MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Buổi họp lớp sau 25 năm giúp tôi nhận ra thành bại trong đời của 1 người không phụ thuộc xuất phát điểm, mà nằm ở việc hiểu thấu 'quy tắc 3/7' này

11-02-2023 - 13:09 PM | Sống

Sau khi tốt nghiệp nhiều người chỉ biết vội vã đi làm vì thấy tất cả mọi người đều như vậy mà không có định hướng cụ thể, giống như họ đang bơi nhưng thực chất chỉ trôi theo dòng nước mà không biết mình sẽ đi về đâu.

Đã lâu không gặp, bạn học cũ, bạn có khỏe không?

Tôi đến bữa tiệc kỷ niệm 25 năm ngày tốt nghiệp THCS của mình với rất nhiều mong đợi. Không phải là tôi đặc biệt thích giao du, nhưng tôi chỉ muốn xem mọi người thế nào.

Ngày rời ghế nhà trường, chúng ta đều ở trên cùng một vạch xuất phát, nhưng sau bao năm tháng, có người càng tiến càng xa, có người đi lùi, có người đứng yên. Số phận cho chúng ta hy vọng, và dường như cũng chơi đùa với chúng ta. Quan sát những người bạn năm nào, nhìn nhận sự khác biệt giữa họ, tôi càng thấm quy tắc được gọi là “lý thuyết 3/7” tạo nên thành công 10 điểm của một người trong từng khía cạnh.

Ngoại hình 3 điểm, khí chất 7 điểm

Bạn cùng lớp Tiểu Mỹ khi trước thường bị chúng tôi gọi là “ốc sên” vì chỉ cao 1m5, thường xuyên chảy nước mũi, không hề ưa nhìn chút nào. Nhưng giờ đây cô ấy lại vô cùng tự tin, nổi bật giữa đám đông, có công việc tốt nhờ khiếu thẩm mỹ hơn người của mình. Tiểu Mỹ chỉ ngắn gọn chia sẻ bí quyết của mình, đó là “tập trung vào khí chất”. Tiểu Mỹ biết loại giày nào đi với quần áo nào, quần áo nào mặc vào mùa nào, trang điểm phù hợp với kiểu thời tiết, tất cả đều là thế mạnh của cô.

Có ai đó từng nói rằng: "Nếu bạn có thể làm một việc gì đó tùy tiện, thì những người khác sẽ đối xử với bạn bằng thái độ tùy tiện."

Buổi họp lớp sau 25 năm giúp tôi nhận ra thành bại trong đời của 1 người không phụ thuộc xuất phát điểm, mà nằm ở việc hiểu thấu quy tắc 3/7 này - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa)

Khi bạn coi trọng ngoại hình của mình, bạn sẽ thấy mình tự tin hơn. Vẻ ngoài chỉn chu sẽ khiến những người xung quanh ưu ái và tin tưởng bạn. “Ăn diện” không xấu, người không quan tâm đến vẻ bề ngoài mới không khai thác hết tiềm năng của mình.

3 điểm cho sự may mắn, 7 điểm cho sự chăm chỉ

Lão Lý chỉ học hết cấp 2 nhưng hiện lại là giáo viên trường dạy nghề. Điều này khiến chúng tôi không khỏi bất ngờ. Lão Lý chia sẻ khi làm việc trong xưởng sản xuất thì gặp một người quản lý tốt bụng. Người này mở một lớp đào tạo kỹ năng, Lão Lý miệt mài học tập, sau 2 năm thì đứng trên bục giảng với tư cách giáo viên, thu nhập rất ổn.

Lão Lý nói mình may mắn, nhưng tôi hiểu rằng cậu bạn đã phải dứt khoát từ bỏ công việc cũ để học tập và nỗ lực thế nào. Nhiều người tham dự buổi họp lớp chỉ để ghen tỵ với người thành công, nói vài lời châm chọc với người giàu có, cho rằng họ khoe khoang. Sự thật là bạn chẳng nhìn thấy được họ đã ở đâu, làm những gì, đổ bao nhiêu mồ hôi.

Buổi họp lớp sau 25 năm giúp tôi nhận ra thành bại trong đời của 1 người không phụ thuộc xuất phát điểm, mà nằm ở việc hiểu thấu quy tắc 3/7 này - Ảnh 2.

(Ảnh minh họa)

Cây tre phát triển từ mầm, khi mới mọc thì 4 năm chỉ tăng thêm 3 cm.Nhưng khi đến năm thứ 5, nó sẽ phát triển một cách điên cuồng với tốc độ 30 cm mỗi ngày, và chỉ mất 6 tuần sau đó để đạt chiều cao 15 mét.

Sự khác biệt trong sự nghiệp của một người không nằm ở xuất phát điểm mà nằm ở việc bạn tiến được xa bao nhiêu. Và bạn sẽ thấy rằng khi không có gì trong tay, chỉ cần chăm chỉ đến một mức độ nhất định, vận may sẽ đến.

Cần mẫn 3 điểm, định hướng 7 điểm

Lão Trương từng làm việc trong nhà máy Thâm Quyến 10 năm, sau đó lại trở về quê trồng rau và chăn nuôi. Lão Trương rất chăm chỉ nhưng từ khi ra trường không có mục tiêu gì cụ thể, quyết định “nhảy việc” về quê cũng khá tùy hứng, kết quả là giờ U40 rồi vẫn chưa ổn định cuộc sống.

Nghe chuyện của Trương làm tôi nhớ đến nhà khảo cổ học Heinrich Schliemann, người có cuộc đời ngược với bạn học của tôi. Từ khi còn là thiếu niên, Schliemann đã lên kế hoạch khai quật thành Troy nhưng tại thời điểm đó ông không có tiền. Nhà khảo cổ học này giữ bí mật về lý tưởng của mình. Ông miệt mài kinh doanh và trở thành người giàu có, khi đó mới bắt đầu công cuộc khảo cổ mình đam mê.

Buổi họp lớp sau 25 năm giúp tôi nhận ra thành bại trong đời của 1 người không phụ thuộc xuất phát điểm, mà nằm ở việc hiểu thấu quy tắc 3/7 này - Ảnh 3.

(Ảnh minh họa)

Sau khi tốt nghiệp nhiều người rơi vào tâm trạng hoang mang, chỉ biết vội vã đi làm vì thấy tất cả mọi người phải đi làm. Họ không có định hướng lâu dài, không tính đến việc phải làm gì cụ thể để phát triển mà giống như chỉ tích cực bơi theo dòng nước, kết quả là còn không biết mình đang trôi về đâu. Như vậy còn nguy hiểm hơn những người đi chậm để biết mình đang đam mê gì và cần làm gì cho tương lai.

Người có đầu óc luôn có mục tiêu cụ thể, lập kế hoạch và thực hiện tuần tự để cuộc sống không lộn xộn. Như vậy vài năm họ lại có một bước nhảy vọt, tăng lương, thăng chức, mở doanh nghiệp, phát triển vượt trội so với nhiều người đồng trang lứa.

3 điểm tùy gia, 7 điểm tùy mình

Trong lớp học luôn có những người xuất phát điểm cao hơn do gia thế đáng ngưỡng mộ, hoặc khi kết hôn họ nhận được sự hậu thuẫn lớn từ gia đình vợ/chồng. Có người tận dụng thành công lợi thế đó để phát triển, trở thành lãnh đạo kế nghiệp hoặc tự thân làm giàu, nhưng đó là mặt tốt. Còn người chỉ biết vịn vào bước đệm đó mà không “tự lực cánh sinh”, sẽ có lúc họ chẳng còn gì trong tay.

Buổi họp lớp sau 25 năm giúp tôi nhận ra thành bại trong đời của 1 người không phụ thuộc xuất phát điểm, mà nằm ở việc hiểu thấu quy tắc 3/7 này - Ảnh 4.

(Ảnh minh họa)

Hoa khôi của trường Vương Nguyệt từng là người được nhiều cô gái trong lớp tôi ngưỡng mộ. Sau khi tốt nghiệp, cô cưới con trai 1 vị lãnh đạo, dễ dàng vào làm việc tại một cơ quan nhà nước. Khi chúng tôi đang miệt mài với công việc, cô ấy đang ngồi thoải mái trong văn phòng uống cà phê và xem phim truyền hình.

Thế nhưng đến lúc thời thế thay đổi, bố mẹ chồng Vương Nguyệt về hưu, cô bị đưa vào danh sách điều chỉnh nhân sự do khả năng yếu kém. Đang lúc hoảng hốt cô lại phát hiện chồng mình không còn chung thủy. Ngẫm lại câu nói của nhà văn Stefan Zweig lúc này quả thật đúng với hoàn cảnh của Vương Nguyệt: "Tất cả những món quà của số phận đều được định giá một cách bí mật".

Phương Linh

Thể thao & văn hóa

Trở lên trên