MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

BSC: Vĩ mô Việt Nam kỳ vọng được cải thiện trong tháng 5, VN-Index biến động quanh mốc 750 điểm

Trường hợp tích cực, BSC cho rằng VN-Index giữ trên 750 điểm và vận động phân hóa theo những chủ đề lớn liên quan đến đầu tư công và sản xuất hồi phục.

CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) vừa công bố báo cáo với nhiều cập nhật về tình hình vĩ mô cũng như triển vọng TTCK tháng 5.

Vĩ mô Việt Nam kỳ vọng được cải thiện trong tháng 5 sau khi nới lỏng giãn cách xã hội

Các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, xã hội quý 1 tiếp tục sụt giảm trong tháng 4 do áp dụng chỉ thị giãn cách xã hội trong phần lớn thời gian: (1) Chỉ số công nghiệp giảm 10,5% so cùng kỳ; (2) Số doanh nghiệp mở mới giảm 47%; (3) FDI giảm 15,5% cùng kỳ; (4) Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng giảm 26%; (5) Kim ngạch xuất khẩu giảm 18% so tháng trước và 3,5% so cùng kỳ; (6) Khách quốc tế giảm 98% so cùng kỳ. Nhìn chung ảnh hưởng tiêu cực đã được dự báo và cũng là cái giá phải trả cho việc kiểm soát dịch bệnh.

Bên cạnh những yếu tố tiêu cực, cán cân XNK tháng 4 xuất siêu 3 tỷ USD, hỗ trợ ổn định tỷ giá trong nước. Cùng với đó, CPI giảm 1,54% so với tháng trước giảm bớt áp lực lạm phát trong 4 tháng đầu năm.

Dịch bệnh cũng không xuất hiện mới trong nhiều ngày liên tiếp, chính sách nới lỏng giãn cách xã hội đã thực hiện lại vào cuối tháng 4 và gói hỗ trợ 63 nghìn tỷ bắt đầu được giải ngân là những yếu tố kỳ vọng đưa nền kinh tế nhanh chóng trở lại hoạt động bình thường và sớm lấy lại được đà tăng trưởng. Tuy nhiên mức phục hồi nhanh hay chậm sẽ phụ thuộc khá nhiều vào tình hình cải thiện của các nền kinh tế chủ chốt thế giới.

KQKD quý 1 sụt giảm 10,6% so với cùng kỳ năm trước

Tính đến cuối tháng 4, 71% số công ty niêm yết trên 2 sàn HSX và HNX đã công bố KQKD với tổng LNST 39,2 nghìn tỷ, giảm 10,6% so cùng kỳ (mức sụt giảm tương đương 20% nếu loại bỏ lợi nhuận tăng đột biến của VHM từ hoạt động tài chính).

Kết quả kinh doanh có sự phân hóa mạnh với 44,8% số công ty công bố có lợi nhuận tăng trưởng dương và 19% công ty thua lỗ. Tính riêng trong nhóm VN30, 26/30 cổ phiếu VN30 đã công bố KQKD với LNST tăng 8,4% (Nếu bỏ LNST đột biến từ VHM, LNST sẽ giảm 5,2%) và có 42% công ty tăng trưởng lợi nhuận dương. 29% công ty còn lại sẽ công bố KQKD trong tuần đầu tháng 5, và dự báo không làm thay đổi trạng thái hiện tại.

KQKD quý 1 do vậy không quá tiêu cực nhờ lợi nhuận bất thường từ VHM. Tuy nhiên nếu hoạt động SXKD không sớm trở lại bình thường thì KQKD quý 2 dự báo còn giảm sút rõ ràng hơn khi có gần 1 tháng giãn cách xã hội và các công ty cũng không còn hợp đồng gối đầu và lợi nhuận để dành như trong quý 1.

VN-Index hồi phục và các công ty công bố KQKD quý 1 làm thay đổi đến chỉ số P/E và P/B của thị trường. Tính đến 30/4, P/E và P/B của VN-Index lần lượt 12,2 và 1,7, tăng 16% so với dữ liệu cuối tháng 3. Mức P/E này có thể điều chỉnh lên mức 13 lần sau khi cập nhật đầy đủ mức sụt giảm LNST 10% quý 1.

Chỉ số này vẫn thấp hơn đáng kể so với mức P/E bình quân 15,5 lần của 5 năm gần nhất. Mức định giá này có thể sẽ không quá rẻ nếu KQKD quý 2 sẽ tiếp tục giảm mạnh. Dù vậy, đây vẫn là mức khá hợp lý cho hoạt động đầu tư dài hạn khi các nền kinh tế phục hồi dần vào cuối năm.

