Bùng nổ Covid-19 cùng thời điểm lẫn quy mô, Italy và Hàn Quốc lại chênh lệch lớn về số người tử vong với cách chống dịch khác biệt
Italy phong tỏa cả nước và có hơn 1.000 người thiệt mạng vì nhiễm Covid-19. Ngược lại, Hàn Quốc chỉ cách ly vài nghìn cư dân và ghi nhận 67 người tử vong. Trong khi đại dịch tiếp tục diễn biến khó lường trên toàn cầu, cách xử lý của Italy và Hàn Quốc cho thấy những thách thức và con đường mà các quốc gia phải lựa chọn.
Khi dịch bệnh tấn công một quốc gia, rất khó để dự đoán chính xác nó sẽ lan rộng đến đâu. Việc xét nghiệm tất cả những người có triệu chứng cũng là điều không tưởng. Vì vậy, chính phủ nhiều nước chỉ còn cách phong tỏa vùng dân cư để ngăn chặn virus lây lan, nhưng thực hiện với quy mô thế nào là cả một chiến lược.
Italy ban đầu xét nghiệm đông đảo người dân. Tuy nhiên, thay vì tiếp tục thực hiện hàng trăm ngàn lần kiểm tra như vậy, chính phủ đã cho cách ly "vùng đỏ" - tâm dịch phía Bắc, sau đó mở rộng lệnh phong tỏa cho cả đất nước 60 triệu dân. Cái giá phải trả cho việc này là không thể chủ động tìm kiếm và điều trị nhanh người bệnh, và các cư dân không tránh khỏi cảm giác bức bối. Ngay cả Giáo hoàng Francis - người bị cảm trong thời gian gần đây - cũng nói ông thấy như "bị cầm chân trong thư viện".
Italy phong tỏa cả nước, trong khi Hàn Quốc xét nghiệm rộng khắp.
Cách đó hàng ngàn cây số, Hàn Quốc phản ứng khác biệt trước một ổ dịch có quy mô lớn không kém. Giới chức tiến hành hàng trăm ngàn lần xét nghiệm và truy tìm những người có nguy cơ mắc bệnh với phương pháp như thám tử điều tra - thực hiện hàng loạt cuộc gọi và sử dụng công nghệ vệ tinh.
Theo Reuters, cả Italy lẫn Hàn Quốc đều phát hiện ca nhiễm Covid-19 đầu tiên từ cuối tháng 1. Nhưng đến nay, Hàn Quốc báo cáo hơn 8.000 người nhiễm bệnh, 67 người tử vong sau khi xét nghiệm hơn 220.000 người. Trong khi đó, Italy đã có hơn 15.000 người nhiễm, 1.016 người tử vong sau khi thực hiện 73.000 lần xét nghiệm trên số người không rõ (một số cá nhân có thể đã được xét nghiệm nhiều lần).
Các nhà dịch tễ học luôn nói rằng việc so sánh các số liệu sẽ không dẫn đến đánh giá chuẩn xác. Tuy nhiên, dễ nhận ra hậu quả mà Covid-19 để lại ở hai quốc gia này đang chênh lệch nhau quá lớn. Nó còn cho thấy việc tiến hành xét nghiệm trên diện rộng và kéo dài có thể là một "vũ khí" mạnh mẽ để chống lại virus.
Jeremy Konydyk - chuyên gia cao cấp tại Trung tâm Phát triển Toàn cầu ở Washington - nhận định việc xét nghiệm ở quy mô lớn có thể giúp các quốc gia nhìn thấy bức tranh toàn cảnh khi dịch bùng phát. Ngược lại, nếu chuyện này bị giới hạn, giới chức sẽ phải tiến hành biện pháp kiềm chế khác như là cấm di chuyển.
Xét nghiệm hàng loạt: lợi - hại trong cách chống dịch của Hàn Quốc
Chính phủ Hàn Quốc cho biết họ đã rút ra bài học đắt giá từ dịch MERS năm 2015. Lần này, nhà chức trách quyết định tìm kiếm và cung cấp thông tin nhiều nhất có thể cho người dân. Họ cũng dấn thân vào kế hoạch xét nghiệm quy mô "khủng", tiến hành kiểm tra những người có triệu chứng rất nhẹ, thậm chí không có triệu chứng nhưng đã tiếp xúc với nguồn truyền nhiễm.
Chính phủ ban hành các luật định để có thể truy vấn vào nguồn dữ liệu khổng lồ: camera an ninh, thiết bị GPS trên điện thoại và ô tô, giao dịch thẻ tín dụng, thông tin xuất nhập cảnh và cả một số thông tin khác của người đã xác nhận nhiễm Covid-19. Kế đó, giới chức có thể công bố một số thông tin nói trên, giúp công chúng biết mình có nguy cơ tiếp xúc gần gũi với người nhiễm hay không. Nếu có, họ hoặc gia đình, bạn bè của mình sẽ chủ động đi kiểm tra.
Người mắc Covid-19 được nhắc tới nhiều nhất là "Bệnh nhân số 31", thành viên giáo phái Tân Thiên Địa. Theo Thứ trưởng Y tế Kim Gang-lip, giáo phái này liên quan đến 61% trường hợp nhiễm bệnh ở Hàn Quốc.
Ngay khi xác định được cụm lây nhiễm này, giới chức đã đặt 50 điểm kiểm tra "tức thời" khắp cả nước. Người dân chỉ cần ngồi trên xe vẫn được kiểm tra thân nhiệt và lấy mẫu bệnh phẩm nếu cần thiết. Toàn bộ quy trình chỉ tốn khoảng 10 phút. Các bệnh phẩm sau đó chuyển về 117 viện nghiên cứu có đủ thiết bị để làm xét nghiệm Covid-19, theo thông tin từ KCDC (Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh). Số mẫu được làm xét nghiệm có thể thay đổi theo từng ngày, nhưng nhìn chung ở mức từ 12.000 đến 20.000 mẫu.
Bên cạnh tìm kiếm người cần làm xét nghiệm, hệ thống dữ liệu của Hàn Quốc còn giúp các bệnh viện giảm tải đáng kể. Khi một người dương tính với virus, họ không nhập viện ngay mà tự cách ly, đồng thời được giám sát từ xa thông qua ứng dụng điện thoại cho đến khi bệnh viện có giường trống. Lúc ấy, xe cứu thương sẽ đến tận nhà và đưa bệnh nhân vào thẳng phòng cách ly. Toàn bộ quá trình giúp hạn chế nguy cơ lây nhiễm ở cộng đồng dân cư và nhất là ở bệnh viện. Ngoài ra, tất cả chi phí phát sinh đều do nhà nước chi trả.
Người Hàn có thể được xét nghiệm nhanh trong 10 phút
Nếu phát hiện nhiễm bệnh, họ phải tự cách ly và chờ nhập viện.
Dĩ nhiên, cách làm của Hàn Quốc cũng không phải hoàn hảo. Trong hơn 209.000 người âm tính với virus, có khoảng 18.000 người cần làm xét nghiệm kĩ hơn. Vì vậy, số lượng người nhiễm Covid-19 trên thực tế có thể cao hơn mức được công bố.
Dù sao thì tỷ lệ nhiễm Covid-19 mới ở Hàn Quốc đang hạ dần sau khi đạt đỉnh vào giữa tháng 2. Tuy nhiên, hệ thống xét nghiệm hàng loạt vẫn phải duy trì để theo dõi và khống chế các cụm lây nhiễm mới. Ngoài ra, Hàn Quốc hiện không đủ dụng cụ bảo hộ; và họ cần thêm nhân viên có chuyên môn để thực hiện các bài xét nghiệm tiếp theo. Mặt khác, việc truy vấn và công bố thông tin cá nhân của người nhiễm Covid-19 cũng đặt ra những câu hỏi về quyền riêng tư.
Tuy nhiên, xứ sở kim chi đã chọn lựa con đường như vậy vì cho rằng, những biện pháp truyền thống như phong tỏa vùng dịch và cách ly bệnh nhân chỉ có hiệu quả hạn chế - theo Thứ trưởng Y tế Kim Gang-lip.
Từ kinh nghiệm của Hàn Quốc, ông Kim cho rằng việc phong tỏa sẽ khiến các cá nhân ít chủ động hơn trong việc báo cáo các nguồn lây nhiễm mà mình đã tiếp xúc (ví dụ như đã gặp gỡ với bệnh nhân hay từng đến cụm lây nhiễm nào). "Những biện pháp đó mang tính cưỡng chế và không linh hoạt"- ông Kim bác bỏ tính hiệu quả của việc phong tỏa, cách ly.
Italy giới hạn số lượng xét nghiệm nhưng các bệnh viện vẫn quá tải, y bác sĩ lâm nguy
Italy và Hàn Quốc cách xa 5.000 dặm nhưng lại có nhiều điểm chung khi nói về... dịch Covid-19. Ở hai nước này, dịch đều bùng phát từ một thị trấn/thành phố nhỏ thay vì đô thị lớn, nên tạo ra mối đe dọa đối cơ sở y tế địa phương.
Dịch bệnh ở Italy bắt đầu lan rộng từ tháng trước, với bệnh nhân đầu tiên được xác nhận là anh Mattia, 38 tuổi, sống tại thị xã Lodi thuộc vùng Lombardy phía Bắc đất nước. Mattia có triệu chứng cảm, nhưng không được làm xét nghiệm ngay từ đầu do chưa từng đến Trung Quốc.
Sau đó, Mattia đến trạm xá lần nữa vì các triệu chứng mãi không hết. Một bác sĩ quyết định vượt qua hướng dẫn lúc đó của cơ quan y tế quốc gia, cho bệnh nhân xét nghiệm với virus dù anh này không trở về Trung Quốc hay nước có vùng dịch nghiêm trọng. Kết quả là dương tính. Đến nay, một số chuyên gia tin rằng Mattia có thể đã lây nhiễm từ người ở Đức trở về Italy.
Ngay sau đó, các quan chức y tế vùng Lombardy đã cho xét nghiệm quy mô lớn, đối với cả những người không có triệu chứng. Con số nhiễm Covid-19 tăng liên tục, trong khi hạ tầng y tế đã bắt đầu quá tải.
Vài ngày sau, Italy thay đổi đường lối, quyết định chỉ xét nghiệm những ai có triệu chứng. Giới chức nói rằng, người không có triệu chứng thì nguy cơ lây nhiễm thấp. Vì vậy, họ chọn ra nhóm đối tượng cần ưu tiên kiểm tra, với hi vọng số lượng xét nghiệm ít thì kết quả sẽ nhanh và chính xác hơn. Nhưng biện pháp này tồn tại một rủi ro lớn: người không có triệu chứng vẫn có thể nhiễm bệnh và lan truyền virus!
Mặt khác, cứ xét nghiệm thì sẽ có thêm nhiều người bệnh được xác nhận. Điều này gây áp lực cho hệ thống bệnh viện - theo chuyên gia Massimo Antonelli từ bệnh viện đa khoa lớn thứ nhì Italy (BV Đại học Gemelli) cho biết. Italy hiện không đủ cơ sở vật chất để chữa trị cho lượng bệnh nhân ngày càng tăng lên.
Italy nhìn chung sở hữu hệ thống y tế khá hiệu quả, theo nhiều nghiên cứu quốc tế. Tổng chi tiêu cho y tế chiếm khoảng 8,9% GDP, thấp hơn mức trung bình của các nước Liên minh châu Âu nhưng cao hơn Hàn Quốc (chi khoảng 7,3% GDP), theo số liệu từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Dẫu vậy, tình trạng ngày càng mất cân bằng ở Italy. Nhân viên y tế liên tục bị gọi đến phòng cấp cứu, ngày nghỉ của họ đều phải hủy bỏ, các ca phẫu thuật không khẩn cấp cũng dời lại. Tất cả thời gian của y bác sĩ đều dồn về phòng điều trị tích cực, nơi bệnh nhân Covid-19 đang nằm kín chỗ.
Bệnh nhân Covid-19 trong một phòng điều trị tích cực ở phía Bắc Italy.
Pier Luigi Viale - người đứng đầu khoa truyền nhiễm tại Bệnh viện Sant’ Orsola-Malpighi - cho biết ông và các đồng nghiệp đang phải "phân thân" cho 3 nhiệm vụ khác nhau. Một, điều trị lượng lớn người nhiễm Covid-19. Hai, hỗ trợ các bệnh viện không chuyên về truyền nhiễm và các phòng khám khác. Ba, cấp cứu cho bệnh nhân mắc những bệnh khác cũng đang nguy kịch.
"Nếu tình trạng kéo dài nhiều tuần hay thậm chí nhiều tháng tới, chúng tôi sẽ cần chi viện nhiều hơn nữa" - bác sĩ Pier Luigi Viale nói với Reuters.
Tuần trước, thị trưởng của Castiglione d’Adda - một thị trấn 5.000 dân nằm trong "vùng đỏ" bị cách ly đầu tiên ở phía Bắc Italy - đã kêu gọi hỗ trợ khẩn cấp. Ông nói thị trấn đã phải đóng cửa các bệnh viện, vì chỉ còn một bác sĩ duy nhất điều trị cho hơn 100 người nhiễm virus corona. 3 bác sĩ khác của địa phương đã nhiễm bệnh hoặc tự cách ly.
"Các y bác sĩ đang đi tới giới hạn chịu đựng" - một y tá cho biết. "Nếu bạn phải sắp xếp cho một bệnh nhân thở máy, bạn phải theo dõi sát sao và không thể ứng phó với những ca khác đang đổ dồn về".
Hình ảnh nữ y tá ở Italy gục xuống bàn làm việc khiến cả thế giới xúc động.
Các nghiên cứu hiện tại cho thấy trung bình mỗi bệnh nhân nhiễm virus có thể lây truyền cho 2 người. Vì vậy, chính quyền các địa phương thuộc tâm dịch Lombardy cảnh báo, cơ sở y tế sẽ còn chịu khủng hoảng hơn nếu việc lây nhiễm cứ tiếp tục. Không chỉ bệnh nhân Covid-19 mà tất cả bệnh nhân nói chung đều bị trì hoãn chữa trị. Ngoài ra, nếu dịch lan xuống các vùng miền Nam ít thịnh vượng hơn, tình hình sẽ càng nghiêm trọng.
Hiện tại, Italy có khoảng 5.000 giường điều trị tích cực (ICU). Thông thường, cứ đến mùa đông là các phòng này lại kín chỗ do có nhiều người gặp vấn đề hô hấp. Chính quyền đã yêu cầu các bệnh viện bổ sung 50% số giường trong phòng ICU, cũng như điều động bác sĩ từ khoa khác đến hỗ trợ.
Một trong những khó khăn khác là Italy đang trông chờ cả vào nhân viên y tế để truy vết nguồn gốc lây nhiễm. (Trong khi ở Hàn Quốc đã tổ chức chuyên biệt 130 viên chức phụ trách việc này, họ dựa vào hệ thống dữ liệu cập nhật từng phút để truy vết nguồn lây nhiễm và yêu cầu người dân đi xét nghiệm nếu cần thiết).
Một bác sĩ ở thành phố Bologna cho biết, ông đã dành hết 12 tiếng đồng hồ để tìm hiểu xem một bệnh nhân Covid-19 tiếp xúc với những ai. Bác sĩ bày tỏ: "Bạn có thể làm việc đó khi chỉ có 2-3 ca nhiễm. Nhưng nếu con số tăng lên thì đành phải hi sinh thôi. Hệ thống bệnh viện sẽ không thể chống đỡ nếu ca nhiễm cứ gia tăng chóng mặt, còn bác sĩ chúng tôi lại kiêm luôn tất cả mọi việc".
(Theo Reuters)
Báo Dân sinh