Bức ảnh 19 lính cứu hỏa cùng chung một số phận và câu chuyện thảm kịch trong vụ cháy rừng kinh hoàng nhất lịch sử nước Mỹ
Thống đốc bang Arizona Jan Brewer gọi ngày hôm ấy là "ngày đen tối nhất mà tôi có thể nhớ", và ra lệnh treo cờ rủ để tưởng niệm những người anh hùng.
Ngày này 6 năm về trước, 1/7/2013, cả nước Mỹ lặng đi trước những mất mát không lời nào kể xiết sau vụ cháy rừng ở bang Arizona.
Thiệt hại về tài sản, vật chất và hàng trăm ngàn ha rừng đã quá đỗi khủng khiếp rồi nhưng họ còn mất đi cả những người lính cứu hỏa dũng cảm, gan dạ vì ngọn lửa hung tàn.
Bức ảnh chụp chung của đội cứu hỏa Hotshots, những người anh em đã kề vai sát cánh cùng nhau chiến đấu chống lại tên giặc lửa.
Ngày 28 tháng 6 năm 2013, một tiếng sét rung trời bên ngoài thị trấn Yarnell đã "châm ngòi" cho ngọn lửa trên đồi Yarnell.
Ngày hôm sau, ngọn lửa hung tàn ấy lại được "tiếp sức" bằng những cơn gió mạnh, đợt hạn hán kéo dài và nhiệt độ lên đến gần 40 độ C.
Cứ thế con quái vật lửa nhanh chóng lớn mạnh đến không ngờ và bắt đầu đe dọa các thị trấn gần đó.
Nhận được tin cháy rừng, đội cứu hỏa mang tên Hotshot gồm 20 người sống ở Prescott, bang Arizona, cách thị trấn Yarnell khoảng 30km, đã được huy động đến dập lửa.
Họ chuyên xử lý những vụ hỏa hoạn nghiêm trọng nhất của quốc gia. Mỹ có 110 nhóm Hotshot như thế, mỗi nhóm chỉ có 20 người và được huấn luyện đặc biệt.
Hình ảnh đội lính cứu hỏa Hotshot.
Vào buổi chiều ngày 30/6, gió mạnh đổi chiều, người đứng đầu nhóm cứu hỏa được lệnh rút lui và di chuyển phương tiện của họ đến một địa điểm an toàn hơn.
Nhưng 19 người còn lại không hay biết mình đã bị ngọn lửa cô lập, không còn đường thoát. Máy bay trực thăng cố gắng hỗ trợ từ trên cao nhưng đám khói dày đặc đã cản trở tầm nhìn.
Biết rằng mình đã bị bịt hết lối ra, những người lính cứu hỏa ấy phải viện đến giải pháp cuối cùng: bung những tấm chắn lửa ra và nằm úp mặt xuống đất. Nhưng những lá chắn ấy đã không thể cứu được họ.
Một tiếng rưỡi sau, một chiếc trực thăng cuối cùng đã có thể đến được vị trí của Hotshot nhưng đã quá muộn. Tất cả 19 người lính cứu hỏa tại hiện trường đã thiệt mạng.
Ngọn lửa hung tàn được khống chế 100% vào ngày 10 tháng 7. Nó đã đốt cháy hơn 8.000 mẫu Anh diện tích rừng và gây thiệt hại 900 triệu USD.
Đây cũng là trận cháy rừng kinh hoàng nhất đối với lính cứu hỏa Mỹ kể từ trận hỏa hoạn Công viên Griffith năm 1933 và là thảm họa nguy hiểm thứ 6 đối với lính cứu hỏa Mỹ nói chung.
Công viên tưởng niệm Hotshot trên núi Yarnell.
Vào năm 2014, tiểu bang Arizona đã mua 320 mẫu Anh từ chính phủ liên bang để tạo ra một công viên tưởng niệm dành riêng cho 19 chàng lính cứu hỏa đã chết trong vụ cháy ở thị trấn Yarnell.
Năm 2016, công viên tưởng niệm Hotshot trên núi Yarnell đã khai trương.
Thống đốc bang Arizona Jan Brewer gọi ngày hôm ấy là "ngày đen tối nhất mà tôi có thể nhớ", và ra lệnh treo cờ rủ để tưởng niệm những người anh hùng.
Bà Brewer cho hay đám cháy "bùng phát từ một cơn bão lửa", bao trùm cả nhóm lính cứu hỏa.
Trưởng ban phòng cháy chữa cháy thành phố Prescott, bang Arizona, ông Dan Fraijo cho biết: "Toàn bộ đội cứu hỏa của chúng tôi đã mất. Chúng tôi đã mất đi 19 lính cứu hỏa tuyệt vời. Thật sự là một thảm kịch".
Helino