MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bong tróc môi có thể là dấu hiệu cảnh báo những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn bạn tưởng

10-04-2020 - 07:57 AM | Sống

Môi là khu vực rất nhạy cảm và các chuyên gia hoàn toàn có thể dựa vào những triệu chứng trên môi để chẩn đoán bệnh.

Môi khô, bong tróc môi không chỉ gây khó chịu mà còn ảnh hưởng tới ngoại hình của bạn. Tình trạng này có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân như mất nước, dị ứng và thậm chí ung thư da . Theo Doris Day, bác sĩ da liễu tại Bệnh viện Lenox Hill ở New York, trang điểm không đúng cách cũng khiến môi dễ bị bong tróc và nứt nẻ.

Môi khô tự nhiên do chúng không có tuyến dầu. Chuyên gia Day giải thích, đây là khu vực rất khó giữ ẩm nên thường không xuất hiện mụn. Trên thực tế, môi sở hữu ít lớp sừng, lớp trên cùng của da có tác dụng như lá chắn bảo vệ. Chúng giúp bảo vệ da khi bị khô và cũng chịu trách nhiệm chống lại tác động của tia cực tím.

Bong tróc môi có thể là dấu hiệu cảnh báo những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn bạn tưởng - Ảnh 1.

Vì vậy, đây là khu vực rất nhạy cảm và các chuyên gia hoàn toàn có thể dựa vào những triệu chứng trên môi để chẩn đoán bệnh. Dưới đây là tổng hợp những nguyên nhân chủ yếu có thể gây bong tróc môi:

Ăn nhiều muối và đồ cay

Món bánh quy và khoai tây chiên được nhiều người yêu thích có thể là nguyên nhân khiến môi bị khô và bong tróc. Thực phẩm mặn, chứa nhiều muối ảnh hưởng lớn tới làn da ở khu vực này.

Theo Adam Friedman, chuyên gia da liễu tại Đại học Y Albert Einstein, muối giữ nước nên chúng có khả năng hút nước và gây khô môi. Đồ ăn cay nóng cũng gây kích ứng da và mất nước tương tự.

Liếm môi

Đây có lẽ là việc sai lầm nhiều người mắc phải nhất khi cảm thấy khô môi. Chuyên gia Friedman đã chỉ ra, nước bọt chứa các enzym có khả năng phá vỡ chất béo, protein và carb. Nếu bạn liếm môi nhiều lần, những hợp chất trong môi này sẽ dần mất đi. Nói cách khác, bạn đang tự "tiêu hóa" môi của chính mình.

Để bảo vệ khu vực này, mọi người tốt hơn hết nên thường xuyên sử dụng kem dưỡng và loại bỏ thói quen liếm môi.

Bong tróc môi có thể là dấu hiệu cảnh báo những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn bạn tưởng - Ảnh 2.

Nếu bạn liếm môi nhiều lần, những hợp chất trong môi này sẽ dần mất đi.

Ảnh hưởng từ ánh nắng mặt trời

Môi ít có khả năng chống lại tác động của tia cực tím. Vì vậy, nếu bạn ra ngoài nắng nhưng quên không bôi son dưỡng rất có thể sẽ bị bong tróc môi. Ánh nắng mặt trời hút nước, khiến môi vốn khô tự nhiên nay càng khô hơn. Ngoài ra, viêm do cháy nắng cũng ảnh hưởng tới khu vực này, tác động không nhỏ tới tế bào môi.

Dùng thuốc

Một số loại thuốc có thể khiến môi khô và bong tróc. Chuyên gia Friedman cho biết, những người sử dụng thuốc trị mụn như Accutane thường gặp phải tình trạng này.

Hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ nếu bạn có ý định thay đổi loại thuốc để tránh khô môi. Ngoài ra, mọi người nên bôi son dưỡng ẩm thường xuyên để chống lại tác dụng phụ của thuốc.

Bong tróc môi có thể là dấu hiệu cảnh báo những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn bạn tưởng - Ảnh 3.

Một số loại thuốc có thể khiến môi khô và bong tróc.

Nhiễm nấm

Sự phát triển quá mức của nấm có thể gây nhiễm trùng nấm men ở vùng miệng. Tình trạng này khiến da khô, bong tróc xung quanh miệng và thậm chí có thể gây nên những vết nứt nhỏ ở khóe miệng.

Biện pháp điều trị nhiễm trùng nấm men hiệu quả nhất là sử dụng thuốc được bác sĩ kê đơn.

Viêm môi ánh sáng

Làn da thường xuyên bị tổn thương do tiếp xúc với ánh nắng mặt trời có thể dẫn tới bệnh viêm môi ánh sáng. Tình trạng này khá phổ biến ở những người lớn tuổi.

Đây là tình trạng tổn thương lâu dài và có thể dẫn đến ung thư da. Triệu chứng đặc trưng bao gồm sự xuất hiện của các mảng khô hoặc vảy, đặc biệt ở môi dưới. Hiện nay, bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh này nhờ quá trình sinh thiết da.

Liệu pháp quang động ánh sáng giúp tạo ra phản ứng miễn dịch trong cơ thể hoặc tiêu diệt các tế bào da bị tổn thương.

Thiếu vitamin

Thiếu hụt vitamin B có thể khiến môi khô, nứt nẻ và sưng đỏ. Chuyên gia Friedman cho biết, triệu chứng này thường đi kèm với hiện tượng phát ban quanh miệng.

Thông qua xét nghiệm máu, bác sĩ có thể xác định chính xác bạn đang thiếu loại vitamin nào và kê thực phẩm bổ sung hoặc đề nghị bạn điều chỉnh chế độ ăn uống để cải thiện tình trạng này.

Bong tróc môi có thể là dấu hiệu cảnh báo những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn bạn tưởng - Ảnh 4.

Thiếu hụt vitamin B có thể khiến môi khô, nứt nẻ và sưng đỏ.

Dị ứng

Bong tróc da, ngứa, xuất hiện mụn đỏ xung quanh môi là triệu chứng điển hình của dị ứng. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này bao gồm dùng son trang điểm, các sản phẩm chăm sóc da hoặc thậm chí là kem đánh răng. Axit cinnamic là một hợp chất gây dị ứng, kích thích thường có trong nhiều loại kem đánh răng.

Lichen phẳng

Lichen phẳng là một tình trạng viêm da, gây ngứa và nổi mụn trên cơ thể. Tuy nhiên, các triệu chứng này cũng có thể xuất hiện ở miệng, dưới dạng những vết bong tróc màu tím hoặc nâu trên môi. Bác sĩ thường kê thuốc chống viêm hoặc thuốc bôi để điều trị bệnh này.

Hội chứng đa u tủy tự miễn dịch

Đây là bệnh tự miễn hiếm gặp liên quan đến ung thư. Ngoài triệu chứng phát ban trên da, tình trạng này còn khiến răng miệng bị ăn mòn. Do đó, mọi người đừng ngại ngần đến khám bác sĩ nếu nhận thấy môi phồng rộp, lở loét và sưng bất thường.

(Nguồn: Womenshealthmag)


Theo Nhung Mai

Trí thức trẻ

Trở lên trên