MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

‘Bóng’ Phú Điền đằng sau cụm dự án phong điện Đơn Dương 1-3 và 3A tại Lâm Đồng

07-03-2022 - 15:53 PM | Doanh nghiệp

‘Bóng’ Phú Điền đằng sau cụm dự án phong điện Đơn Dương 1-3 và 3A tại Lâm Đồng

Nếu được bổ sung vào quy hoạch, cụm dự án phong điện Đơn Dương 1,2,3 và 3A sẽ nối dài thêm danh sách những dự án năng lượng tái tạo mang bóng hình của nhóm Phú Điền.

Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng vừa có văn bản đề nghị UBND tỉnh xem xét đề xuất bổ sung cụm dự án Nhà máy điện gió Đơn Dương 1, 2, 3 và 3A (huyện Đơn Dương) vào Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia.

Các dự án phong điện này có tổng mức đầu tư dự kiến 7.572 tỉ đồng, với tổng công suất gần 200 MW. Các dự án sẽ được khảo sát, xây dựng tại thị trấn D’ran và các xã Lạc Xuân, Ka Đô, P’ró (huyện Đơn Dương). Dự kiến, cụm dự án 4 nhà máy điện gió Đơn Dương sẽ có sản lượng điện phát lên lưới hơn 170 MWh/năm.

Được biết, CTCP Đầu tư EMI (EMI) là đơn vị thực hiện khảo sát, nghiên cứu cụm dự án nhà máy điện gió Đơn Dương 1,2,3 và 3A.

Theo tìm hiểu của VietTimes, EMI được thành lập vào tháng 5/2021, với quy mô vốn điều lệ 50 tỉ đồng. Công ty này có 3 cổ đông sáng lập, bao gồm: ông Lê Hồng Thảo (45% vốn điều lệ), bà Nguyễn Thị Giá (45% VĐL) và ông Lê Thanh Hà (10% VĐL). Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của EMI do ông Nguyễn Minh Đức (SN 1987) đảm nhiệm.

Ngoài EMI, dữ liệu của VietTimes cho thấy, ông Nguyễn Minh Đức còn đứng tên ở nhiều pháp nhân khác, hoạt động trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và thuỷ điện. Trong đó có thể kể tới CTCP Điện gió Tân Linh, CTCP Điện gió Nhơn Hoà 1, CTCP Điện mặt trời Hoà Nghĩa, CTCP Đầu tư điện mặt trời Chư Sê 2, CTCP Đầu tư thuỷ điện Tà Âu.

Đa số các pháp nhân này đều có mối liên hệ với CTCP Đầu tư Xây dựng & Thương mại Phú Điền (Phú Điền) do ông Lê Thanh Tao (hay còn gọi là Lê Thanh, sinh năm 1974, cùng địa chỉ thường trú với ông Lê Thanh Hà, sinh năm 1968) làm Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT).

Các ông Lê Thanh Tao và Lê Thanh Hà lần lượt từng là Chủ tịch HĐQT và Uỷ viên HĐQT CTCP Chứng khoán quốc tế hoàng gia (IRS).

‘Bóng’ Phú Điền đằng sau cụm dự án phong điện Đơn Dương 1-3 và 3A tại Lâm Đồng - Ảnh 1.

Một số dự án phong điện có dấu ấn của nhóm CTCP Đầu tư Xây dựng & Thương mại Phú Điền

Tham vọng năng lượng tái tạo của Phú Điền

Thành lập từ tháng 12/2002, Phú Điền đăng ký trụ sở chính tại quận Tân Bình, Tp. HCM, nổi danh trong lĩnh vực xử lý nước thải với các dự án được triển khai theo hình thức BT.

Ở Tp. HCM, Phú Điền đã hợp tác cùng CTCP Đầu tư Phát triển môi trường SFC Việt Nam (SFC Việt Nam), IRS để xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Tham Lương – Bến Cát, với công suất 250.000 m3/ngày, tổng vốn đầu tư gần 1.900 tỉ đồng. Đây là dự án thành phần nằm trong dự án "Tiêu thoát nước và giải quyết ô nhiễm kênh Tham Lương – Bến Cát – Rạch Nước Lên", là một trong 04 khu vực thoát nước chính của TP.HCM cùng với các lưu vực lưu vực Nhiêu Lộc – Thị Nghè, Tàu Hủ – Bến Nghé – Kênh Đôi – Kênh Tẻ, Tân Hóa – Lò Gốm.

Ở Hà Nội, Phú Điền là nhà phát triển dự án xử lý nước thải làng nghề Cầu Ngà tại xã Dưỡng Liễu, huyện Hoài Đức.

Bên cạnh đó, Phú Điền còn là chủ đầu tư một số dự án xử lý nước thải theo hình thức BT tại Hà Nội như: Xây dựng hệ thống thu gom nước thải lưu vực sông Cầu Bây và Nhà máy XLNT Phúc Đồng, quận Long Biên (40.000 – 55.000 m3/năm); Hệ thống thu gom nước thải về Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở; Hệ thống thu gom và Nhà máy xử lý nước thải lưu vực S3, đồng thời bổ cập thải sau xử lý cho sông Tô Lịch thực hiện theo hình thức BT kết hợp BOT; Xây dựng nhà máy xử lý nước thải Hải Bối – Sơn Du – Cổ Loa và mạng lưới đường ống thoát nước Hải Chính theo hình thức BT/BOO.

Tuy nhiên, các dự án này đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội dừng triển khai thực hiện từ tháng 5/2021. Khi ấy, theo tìm hiểu của VietTimes, Phú Điền đã đẩy mạnh hoạt động sang một lĩnh vực khác, giàu tiềm năng, là năng lượng tái tạo.

Tháng 3/2019, Phú Điền góp 389,61 tỉ đồng (cùng với ông Nguyễn Minh Đức và ông Lê Xuân Kháng) thành lập CTCP Điện gió Liên Lập. Doanh nghiệp này là chủ đầu tư dự án điện gió Liên Lập, có công suất 48MW, tổng mức đầu tư 1.973 tỉ đồng, tại Quảng Trị. Ít tháng sau khi đi vào hoạt động, 99,9% vốn của CTCP Điện gió Liên Lập đã được chuyển nhượng cho CTCP Xây lắp điện 1 (Mã CK: PC1).

Cũng trong tháng 3/2019, nhóm Phú Điền còn thành lập CTCP điện gió Hướng Tân và CTCP điện gió Tân Linh. Đây đều là những doanh nghiệp dự án phong điện trên địa bàn tỉnh Quảng trị.

Ở tỉnh Gia Lai, nhóm này cũng ghi dấu tại các cụm dự án điện gió Nhơn Hoà 1 và 2, có tổng mức đầu tư lên tới 4.975 tỉ đồng.

Ngoài ra, Phú Điền còn hoạt động trong lĩnh vực bất động sản. Tháng 6/2016, liên danh Phú Điền – SFC Việt Nam được chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Nhà ở cao tầng kết hợp dịch vụ thương mại, nhà ở thấp tầng tại ô đất I.A.23 thuộc khu đô thị Nam Thăng Long (giai đoạn II), tại phường Đông Ngạc và Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Dự án có quy mô 42.187 m2, tổng vốn đầu tư 1.491,5 tỉ đồng. Tiến độ thực hiện dự kiến từ quý 1/2016 – quý 1/2022./.

Theo Nguyễn Ánh

Viettimes

Trở lên trên