MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ Y tế khuyến cáo: Những nguy hại mà người nhiễm sán lợn phải đối mặt và cách đề phòng bệnh

17-03-2019 - 10:34 AM | Sống

Sau sự việc một số cháu học sinh mầm non ở Bắc Ninh bị phát hiện nhiễm sán lợn, làn sóng người dân đưa con nhỏ đi khám, xét nghiệm đã tăng lên hơn 1 ngàn cháu.

Bệnh sán dây, ấu trùng sán lợn hay còn gọi là bệnh sán dải, sán dải heo có ở nhiều nơi trên thế giới và có liên quan đến tập quán ăn uống, ăn thịt lợn chưa nấu chín. Ở Việt Nam, bệnh xuất hiện ở tất cả các vùng miền, các tỉnh thành. 

Bộ Y tế khuyến cáo: Những nguy hại mà người nhiễm sán lợn phải đối mặt và cách đề phòng bệnh - Ảnh 1.

Đã có hơn 1 ngàn cháu nhỏ ở Bắc Ninh được đưa về Hà Nội để xét nghiệm.

Theo số liệu được báo cáo của các cơ sở điều trị đến nay, có ít nhất 55 tỉnh, thành có trường hợp bệnh sán dây, ấu trùng sán lợn.

Dước góc độ chuyên môn, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã có thông tin chính thức về bệnh sán dây, ấu trùng sán lợn và các biện pháp phòng bệnh.

1. Thể bệnh: Bệnh ấu trùng sán lợn và bệnh sán trưởng thành ở ruột

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tùy thuộc ăn hay nuốt phải trứng, hay nang ấu trùng, có thể mắc các thể bệnh liên quan đến sán lợn như: Bệnh ấu trùng sán lợn hay nhiễm sán trưởng thành.

- Bệnh ấu trùng sán lợn: Nếu một người ăn phải trứng sán dây lợn có trong thức ăn hay nuốt phải trứng sán, trứng vào dạ dày, nở ra ấu trùng, đến ruột non, ấu trùng xuyên qua thành ống tiêu hóa vào máu và di chuyển đến ký sinh tại một số cơ quan trong cơ thể như các cơ vân, não, mắt… Trường hợp này là nhiễm từ môi trường bên ngoài cơ thể nên có thể thấy ít ấu trùng ở các mô.

Bộ Y tế khuyến cáo: Những nguy hại mà người nhiễm sán lợn phải đối mặt và cách đề phòng bệnh - Ảnh 2.

Nhiều người có con em lo lắng về nguy hại của khuẩn sán lợn.

Trong trường hợp người bệnh có sán trưởng thành trong ruột, khi đốt sán già rụng, có thể đốt sán bị trào ngược lên dạ dày do phản ứng của nhu động ruột, như vậy sẽ tương tự như ăn phải đốt sán mới, do đó số lượng ấu trùng sẽ rất lớn.

Ấu trùng sán theo máu đến các cơ, mắt hay não của người và sẽ hóa nang (nang sán). Tùy thuộc vào vị trí ký sinh của nang sán mà có những biểu hiện khác nhau. Nếu nang sán nằm trong não, người bệnh có thể bị động kinh, liệt tay chân hay liệt nửa người, nói ngọng, rối loạn trí nhớ hoặc đau đầu dữ dội; nếu nang sán nằm trong mắt có thể gây tăng nhãn áp, giảm thị lực hoặc mù.

Bộ Y tế khuyến cáo: Những nguy hại mà người nhiễm sán lợn phải đối mặt và cách đề phòng bệnh - Ảnh 3.

Biểu hiện rõ rệt có sán ở thịt lợn

- Bệnh sán trưởng thành ở ruột: Một người bệnh ăn phải thịt lợn sống hay chưa được nấu chín có chứa các nang sán (lợn gạo), khi đến dạ dày ấu trùng sán sẽ thoát nang và bám dính vào ruột non rồi phát triển thành sán dây trưởng thành.

Sán dây trưởng thành phát triển dần bằng cách “nẩy chồi”, sinh đốt mới từ cổ, tạo ra hàng ngàn đốt sán mới, mỗi đốt có khoảng 50.000 trứng, kéo dài chiều dài của sán trưởng thành lên tới 2 đến 12 mét, chúng ký sinh trong ruột non nhiều năm.

Bộ Y tế khuyến cáo: Những nguy hại mà người nhiễm sán lợn phải đối mặt và cách đề phòng bệnh - Ảnh 4.

Một trong những em nhỏ đi khám, xét nghiệm

Bệnh sán dây trưởng thành thường không biểu hiện triệu chứng rõ rệt. Một số triệu chứng chủ yếu là người bệnh thường xuyên có những cảm giác khó chịu, bứt rứt, có những đốt sán tự rụng theo phân ra ngoài, đốt sán là những đoạn nhỏ, dẹt, trắng ngà như xơ mít, đầu sán phẳng, một số trường hợp phát hiện thấy có trứng sán trong phân.

2. Điều trị bệnh sán dây và ấu trùng sán lợn

Bệnh được điều trị khỏi bằng các thuốc Praziquantel và Albendazole. Người bệnh cần được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời ngay khi phát hiện có đốt sán để tránh bị bệnh ấu trùng sán lợn. 

Bộ Y tế khuyến cáo: Những nguy hại mà người nhiễm sán lợn phải đối mặt và cách đề phòng bệnh - Ảnh 5.

Người bệnh cần được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời

Việc điều trị bệnh ấu trùng sán lợn phải thực hiện ở cơ sở y tế với trang bị phương tiện cấp cứu và phải được theo dõi.

3. Phòng bệnh sán dây và ấu trùng sán lợn

Để chủ động phòng bệnh sán dây và ấu trùng sán lợn, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân:

- Không sử dụng thịt lợn ốm để chế biến thực phẩm. Không ăn thịt lợn tái, chưa nấu chín, nem chua sống, (nguy cơ nhiễm sán dây trưởng thành), rau sống không đảm bảo vệ sinh (nguy cơ mắc bệnh ấu trùng sán lợn).

Bộ Y tế khuyến cáo: Những nguy hại mà người nhiễm sán lợn phải đối mặt và cách đề phòng bệnh - Ảnh 6.

Người bệnh cần phải đi xét nghiệm khi phát hiện có biểu hiện

- Quản lý phân tươi, nhất là ở những vùng có người nhiễm sán dây lợn trưởng thành. Sử dụng hố xí hợp vệ sinh. Không nuôi lợn thả rông.

- Người có sán trưởng thành trong ruột phải được điều trị, không phóng uế bừa bãi.

- Thực hiện đầy đủ tiêu chuẩn vệ sinh trong chăn nuôi, giết mổ, vận chuyển buôn bán lợn (heo) theo quy định.

Bộ Y tế khuyến cáo: Những nguy hại mà người nhiễm sán lợn phải đối mặt và cách đề phòng bệnh - Ảnh 7.

Ngôi trường mầm non bị phát hiện nguồn thực phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm tuồn vào các bữa ăn

Bộ Y tế khuyến cáo: Những nguy hại mà người nhiễm sán lợn phải đối mặt và cách đề phòng bệnh - Ảnh 8.

Các phụ huynh từng nhiều lần phản ánh về thực phẩm được đưa vào ngôi trường trên có nguy cơ không đảm bảo an toàn vệ sinh

Hiện nay, ngành y tế vẫn đang theo dõi, giám sát, phát hiện và điều trị cho những người nhiễm bệnh, giảm thiểu lây lan trong cộng đồng, đặc biệt tập trung vào các biện pháp tuyên truyền về vệ sinh phòng bệnh.

Các ban ngành chính quyền địa phương, phối hợp với các cơ quan truyền thông, tăng cường tuyên truyền, kiểm tra giám sát về an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường để phòng tránh các trường hợp nhiễm bệnh.

Theo Minh Ngọc

Trí thức trẻ

Trở lên trên