MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bức tranh kinh tế nửa đầu năm 2022: Nhiều gam màu sáng

Kiểm soát lạm phát nhưng vẫn tăng trưởng cao là một ưu tiên để bứt tốc phục hồi kinh tế. (Ảnh minh họa - Ảnh: NLĐ)

Kiểm soát lạm phát nhưng vẫn tăng trưởng cao là một ưu tiên để bứt tốc phục hồi kinh tế. (Ảnh minh họa - Ảnh: NLĐ)

Bản báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý 2 và 6 tháng đầu năm do Tổng cục Thống kê công bố là một trong những thông tin nhận được nhiều sự chú ý nhất trong tuần qua.

Nhìn chung, bức tranh kinh tế nửa đầu năm nay phần nhiều là những gam màu sáng. Đây là một tín hiệu tốt cho thấy cộng đồng doanh nghiệp đã quen dần với trạng thái "bình thường mới". Nền kinh tế phục hồi nhanh chóng khi dịch COVID-19 trong nước đã được kiểm soát.

Điều này thể hiện rõ qua con số 7,72%. Đây là mức tăng trưởng GDP trong quý 2 và cũng là mức cao nhất cùng kỳ 12 năm qua. Tính chung cả 6 tháng, tăng trưởng GDP đạt 6,42%, trong vùng mục tiêu 6 - 6,5% được đặt ra.

Cụ thể, khu vực công nghiệp và nông nghiệp đều có mức tăng chậm hơn khoảng 1 điểm %, theo lý giải của Tổng cục Thống kê, phần không nhỏ là do giá cả hàng hóa, nguyên vật liệu gia tăng. Tuy nhiên, điểm sáng ở đây là khu vực dịch vụ, khi tốc độ tăng trưởng cao hơn tới 2,6 điểm % so với cùng kỳ năm 2021.

Nếu nhìn sâu hơn vào bức tranh phân ngành dịch vụ, thì có thể thấy du lịch lữ hành tăng gần gấp đôi, lưu trú ăn uống tăng gần 21% từ nền tăng trưởng âm của cùng kỳ năm 2021. Bán lẻ hàng hóa cũng tăng hơn 11%. Có thể thấy vai trò của ngành công nghiệp không khói đã có đóng góp không nhỏ.

Đặc biệt, có đến gần 602.000 lượt khách quốc tế đến Việt Nam trong 6 tháng đầu năm, tăng gần 600% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó chủ yếu là du khách từ châu Á với gần 400.000 lượt.

CPI bình quân 6 tháng của Việt Nam chỉ tăng 2,44%. Con số này được Tổng cục Thống kê đánh giá là thành công của Việt Nam trong bối cảnh tháng 5 lạm phát thế giới tăng kỷ lục, như Mỹ 8,6%, cao nhất trong 4 thập kỷ; EU là 8,1%, gấp 4 lần mức mục tiêu 2%. Tại châu Á, Thái Lan là 7,1%, Hàn Quốc 5,4%; Indonesia 3,55%, hay Nhật Bản là 2,5%. Tuy nhiên, áp lực lạm phát lại được cho là có độ trễ, sẽ gia tăng vào cuối năm nay và cả năm sau.

"Trong 6 tháng đầu năm, chỉ số nguyên, nhiên, vật liệu cho sản xuất tăng 6,04%, cao nhất 10 năm. Theo tính toán, giá xăng dầu trong nước cứ tăng 10% thì tác động đến CPI tăng 0,36%. Thứ hai là giá lương thực thực phẩm tăng cao trở lại trong các tháng cuối năm. Chúng ta khó tránh khỏi trước khủng hoảng lương thực toàn cầu. Nhóm hàng lương thực, thực phẩm lại chiếm 28% rổ CPI", bà Nguyễn Thị Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê, thông tin.

Doanh nghiệp trong và ngoài nước tăng cường đầu tư, kinh doanh, sản xuất

Kiểm soát lạm phát nhưng vẫn tăng trưởng cao là một ưu tiên để bứt tốc phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, để thấy được sự bền vững của xu thế này trong những quý tới cần nhìn cụ thể hơn vào tình hình đăng ký doanh nghiệp, cũng như vốn đăng ký đầu tư nước ngoài để đánh giá rõ hơn mức độ tích cực, chủ động của doanh nghiệp cả trong và ngoài nước tham gia vào nền kinh tế.

FDI thực hiện 6 tháng đạt hơn 10 tỷ USD, là mức cao nhất cùng kỳ 5 năm qua. Nếu không tính đến 2 dự án đột biến năm 2021, thì tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam năm nay tăng tới 29,2%.

"Số liệu trên đã phản ánh xu hướng phục hồi và tăng mạnh của FDI. Các nhà đầu tư nước ngoài vẫn coi Việt Nam là điểm đến an toàn, hấp dẫn, tạo niềm tin với nhà đầu tư", bà Phí Thị Hương Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê xây dựng và vốn đầu tư (Tổng cục Thống kê), đánh giá.

Trong khi đó, lần đầu tiên 6 tháng đầu năm ghi nhận lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới vượt con số 70.000 doanh nghiệp. Nếu lấy lượng doanh nghiệp tăng thêm trừ đi lượng doanh nghiệp rút lui càng cho thấy tín hiệu tích cực chưa từng thấy.

Bức tranh kinh tế nửa đầu năm 2022: Nhiều gam màu sáng - Ảnh 1.

FDI thực hiện 6 tháng đạt hơn 10 tỷ USD, là mức cao nhất cùng kỳ 5 năm qua. (Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí)

"Lấy cái tăng thêm trừ ông rút lui, còn ông thuần là 5,6 nghìn doanh nghiệp. Đây là mức rất cao nhiều năm qua. Các năm qua chỉ có 3.000 - 4.000 và bây giờ là 5,6 nghìn. Do thanh lọc, doanh nghiệp thay đổi linh hoạt để phù hợp với chuyển biến mới của nền kinh tế. Doanh nghiệp nhỏ có sự linh hoạt trong việc thay đổi, cấu trúc lại doanh nghiệp", bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho hay

Theo khảo sát của Tổng cục Thống kê, 85% doanh nghiệp tin rằng tình hình sản xuất kinh doanh quý 3 của sẽ ổn định, hoặc tốt hơn quý 2.

Thị trường lao động tiếp đà phục hồi, thu nhập bình quân tăng lên

Một điểm sáng nữa là tình hình lao động, việc làm tiếp tục duy trì đà phục hồi, lực lượng lao động, số người đang làm việc, thu nhập bình quân tháng tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động 6 tháng năm nay chỉ 2,39%. Lao động 15 tuổi trở lên đang làm việc là 50,3 triệu người, tăng 417.000 người so với cùng kỳ năm 2021, đặc biệt là lĩnh vực du lịch, lưu trú đã có sự phục hồi mạnh mẽ.

Sau đại dịch COVID-19, nhiều du khách ưa chuộng đi các tour trong nước, chủ một chuỗi khách sạn này đã xây dựng thêm 8 cơ sở ở Quảng Ninh. Bởi vậy, họ có nhu cầu tuyển dụng thêm nhiều nhân viên ở các vị trí khác nhau.

Theo chuyên trang Việc làm tốt, nhóm ngành nhân viên nhà hàng, khách sạn có sự phục hồi mạnh mẽ khi tăng tới 25% so với đầu năm. Bên cạnh đó, nhóm ngành bán lẻ cũng ghi nhận mức tăng trưởng trong nhu cầu tìm việc là 13%.

Về phía các chuỗi siêu thị và cửa hàng tiện lợi, khi nhu cầu mua sắm trong nước bắt đầu hồi phục trở lại sau đại dịch, họ cũng mạnh dạn đưa ra kế hoạch mở rộng cơ sở và tuyển dụng thêm nhân sự.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê vừa công bố, thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương quý 2 năm nay là 7,5 triệu đồng/tháng, tăng so với quý trước và cùng kỳ năm 2021. Mức lương cao hơn cũng là một phần lý do giúp thị trường lao động sôi động trở lại trong thời gian qua.

Tuy 6 tháng đầu năm, thị trường việc làm có nhiều khởi sắc, nhưng phần lớn lao động vẫn thuộc khu vực phi chính thức. Trong khi đó nhiều doanh nghiệp lại thiếu hụt một lượng lớn lao động chính thức lành nghề, lao động chất lượng cao…

Theo một khảo sát của ManpowerGroup và Viện Khoa học Lao động và Xã hội thực hiện, 21% doanh nghiệp FDI thuộc nhóm ngành sản xuất, chế biến chế tạo… sẽ khó tuyển đủ lao động trong giai đoạn 2022 - 2023.

Ngoài ra, nhân lực chất lượng cao cho chuyển đổi số cũng đang thiếu hụt những năm gần đây. Năm 2021, hơn 20.000 vị trí lập trình viên cần tuyển, nhưng không có ứng viên đáp ứng được yêu cầu. Bởi vậy, nhiều doanh nghiệp FDI đã lên kế hoạch tìm kiếm và nuôi dưỡng nguồn nhân lực. Hãy theo dõi ghi nhận sau đây của chúng tôi trong mục Kinh tế số.

Doanh nghiệp FDI nuôi dưỡng nguồn nhân lực để phát triển bền vững

Đây là lần thứ 2 trong năm nay Samsung Việt Nam tổ chức kỳ thi tuyển dụng GSAT quy mô lớn dành cho kỹ sư và cử nhân đại học. Bài kiểm tra năng lực bao gồm 3 phần cơ bản: khả năng toán học logic, khả năng suy luận và tư duy bằng hình ảnh. Nhiều thí sinh tham gia vẫn còn lạ lẫm với các hình thức thi tuyển đào tạo mới.

"Tôi cũng đã lên mạng tìm hiểu qua về các dạng đề có trong GSAT và cũng có luyện thử các đề thi nhưng thực tế khác rất nhiều. Tôi đánh giá cao việc bảo mật đề thi", Trịnh Thị Thu Hà, thí sinh GSAT, chia sẻ.

"Có rất nhiều câu hỏi tôi chưa kịp hoàn thành nhưng tôi vẫn hy vọng may mắn có cơ hội được làm việc tại Samsung Việt Nam", Đặng Đình Tuấn, thí sinh GSAT, cho biết.

Bức tranh kinh tế nửa đầu năm 2022: Nhiều gam màu sáng - Ảnh 2.

Để giữ chân người lao động, các doanh nghiệp cần chú ý đến yếu tố linh hoạt. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)

Kỳ thi được tổ chức thường niên 2 đợt mỗi năm, điều đó cho thấy tầm quan trọng của việc tìm kiếm và đào tạo nhân tài trong kế hoạch phát triển của công ty.

"Các ứng viên ưu tú sẽ có nhiều cơ hội phát triển trở thành nhân sự nòng cốt của công ty. Hiện nay, nhiều nhân viên được tuyển dụng qua kỳ thi GSAT đang đảm nhiệm các vị trí quản lý tại công ty", ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam, cho hay.

Trong các năm trước, công ty chủ yếu tuyển nhân lực cho các nhà máy sản xuất, tuy nhiên, năm nay mở rộng tuyển chọn nhân lực chất lượng cao cho các Trung tâm nghiên cứu. Đây được xem là giải pháp cho vấn đề thiếu hụt nhân sự chất lượng cao, đặc biệt trong bối cảnh các doanh nghiệp đẩy mạnh chuyển đổi số.

"Cách đây 5 năm, hầu như các công ty cung cấp nhân sự không có hẳn một bộ phận riêng để tuyển nhân viên công nghệ chất lượng cao nhưng giờ thì có. Điều này cho thấy nhu cầu rất lớn. Số lượng nhân tài công nghệ ở Việt Nam cũng đang tăng dần, đặc biệt là ở thế hệ trẻ. Đây cũng là một phần lý do thu hút các doanh nghiệp FDI đến Việt Nam", ông Andree Mangels, Tổng Giám đốc ManpowerGroup Vietnam, nhận định.

Cũng theo đại diện Tập đoàn cung cấp dịch vụ nhân sự ManpowerGroup Việt Nam, để giữ chân người lao động, các doanh nghiệp cần chú ý đến yếu tố linh hoạt, bao gồm cả trong giờ giấc, địa điểm làm việc và kỳ nghỉ hàng năm. Đây là mối quan tâm mới của người lao động kể từ sau đại dịch COVID-19.

Theo PV

VTV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên