MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bùng nổ cuộc chiến giành khán giả giữa công nghiệp giải trí truyền thống và streaming

Một sự kiện ký kết mới đây giữa đạo diễn nổi tiếng Martin Scorsese với Apple đã đánh dấu một bước ngoặt mới về tiềm năng của thị trường streaming (truyền phát trực tiếp) trong tương lai.

Martin Scorsese - một đạo diễn, nhà sản xuất phim, biên kịch và diễn viên của điện ảnh Mỹ gốc Ý, được biết tới nhiều nhất qua vai trò đạo diễn các bộ phim hình sự - tội ác như Taxi Driver (1976), Goodfellas (1990) hay The Departed (2006) – mới đây đã ký một thỏa thuận quyền từ chối đầu tiên với Apple. Điều này có nghĩa là Scorsese sẽ cho Apple quyền được ưu tiên giao dịch với dự án phim và chương trình truyền hình sắp tới của ông. 

Sự kiện này đánh dấu một bước ngoặt về tiềm lực tài chính của các công ty công nghệ streaming, khi mà mục tiêu của họ đang là giành giật khán giả từ công nghiệp giải trí truyền thống.

Quyền từ chối đầu tiên (ROFR) là quyền theo hợp đồng để tham gia vào một giao dịch kinh doanh với một cá nhân hoặc tổ chức trước khi cá nhân hoặc tổ chức đó tiến hành giao dịch với bất kì ai khác. Nếu bên có quyền này từ chối tham gia giao dịch, bên giao ước sẽ được tự do giao dịch với các lời đề nghị khác.

Sự kiện này cũng tương tự như một thỏa thuận khác với công ty sản xuất phim của ngôi sao hạng A tại Hollywood - Leonardo DiCaprio; cả hai sự kiện đều cùng một mục đích để Apple tăng sức hấp dẫn cho dịch vụ Apple TV+ của hãng.

Một chương trình chất lượng cao là vũ khí quan trọng trong cuộc chiến giành người xem. Những công ty có nguồn lực tài chính tốt có thể thực hiện các thương vụ độc quyền lớn, cả trên trực tuyến và ngoài đời thực.

Netflix đã có một thỏa thuận kỷ lục trị giá 300 triệu USD với Ryan Murphy, tác giả của các chương trình ăn khách bao gồm Glee, Nip/Tuck và American Horror Story, cũng như với Peter Morgan - tác giả của The Crown. Amazon cũng đạt được một thỏa thuận với Phoebe Waller-Bridge - tác giả của Fleabag và Amy Sherman-Palladino, tác giả của Gilmore Girls.

Sự cạnh tranh trong thị trường đã gia tăng đáng kể trong năm nay khi các công ty truyền thông lớn nhất thế giới cũng gia nhập thị trường. 

Sự xuất hiện của HBO Max (thuộc WarnerMedia) và Peacock (thuộc NBCUniversal), cũng như sự thành công của Disney+, đang góp phần thúc đẩy tình trạng "siêu lạm phát" với giá trị của các sản phẩm nội dung. WarnerMedia đã trả 425 triệu USD để có thể chiếu Friends trong 5 năm - số tiền cao hơn cả giá mà Netflix đã mua, cũng là nơi mà chương trình truyền hình này nổi tiếng nhất.

Trong khi đó, các đài truyền hình truyền thống lại thường thiếu nguồn lực để cạnh tranh và sợ rằng đến cuối cùng, các giao dịch với số tiền khổng lồ như vậy có thể đe dọa tới bản sắc quốc gia, khi những giá trị văn hóa bị đánh đổi với thương vụ được trả giá cao nhất. 

Năm ngoái, cựu giám đốc BBC Mark Thompson đã cảnh báo về việc mua lại một số nội dung, sản phẩm đồng nghĩa với việc nước Anh phải đối mặt với sự mất chủ quyền hoàn toàn về văn hóa. 

Cũng như cách mà Thung lũng Sillicon đã chiếm thế thống lĩnh cuộc sống hiện đại trên mạng bây giờ, từ mạng xã hội tới tìm kiếm trên internet, mua sắm online, thời kỳ hoàng kim của streaming cũng có thể dẫn đến một sự thay đổi không thể cưỡng lại. Đó chính là sự chuyển giao quyền lực trong ngành truyền hình phim ảnh cho các nhóm phương tiện truyền thông nhỏ hơn và cho các gã khổng lồ công nghệ.

T. Hạnh

The Guardian

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên