MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bức ảnh hiếm thời còn làm công nhân vét mỡ bò của tỷ phú Trần Bá Dương và chuyện về 'gánh hát rong' của chàng kỹ sư trẻ

16-02-2022 - 09:40 AM | Doanh nghiệp

Bức ảnh hiếm thời còn làm công nhân vét mỡ bò của tỷ phú Trần Bá Dương và chuyện về 'gánh hát rong' của chàng kỹ sư trẻ

Nếu ai đó cho rằng các tỷ phú đều sinh ra đã ở vạch đích thì điều đó chắc chắn không đúng với ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Tập đoàn ô tô Trường Hải. Từ một người bình thường với công việc đầu tiên là làm công nhân, ông Dương đã vươn lên trở thành một trong 6 tỷ phú đô la của Việt Nam, được tạp chí Forbes công nhận.

Ông Thái Duy Hùng, người từng làm Phó Tổng giám đốc và sau đó làm Cố vấn Chủ tịch Hội đồng quản trị THACO mới đây đã chia sẻ chi tiết về những ngày tháng khởi nghiệp của ông Trần Bá Dương, Chủ tịch tập đoàn.

Chúng tôi xin giới thiệu tới độc giả bài viết này và bức hình chưa từng được công bố thời ông Dương còn làm công nhân "vét mỡ bò".

Bức ảnh hiếm thời còn làm công nhân vét mỡ bò của tỷ phú Trần Bá Dương và chuyện về gánh hát rong của chàng kỹ sư trẻ - Ảnh 1.

Khoảng cuối năm 1983, một kỹ sư trẻ thư sinh đến nhận việc tại Nhà máy Đại tu ô tô Đồng Nai. Thời đó một kỹ sư cơ khí tốt nghiệp Đại học Bách khoa TPHCM ra trường thường được bố trí làm việc ở phòng kỹ thuật. Thế nhưng, chàng kỹ sư trẻ xin làm việc tại xưởng như một công nhân. Người kỹ sư đó tên Trần Bá Dương, một chàng trai có dáng người mảnh khảnh nhưng đôi mắt sáng và ánh nhìn kiên định.

Với sự cần cù, chịu khó, thông minh, đam mê nghiên cứu sáng tạo, gần ba năm sau, từ một kỹ sư học việc, anh đã trở thành một người thợ lành nghề, xử lý tốt các tình huống hỏng hóc phức tạp của xe ô tô, ngang với tay nghề của công nhân bậc cao. Sau đó, với trình độ và kinh nghiệm của mình, anh được bổ nhiệm làm Trưởng phòng kỹ thuật, rồi Quản đốc xưởng.

Bức ảnh hiếm thời còn làm công nhân vét mỡ bò của tỷ phú Trần Bá Dương và chuyện về gánh hát rong của chàng kỹ sư trẻ - Ảnh 2.

Những năm đó, kinh tế khó khăn, cả nước đang bị "cấm vận", lĩnh vực ô tô cũng chịu ảnh hưởng không ít. Thời gian này xe ô tô cũng khan hiếm, chủ yếu xe của các cơ quan, đơn vị hư hỏng đều mang đến Nhà máy Đại tu ô tô. Tuy nhiên, phụ tùng mới thay thế, sửa chữa không có, các thợ tại xưởng đa số là "chế" cho phù hợp. Hơn nữa, máy móc, thiết bị kiểm tra cũng hạn chế nên chất lượng sửa chữa thấp, dễ bị hư hỏng trở lại nên mất lòng tin và khách hàng ít dần.

Đến đầu năm 1987, thiếu việc làm nên nhà máy có nguy cơ giải thể, Ban Giám đốc đã thành lập Đội sửa xe lưu động và cử kỹ sư Dương làm đội trưởng. Anh được giao một xe tải nhẹ đời cũ và 10 công nhân. Lúc này trong các xưởng sữa chữa thì xưởng của anh Dương là có uy tín nhất với khách hàng, Anh lại có nhiều sáng kiến cải tiến như mài trục cơ, doa xy lanh, đồ gá tiện piston, segment, bạc biên, máy chạy rà động cơ, đóng được cả rơ moóc …

Bức ảnh hiếm thời còn làm công nhân vét mỡ bò của tỷ phú Trần Bá Dương và chuyện về gánh hát rong của chàng kỹ sư trẻ - Ảnh 3.

Tuy nhiên, Đội sửa xe lưu động là một nhiệm vụ mới, chưa có tiền lệ và rất khó khăn khi triển khai trong thực tế. Nhưng, với chàng kỹ sư trẻ Trần Bá Dương thì không gì là không thể và anh đã nhận nhiệm vụ. Anh Dương mang "đội quân" của mình rời nhà máy và tìm lại những khách hàng trước đó đã vào nhà máy sửa xe rồi không trở lại. Anh đến xin gặp đội xe, gặp lãnh đạo đơn vị thừa nhận về chất lượng dịch vụ trong việc sữa chữa thời gian qua… và cam kết: Sửa tại chỗ, sửa xong xe chạy tốt mới thanh toán tiền; xuất xưởng theo thời gian yêu cầu, công khai phụ tùng vật tư thay thế. Hiểu được tâm lý các chủ xe, anh đã động viên anh em làm cả ngày đêm. Những xe hỏng nặng đã có "máy dự phòng", chỉ cần cùng thông số kỹ thuật, độ lại cao su chân máy…qua một đêm điều chỉnh là có thể bàn giao.

Bức ảnh hiếm thời còn làm công nhân vét mỡ bò của tỷ phú Trần Bá Dương và chuyện về gánh hát rong của chàng kỹ sư trẻ - Ảnh 4.

Trong lễ tổng kết năm 1987, Ông Phùng Như Ý - Bí thư Đảng Ủy, Phó Giám đốc Ty Giao thông Vận tải Đồng Nai tham dự, khen thưởng và Đội sửa chữa xe lưu động của kỹ sư Trần Bá Dương được anh em yêu mến gọi đùa là "gánh hát rong".

Tận tụy với công việc nên chàng kỹ sư trẻ dành hết thời gian của mình cho máy móc, nghiên cứu các cách sửa chữa, sáng tạo các thiết bị để nâng cao tay nghề và chất lượng của Đội. Mẹ anh nhớ con trai chăm học, chăm làm thỉnh thoảng lên Biên Hòa thăm. Khi đó, anh đang chui… dưới gầm xe, quần áo đầy dầu mỡ. Mẹ thương nên lúc nào cũng "dúi" cho anh vài chỉ vàng hoặc một ít tiền để anh lo cơm nước, quần áo bảo hộ, ứng trước lương, sắm xe máy cho anh em đi làm, chạy mua phụ tùng vật tư.

"Gánh hát rong" của chàng kỹ sư trẻ cứ sửa xe từ công ty này qua đơn vị khác ở Khu công nghiệp Biên Hòa I, nội thành Biên Hòa, đến các huyện. Đến cuối năm 1988, sau khi lấy lại được uy tín, thu hút thêm nhiều khách hàng đến sữa chữa tại nhà máy, "gánh hát rong" mới hoàn thành sứ mệnh và kết thúc công việc của mình.

Khó khăn nào rồi cũng qua, cơ hội mới lại đến. Đầu năm 1989, nhà nước cho nhập các loại xe du lịch, xe tải, xe khách tay lái nghịch đã qua sử dụng, kỹ sư Trần Bá Dương lại bảo vệ thành công đề tài… "chuyển tay lái nghịch" với Bộ giao thông. Đây là một đề tài nặng về kỹ thuật, sáng tạo nhưng lại mở ra nhiều hướng đi, công việc cho anh em công nhân.

Từ đó, năng lực uy tín thực sự của chàng kỹ sư trẻ Trần Bá Dương không chỉ được biết đến tại nhà máy, công xưởng tại Biên Hòa, Đồng Nai mà còn cả khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam. Đây cũng là tiền đề để anh Dương thành lập Công ty TNHH Ô tô Trường Hải – tiền thân của Công ty Cổ phần Tập Đoàn Trường Hải với hệ sinh thái đa ngành ngày hôm nay.

Theo PV

Doanh nghiệp và tiếp thị

Trở lên trên