MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bức tranh châu Á nếu ông Joe Biden đắc cử: "Obama 2.0" hay "phiên bản Trump rút gọn"?

25-10-2020 - 19:27 PM | Tài chính quốc tế

Việc ông Biden lên làm Tổng thống sẽ có ý nghĩa thế nào đối với châu Á? Đây là câu hỏi mà các nhà hoạch định chính sách ở châu Á đang đặt ra trước ngày bầu cử 3/11.

Nếu giành chiến thắng, ông Joe Biden sẽ phải đối mặt với những tác động rất lớn mà Tổng thống Donald Trump để lại đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong 4 năm qua. Chính quyền ông Trump đã đưa ra lập trường đối trọng với Trung Quốc về mọi mặt, từ thương mại, công nghệ, đại dịch Covid-19 đến các vấn đề về biển Đông, Đài Loan.

Ông Trump cũng đã tạo ra các căng thẳng với các đồng minh châu Á khi đe dọa giảm lượng quân Mỹ ở Nhật Bản và Hàn Quốc, đồng thời xây dựng mối quan hệ trực tiếp với người đứng đầu Triều Tiên Kim Jong Un.

Mỹ được cho là đang thực hiện một cuộc phân tách tài chính và công nghệ với Trung Quốc thông qua các biện pháp trừng phạt một số công ty lớn nhất của nước này như Huawei và TikTok.

Ông Biden cũng sẽ "thừa hưởng" thỏa thuận thương mại Giai đoạn 1 - mà Bắc Kinh đang chưa thực hiện được lời hứa mua hàng. Mối quan hệ thương mại với châu Á cũng trở nên lung lay khi ông Trump rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Trong lộ trình tranh cử của mình, lập trường của ông Biden với Trung Quốc có vẻ mềm mỏng hơn ông Trump. Tuy nhiên, có những ý kiến cho rằng cách tiếp cận cứng rắn với Trung Quốc của ông Trump sẽ tiếp diễn ngay cả khi người đứng đầu Nhà Trắng là người của đảng Dân chủ.

Nikkei Asia (Nhật Bản) mới đây đã đăng tải một bài viết chi tiết phân tích toàn diện về một nhiệm kì tổng thống của ông Biden đối với châu Á (nếu ông thắng cử trong lần bầu cử hôm 3/11 này). Dưới đây là bài lược dịch.

Công nghệ và Trung Quốc

Theo chiến dịch tranh cử, cựu Phó Tổng thống Joe Biden nói sẽ dẫn dắt nước Mỹ "giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc".

Trích dẫn số liệu việc chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển của Trung Quốc tăng gấp 30 lần từ năm 1991 đến năm 2016, ông Biden cam kết đầu tư mạnh mẽ vào các công ty công nghệ mới trong chương trình kinh tế "Mua đồ Mỹ". Kế hoạch này bao gồm 300 tỷ USD cho các công ty công nghệ mới từ xe điện và vật liệu nhẹ đến 5G và trí tuệ nhân tạo - những lĩnh vực mà Trung Quốc đang nhanh chóng đạt thành tựu.

Chiến dịch tranh cử của ông không đưa ra nhiều điểm cụ thể về các biện pháp mà ông sẽ thực hiện để đối phó với các công ty công nghệ Trung Quốc, hoặc thậm chí về việc liệu ông có giữ lại các lệnh trừng phạt cứng rắn của ông Trump đối với các thực thể trong danh sách đen hay không.

Lập trường của Mỹ trong lĩnh vực công nghệ hoàn toàn đối trọng lại với Trung Quốc. Cố vấn cấp cao đồng thời là chủ tịch ủy thác về Kinh doanh và Kinh tế Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) Scott Kennedy cho biết, ông mong đợi dưới sự dẫn dắt của ông Biden, Mỹ sẽ "kết hợp giữa hợp tác và tạo áp lực… tuy nhiên, sự phối hợp [với các nước khác] sẽ tốt hơn."

Ông Biden có thể sử dụng một số chiến thuật mà ông Trump đã có - chẳng hạn như kiểm soát xuất khẩu và hạn chế đầu tư - nhưng việc thực hiện sẽ rất khác, ông Kennedy nói.

Thương mại

Ông Biden nói muốn làm việc với các đồng minh của Mỹ để gây áp lực lên Bắc Kinh.

Cuộc chiến thương mại của Tổng thống Trump với Trung Quốc đã khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại hàng tỷ USD. Theo Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, bất chấp thỏa thuận giai đoạn 1, thuế quan trung bình của Mỹ đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vẫn ở mức 19.3%, cao hơn 6 lần so với trước khi xung đột bắt đầu vào năm 2018. Mức thuế trung bình của Trung Quốc đối với hàng nhập khẩu từ Mỹ là 20.3%.

Chính quyền ông Trump đã rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Paris, Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, Thỏa thuận hạt nhân Iran và đe dọa rời khỏi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Bức tranh châu Á nếu ông Joe Biden đắc cử: Obama 2.0 hay phiên bản Trump rút gọn? - Ảnh 1.

Ông Trump cùng bản hành pháp rút Mỹ khỏi TPP tại Nhà Trắng vào ngày 23/1/2017. Ảnh: Kyodo

Thành viên cấp cao tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Edward Alden cho biết: "Tôi nghĩ rằng chính quyền Biden sẽ tập trung hơn vào vấn đề với Trung Quốc và làm việc chặt chẽ hơn với các đồng minh. [Biden] sẽ thận trọng hơn trong việc sử dụng thuế quan. [Tuy nhiên] điều đó không có nghĩa là các lệnh cấm thuế quan có thể được dỡ bỏ ngay lập tức."

Theo chiến dịch tranh cử, ông Biden đã gọi Thỏa thuận Giai đoạn 1 của ông Trump với Bắc Kinh là "sáo rỗng" vì nó vẫn chưa giải quyết được các hành vi thương mại không công bằng và các hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ. Ông cũng cam kết làm việc với các đồng minh của Mỹ để thay đổi hành vi của Trung Quốc.

Phần lớn các chuyên gia đều tin rằng cạnh tranh Mỹ - Trung là không tránh khỏi, nhưng làm thế nào để Mỹ kiểm soát được những cạnh tranh này và thay đổi mối quan hệ theo hướng tích cực?

Giám đốc Viện Mỹ - Trung Quốc tại Đại học Nam California Clayton Dube nói rằng, một cách tiếp cận thành công cần phải dựa trên "một khuôn khổ thực tế". Ông cho rằng, bằng cách làm việc với những đồng minh đáng tin cậy và cho Bắc Kinh thấy rằng "thay đổi cuối cùng sẽ mang lợi cho Trung Quốc và nếu không thay đổi sẽ gây hại," những nhà lãnh đạo Mỹ sẽ khiến Bắc Kinh đồng ý với những điều khoản của mình.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là chính quyền ông Biden sẽ ngay lập tức tham gia vào Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Ông Biden hiện vẫn giữ im lặng về TPP, thay vào đó, ông chỉ ra sự cần thiết phải thúc đẩy đầu tư trong nước trước khi thực hiện các giao dịch thương mại lớn.

Cựu phó Đại diện Thương mại Mỹ đồng thời là Phó Chủ tịch Viện Chính sách Xã hội Châu Á Wendy Cutler nói rằng Biden sẽ cần xây dựng lại lòng tin ở châu Á và chứng minh rằng Mỹ muốn tham gia vào các hoạt động thương mại. Bà gợi ý rằng "các thỏa thuận tạm thời giữa các ngành" có thể tạo lòng tin đồng thời "tránh được nhiều điều nhạy cảm trong và ngoài nước". Các lĩnh vực như thương mại điện tử, y tế và các vấn đề về môi trường có thể là điểm chung cho các giao dịch như vậy.

Ông Biden nói, ông muốn đưa các chuỗi cung ứng quan trọng trở lại Mỹ chẳng hạn như các sản phẩm y tế, trong bối cảnh Mỹ thiếu thiết bị bảo vệ cá nhân trong giai đoạn đầu đại dịch Covid-19. Bà Culter cho hay Mỹ có thể làm việc với các đồng minh đáng tin cậy trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) về các vấn đề liên quan đến sự dễ bị tổn thương của chuỗi cung ứng.

Biển Đông

Bức tranh châu Á nếu ông Joe Biden đắc cử: Obama 2.0 hay phiên bản Trump rút gọn? - Ảnh 2.

Tàu sân bay USS John C. Stennis đi ngang qua biển Đông vào hoàng hôn ngày 25/02/2019. Ảnh: Reuters

Năm 2016, trong chuyến thăm Úc, ông Biden cam kết rằng Mỹ sẽ đảm bảo an toàn cho các tuyến đường biển và bầu trời rộng mở.

Trong suốt chiến dịch tranh cử của mình, ông Biden đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc củng cố các liên minh của Mỹ nhằm khôi phục lại vị thế lãnh đạo của nước này. Và đối với biển Đông, điều đó đồng nghĩa với việc phải tham gia nhiều hơn với các nước Đông Nam Á.

Cách tiếp cận của ứng viên Joe Biden sẽ không chỉ tập trung vào "khía cạnh đối đầu các chính sách của Trung Quốc" mà còn là "cách giải quyết các mối quan tâm của các đồng minh và đối tác của Mỹ và cố gắng tạo cơ hội cho sự cạnh tranh Mỹ - Trung," người đứng đầu Phòng An ninh Châu Á - Thái Bình Dương tại Viện Hudson Patrick Cronin cho hay.

Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương dưới thời Tổng thống Obama, ông Daniel Russel cho biết ông Biden sẽ thực hiện từng bước để tránh gây căng thẳng quân sự do những bất đồng trong giao tiếp.

Bức tranh châu Á nếu ông Joe Biden đắc cử: Obama 2.0 hay phiên bản Trump rút gọn? - Ảnh 3.

Tuy nhiên, "điểm khác biệt nhất nếu ông Joe Biden được bầu làm tổng thống là chúng ta sẽ có một tổng thống đưa ra chính sách," ông Russel cho biết. Ông nói rằng các hành động của Mỹ ở biển Đông trong những năm gần đây - chẳng hạn như các hoạt động tự do hàng hải - không xuất phát từ Tổng thống Trump mà xuất phát từ các cơ quan khác như Bộ Ngoại giao Mỹ hay Lầu Năm Góc.

"Chúng tôi sẽ có chiến lược an ninh quốc gia ... không chỉ bao gồm việc gửi tàu chiến. Nó sẽ bao gồm việc ngoại giao, tham gia với ASEAN và các diễn đàn khu vực," ông nói.

Đài Loan

Vào năm 2001, ông Biden đã viết một bài báo trên tờ Washington Post với tiêu đề "Không nên quá nhanh chóng về vấn đề Đài Loan", thể hiện cách tiếp cận dè dặt của Mỹ khi tham gia vào khu vực này.

Bức tranh châu Á nếu ông Joe Biden đắc cử: Obama 2.0 hay phiên bản Trump rút gọn? - Ảnh 4.

Lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn. Ảnh: AP

Tuy nhiên, theo Nikkei, trong những năm gần đây, ông trở nên cứng rắn hơn với Trung Quốc, chỉ trích Chủ tịch Tập Cận Bình về vấn đề biểu tình ở Hồng Kông và là ứng viên tổng thống đảng Dân chủ đầu tiên chúc mừng lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn khi nhậm chức, đồng thời ủng hộ mối quan hệ Mỹ-Đài Loan bền chặt hơn.

Nếu ông Biden đắc cử tổng thống, chính sách bán vũ khí cho Đài Loan của chính quyền ông Trump có thể khiến ông bị ràng buộc.

Giám đốc Trung tâm quan hệ Mỹ - Trung Quốc tại Đại học New York David Denoon cho biết "Ông Obama đã không ủy quyền thiết bị mới có hiệu suất cao cho Đài Loan. Vì vậy, có khả năng rằng việc cung cấp thiết bị quân sự cho Đài Loan của chính quyền ông Biden sẽ kém hơn. Mặt khác, sự ủng hộ đối với Đài Loan của lưỡng đảng trong Quốc hội rất mạnh mẽ, vì vậy, ông ấy không thể cắt giảm hoàn toàn sự quan tâm tới khu vực này," ông nói.

Giám đốc Trung tâm Chính sách Châu Á Thái Bình Dương tại Rand Rafiq Dossani nói, động lực của mối quan hệ Mỹ - Đài Loan "không nằm ở Mỹ mà ở quan hệ của Đài Loan với Trung Quốc Đại lục."

Triều Tiên và quân đội Mỹ ở châu Á

Bức tranh châu Á nếu ông Joe Biden đắc cử: Obama 2.0 hay phiên bản Trump rút gọn? - Ảnh 5.

Triều Tiên công bố tên lửa đạn đạo xuyên lục địa lớn nhất từ ​​trước đến nay tại cuộc duyệt binh ở Bình Nhưỡng hôm 10/10. Ảnh: Kyodo

Ông Biden nói rằng ông muốn làm việc với các đồng minh - đặc biệt là Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc - và những nước khác như Trung Quốc để gây áp lực, buộc Triều Tiên phải thực hiện việc phi hạt nhân hóa. Ông cũng muốn thắt chặt kiểm soát vũ khí trong khu vực với sự hợp tác của Nga.

Giáo sư Khoa học chính trị tại Đại học Dartmouth Jennifer Lind nhận thấy cựu Phó Tổng thống đang quay lại với các phương pháp trước đây khi đối phó với Bình Nhưỡng.

"Tôi hy vọng rằng ông Biden sẽ tuân theo các tiếp cận lâu đời của Mỹ đối với Triều Tiên, đó là sự kết hợp giữa răn đe và các nỗ lực ngoại giao thường xuyên," bà Lind nói.

Điều đó làm nên sự khác biệt giữa ông và Tổng thống Trump. Theo nhiều báo cáo, cũng như theo cựu cố vấn an ninh quốc gia John Bolton, ông Trump đã đe dọa rút quân Mỹ khỏi Nhật Bản và Hàn Quốc - những đồng minh lâu năm của Washington ở châu Á.

"Tôi nghĩ, mối quan hệ của chúng tôi với Hàn Quốc đang bị tổn thương. Ông Biden chắc chắn sẽ gửi tín hiệu sớm, [ví dụ] cử Ngoại trưởng đến khu vực ngay lập tức để thiết lập một bầu không khí khác," chuyên gia Cronin từ Viện Hudson cho biết.

Chuyên gia cũng cho rằng ông Biden sẵn sàng hơn trong việc "sử dụng một số ý chí chính trị nhằm cải thiện mối quan hệ với Hàn Quốc và Nhật Bản."

Theo Thúy Khương

Tổ quốc

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên