MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bốn điều ông Trump cần tính toán để tránh chiến tranh với Iran

22-06-2019 - 17:40 PM | Tài chính quốc tế

Mọi sự kiện xảy ra giữa Iran và Mỹ dường như đang khiến hai nước tiến gần hơn tới bờ vực chiến tranh.

Tuy nhiên, trong bối cảnh vừa phát động chiến dịch tái tranh cử, Tổng thống Donald Trump cần tính toán những điều sau để tránh một cuộc chiến nguy hiểm.

Khủng hoảng Mỹ-Iran leo thang nghiêm trọng sau khi Iran bắn hạ một máy bay không người lái của Mỹ ngày 20/6. Tổng thống Donald Trump tuyên bố Iran đã mắc sai lầm lớn, thậm chí nhà lãnh đạo Mỹ đã phê chuẩn quyết định tấn công quân sự Iran, song sau đó rút lại.

Bốn điều ông Trump cần tính toán để tránh chiến tranh với Iran - Ảnh 1.

Tổng thống Trump viết trên Twitter: "Iran mắc sai lầm lớn". Ảnh: Fox News

Mỹ chưa từng giành chiến thắng ở Triều Tiên, Việt Nam, Iraq hay Afghanistan. Cái giá của những cuộc chiến này xét về sinh mạng và tiền bạc là vô cùng lớn. Các cuộc chiến để lại nỗi đau và di sản không mấy tốt đẹp cho những tổng thống như Harry Truman, Lyndon Johnson, George W. Bush và Barack Obama.Theo đài NPR, cũng giống như các cuộc chiến khác mà Mỹ tham gia từ Chiến tranh Thế giới thứ 2, chiến tranh Mỹ-Iran nếu xảy ra sẽ là thảm họa với Tổng thống Trump, như các đời tổng thống Mỹ trước đó.

Theo ông Aaron David Miller, cựu cố vấn Bộ Ngoại giao Mỹ, muốn tránh số phận đó, Tổng thống Trump cần cân nhắc bốn điều sau.

Hậu quả chiến tranh

Bốn điều ông Trump cần tính toán để tránh chiến tranh với Iran - Ảnh 2.

Binh sĩ Mỹ tại Afghanistan. Ảnh: Military.com

Chính quyền Tổng thống Trump không có mục tiêu rõ ràng và thực tế khi sử dụng vũ lực chống Iran. Iran quá lớn và mạnh nên khó có thể bị lung lay. Ở Iran, không có phe đối lập nào đủ mạnh và đủ đoàn kết để có thể gây bất ổn lật đổ chính quyền sau khi Mỹ thực hiện tấn công quân sự Iran.

Nếu chế độ Iran hiện nay sụp đổ, Iran sẽ rơi vào giai đoạn bất ổn hoặc Iran sẽ có một chính phủ thậm chí còn có tư tưởng chống đối Mỹ mạnh hơn.

Nếu muốn đáp trả các cuộc tấn công quân sự của Mỹ, Iran có nhiều lựa chọn khiến Mỹ và đồng minh trong khu vực như Liban, Iraq, Yemen và Afghanistan phải trả giá đắt.

Cho dù có xung đột, chắc chắn lãnh tụ tối cao Iran sẽ không quay lại bàn đàm phán và chịu khuất phục trước yêu cầu của Mỹ, đặc biệt là khi nước này tuân thủ tuyệt đối thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015, còn Mỹ đã rút khỏi năm 2018.

Tổng thống Trump cũng sẽ không sẵn lòng nhượng bộ Iran đủ để khiến nước này quay lại đàm phán.

Hơn nữa, tham chiến mà không có mục tiêu rõ ràng và có thể đạt được sẽ là một lựa chọn gần như chắc chắn làm suy yếu lợi ích và uy tín của Tổng thống Trump cũng như của nước Mỹ.

Thị trường dầu xáo trộn

Bốn điều ông Trump cần tính toán để tránh chiến tranh với Iran - Ảnh 3.

Tàu chở dầu bốc cháy trên Vịnh Oman. Ảnh: AFP/TTXVN


Cứ mỗi khi Trung Đông căng thẳng, thị trường dầu lại trở nên bất ổn. Chỉ vài giờ sau khi hai tàu chở dầu bị tấn công trên Vịnh Oman ngày 13/6 mà Mỹ cáo buộc Iran là thủ phạm, giá dầu đã tăng vọt.

Chắc chắn Tổng thống Trump sẽ không muốn giá dầu, giá khí đốt tăng trong giai đoạn ông tái tranh cử tổng thống năm 2020. Nếu Mỹ và Iran xung đột quân sự, đó sẽ là điều Tổng thống Trump phải chứng kiến.

Cho dù Mỹ tăng sản xuất dầu mỏ thì giá dầu vẫn cứ lên do nguồn cung từ Vịnh Ba Tư bị gián đoạn.

Cho dù Mỹ duy trì hiện diện quân sự mạnh tại vùng Vịnh, Mỹ cũng khó có thể khôi phục nguồn cung dầu nhanh chóng.

Khả năng sa lầy

Bốn điều ông Trump cần tính toán để tránh chiến tranh với Iran - Ảnh 4.

Tổng thống Trump không muốn Mỹ sa lầy vào các cuộc chiến không thể thắng. Ảnh: ABC News


Tổng thống Trump coi việc rút Mỹ khỏi những cuộc chiến không thể thắng là một dấu ấn trong giai đoạn cầm quyền. Qua những động thái như giảm lực lượng Mỹ ở Afghanistan hay ngần ngại triển khai binh sĩ tới Syria, có thể thấy Tổng thống Trump ý thức được rằng người Mỹ chán ngấy các cuộc phiêu lưu quân sự ở nước ngoài.

Tháng 2/2018, Tổng thống Trump nói với đài CBS rằng rút khỏi những cuộc chiến bất tận là một trong những thông điệp chính của ông và đã giúp ông đánh bại 17 đối thủ đảng Cộng hòa để được đảng đề cử làm ứng cử viên tổng thống năm 2016. Ông cũng liên tục bày tỏ mong muốn đàm phán hơn là gây chiến với Iran.

Một cuộc xung đột bấp bênh và không biết bao giờ kết thúc với Iran sẽ không giúp Tổng thống Trump giành sự ủng hộ của cử tri trong đối đầu với đối thủ đảng Dân chủ năm 2020 tới đây. Một quan chức Nhà Trắng cũng khẳng định cử tri sẽ rời xa Tổng thống Trump nếu ông định đưa Mỹ vào một cuộc chiến mới.

Ủng hộ từ các nước

Bốn điều ông Trump cần tính toán để tránh chiến tranh với Iran - Ảnh 5.

Mỹ sẽ chỉ được một vài đồng minh ủng hộ trong xung đột với Iran. Ảnh: Timesofisrael


Mỹ được ủng hộ về quân sự và ngoại giao trong mọi cuộc chiến lớn mà nước này thực hiện từ sau Chiến tranh Triều Tiên năm 1953. Ngay cả với việc đưa quân vào Iraq năm 2003, chính quyền Tổng thống George W. Bush cũng thành lập được một liên minh nhỏ gồm các nước sẵn sàng cùng Mỹ tham chiến.

Nếu Mỹ chiến tranh với Iran, Mỹ có thể sẽ chỉ được ít nhất 4 nước ủng hộ ngoại giao và quân sự: Anh, Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất và Israel.

Phần còn lại của thế giới sẽ bất bình khi chính quyền của ông Trump đơn phương hành động. Cuộc chiến không được quốc tế ủng hộ và bị coi là xảy ra do lỗi của Mỹ sẽ khiến Mỹ bị cô lập và chịu hoàn toàn trách nhiệm.

Khi đó, hành động đơn phương này sẽ trao cho Nga và Trung Quốc cũng như Iran lợi thế lớn và làm suy yếu vị thế Mỹ trong thời gian sau đó.

Những gì Mỹ phải trải qua sau khi sử dụng lực lượng quân sự tại Afghanistan, Iraq và Syria sẽ là những gì sẽ xảy ra khi Mỹ xung đột với Iran.

Theo ông Richard Sokolsky, người từng làm việc tại Bộ Ngoại giao Mỹ trong 6 chính quyền, trong số tất cả những xung đột quân sự mà Mỹ đối mặt hiện nay, khó có xung đột nào lại không cần thiết, phản tác dụng, bất ổn và rủi ro hơn là lao đầu vào chiến tranh với Iran.

Theo PV

baotintuc.vn

Trở lên trên