Ẩn số từ dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân trong nước

Khối ngoại tiếp tục đẩy mạnh bán ròng gần 258 triệu USD tháng 4, qua đó nâng tổng giá trị bán ròng 633 triệu USD từ đầu năm. Cùng với đó, khối tự doanh các CTCK bán ròng 1.915 tỷ trong tháng 4, đi ngược lại với xu thế mua ròng 357 tỷ trong 3 tháng đầu năm. Hoạt động bán ròng tập trung vào cổ phiếu MSN, GEX, DBC, PLX, FPT và HPG. Tuy nhiên thị trường tiếp tục duy trì đà hồi phục từ vùng đáy 660 điểm phần lớn nhờ vào dòng vốn đầu tư trong nước và hoạt động mua cổ phiếu quỹ và tăng tỷ trọng của lãnh đạo các công ty niêm yết.

Số lượng tài khoản cá nhân đầu tư trong nước tăng đột biến trong tháng 3, cùng với dòng tiền bắt đáy tại vùng giá thấp trước áp lực chốt lãi và hoạt động bán ròng khối ngoại đang cho thấy thị trường có dòng tiền mới từ NĐT cá nhân trong nước.

Mặt khác dữ liệu dư nợ cho vay ký quỹ của các công ty chứng khoán quý 1 năm 2020 ở mức 47,4 nghìn tỷ, giảm 13,8% so quý 4 năm 2019. Số liệu này cũng thấp nhất trong 12 tháng qua cho thấy NĐT cũ đã giảm mạnh tỷ lệ margin trong khi NĐT mới cũng chưa sử dụng đáng kể margin cho hoạt động đầu tư hiện tại.

Nếu trong tháng 3, các công ty niêm yết đã đăng ký với mua cổ phiếu quỹ với giá trị 154 triệu USD. Sang tháng 4 tiếp tục những thương vụ lớn, tiêu biểu VNM đăng ký mua 1% cổ phiếu lưu hành với giá trị ước khoảng 77,5 triệu USD và VPB mua 5% cổ phiếu lưu hành với giá trị ước khoảng 107 triệu USD. Cùng với đó cổ đông nội bộ của các công ty trên và nhiều công ty khác cũng đăng ký mua vào tăng tỷ trọng nắm giữ.

Đây là chuyển dịch đáng chú ý của dòng tiền trong ngắn hạn. Tuy nhiên liệu dòng tiền này có đủ độ bền và cân bằng lại được hoạt động bán ròng khối ngoại và áp lực chốt lãi ngắn hạn hay không vẫn cần thời gian gian để kiểm chứng.

VN-Index xoay quanh mốc 750 điểm trong tháng 5

VN-Index giảm về 650 điểm và dần hồi phục. Mặt bằng giá thấp, dòng tiền nội tích cực hỗ trợ cho thị trường hồi phục nhanh chóng. Mùa KQKD quý 1 đang ở giai đoạn cuối, áp lực chốt lãi ngắn hạn và hoạt động bán ròng khối ngoại đẩy thị trường vào trạng thái giằng co và phân hóa trong 10 ngày cuối tháng 4.

Dịch bệnh được kiểm soát, hoạt động sản xuất kinh doanh dần đi vào ổn định hỗ trợ thị trường tháng 5. Tuy vậy thị trường không còn các yếu tố thuận lợi từ mặt bằng giá thấp và dòng vốn nội tích cực để duy trì đà tăng tốt.

Kịch bản "Sell in May and Go away" sẽ phụ thuộc khá lớn vào khả năng hồi phục của các nền kinh tế chủ chốt sau dịch bệnh và dòng tiền đầu tư trên thị trường. Với bối cảnh hiện tại, BSC thận trọng với diễn biến ngắn hạn và dự báo thị trường sẽ vận động quanh 750 (± 50 điểm) trong tháng 5.

Trường hợp tích cực, BSC cho rằng VN-Index giữ trên 750 điểm và vận động phân hóa theo những chủ đề lớn liên quan đến đầu tư công và sản xuất hồi phục.

Trường hợp tiêu cực, BSC cho rằng VN-Index quay lại kiểm tra vùng đáy cũ nếu các nền kinh tế chủ chốt không hồi phục như kỳ vọng sau dịch bệnh và áp lực thoái vốn từ khối ngoại.

Minh Anh

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên