Bức tranh tối - sáng trong ngành sách: Biên lợi nhuận chỉ 3% nhưng thị trường còn rất lớn, 50% sách phân phối qua TMĐT, đã có nhiều tác giả viết sách bằng tiếng nước ngoài
Đường sách sắp hiện diện ở Cần Thơ, nhiều tác giả trẻ viết bằng tiếng Anh không chỉ phục vụ độc giả trong nước mà cả nước ngoài..., đó là những tia sáng le lói trong ngành sách Việt Nam.
Ông Lê Thanh Hà - giám đốc NXB Đại Học Sư Phạm TP.HCM, từng đưa ra con số rằng đại bộ phận các nhà xuất bản đều thiếu trước hụt sau, luôn phải gồng mình để tồn tại với cơ chế tự hạch toán và tự chủ tài chính.
Ảnh: Tuổi Trẻ
Theo ông Chu Văn Hòa - cục trưởng Cục Xuất bản, in & phát hành (Bộ TT-TT), hiện chỉ có 24/63 NXB (chiếm 38,1%) đảm bảo đủ điều kiện hoạt động theo quy định của Luật xuất bản. Trong số 39 NXB chưa đủ điều kiện hoạt động thì có đến 36 NXB thiếu vốn.
Mới đây, trong cuộc gặp gỡ với chúng tôi, anh Nguyễn Tuấn Quỳnh, CEO Saigon Books tiết lộ, trong lần xuất bản đầu tiên, nhà xuất bản chỉ có lợi nhuận khoảng 3-5% trong khi mức chiết khấu cho khâu phân phối rất lớn, chiếm đến 50% giá sách trên bìa. Trong những lần tái bản, con số lợi nhuận có thể tăng lên.
Công ty xuất bản không có lợi nhuận cao nên trong vòng “quanh quẩn”
Anh Tuấn Quỳnh cho biết, vì lợi nhuận của nhà xuất bản không cao nên kéo theo các hệ lụy như:
- Trả lương nhân viên trong ngành xuất bản không cao.
- Nhân lực thiếu những cá nhân ưu tú, xuất sắc vì khó chiêu mộ được nhân tài.
- Chất lượng sách vẫn còn hạn chế, do thiếu nhân lực giỏi.
Phân phối trong ngành sách: Chủ yếu là ký gửi
Anh Quỳnh chia sẻ thêm, hiện phân phối sách chủ yếu qua 3 hình thức: Qua các nhà sách, các trang thương mại điện tử và tự bán.
Qua nhà sách hay các sàn thương mại điện tử chủ yếu là hình thức ký gửi. Nghĩa là gửi bán được bao nhiêu thì bán, số còn lại, nhà sách sẽ thu về. Nhà sách và các sàn thương mại điện tử thu chiết khấu từ những cuốn bán được.
Có một thực trạng mà anh Quỳnh nhắc đến, đó là người muốn mua sách thường đến nhà sách xem qua, rồi lại đặt online, thể hiện xu hướng tiêu dùng ngày nay. Và Saigon Books, một công ty trẻ mới ra đời 2 năm và có 30 nhân sự, hiện đang phân phối tới 50% sản phẩm trên các trang thương mại điện tử.
Khó khăn lớn nhất đối với Saigon Books, vẫn là đầu ra cho sản phẩm trong bối cảnh ngày nay. Hiện Saigon Books đang phân phối chủ yếu qua các trang thương mại điện tử và qua kênh nhà sách.
Tuy vậy, đang có những điểm sáng trong ngành sách
Theo anh Quỳnh, thị trường sách đang có những điểm đáng lạc quan.
Thứ nhất là dư địa trong ngành sách còn rất lớn với dung lượng thị trường khoảng 2.800 tỷ đồng vào năm 2017. Đây cũng là cơ hội lớn để các nhà doanh nghiệp liên quan đến sách có thể phát triển.
Thứ hai, đang xuất hiện những công ty sách mới, mở ra những hướng đi ngách phù hợp với xu thế, đáp ứng nhu cầu đọc của người trẻ như truyện tranh, truyện tranh lịch sử…
Thứ ba, các đường sách đang đóng góp vào sự phát triển của ngành sách. Hiện đã có đường sách tại TP HCM, Hà Nội. Sắp tới, nhà sách sẽ có ở Cần Thơ.
Thứ tư, Việt Nam đang có những tác giả viết sách bằng tiếng nước ngoài, không chỉ phục vụ độc giả trong nước mà cả ngoài nước.
Thứ nữa, chuyện Trung Nguyên tặng sách khởi nghiệp cho độc giả cũng là một cú hích trong ngành sách, nhằm khuyến khích giới trẻ yêu sách và đọc sách.