinh năm 1975, quê quán tại Nam Định; học vị Thạc sỹ Luật học.

Thứ trưởng Bộ tư pháp Trần Tiến Dũng (Ảnh: TTXVN)

Thứ trưởng Bộ tư pháp Trần Tiến Dũng (Ảnh: TTXVN)

Lĩnh vực, công việc phụ trách của Thứ trưởng Trần Tiến Dũng là giúp Bộ trưởng phụ trách các lĩnh vực, nhiệm vụ công tác Thi hành án dân sự, hành chính; Công tác văn phòng; Thi đua, khen thưởng.

Phối hợp công tác của Bộ Tư pháp với Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp của Bộ Công an, Cục Thi hành án Bộ Quốc phòng, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương và các cơ quan khác có liên quan đến lĩnh vực, nhiệm vụ và các địa phương được phân công phụ trách.

Thứ trưởng Trần Tiến Dũng phụ trách các đơn vị: Tổng cục Thi hành án dân sự, Văn phòng Bộ, Vụ Thi đua - Khen thưởng, Cục Công tác phía Nam.

Về chỉ đạo công tác tư pháp của các tỉnh, thành phố, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng phụ trách các tỉnh Tiền Giang, An Giang, Bến Tre, Cà Mau, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Hậu Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Long An, Cần Thơ.

Tương tự như các Thứ trưởng khác, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng cũng thực hiện nhiệm vụ thành viên hội đồng, các ban và các nhiệm vụ khác theo sự phân công của Bộ trưởng.

Theo Hồng Chuyên

Infonet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên