Bứt phá mạnh mẽ, Việt Nam vượt hẳn Malaysia, Thái Lan và vượt xa Trung Quốc trong cuộc đua này
Năm 2016, Việt Nam tiếp tục được đánh giá là một trong những địa điểm hấp dẫn nhất đối với nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
- 15-02-2017Việt Nam gặp khó thu hút FDI khi vốn đầu tư toàn cầu “chảy” về Mỹ?
- 12-02-2017Vốn FDI từ Trung Quốc rót mạnh vào Việt Nam tháng đầu năm
- 10-02-2017Gần 70% kim ngạch xuất khẩu rơi vào doanh nghiệp FDI
Xu hướng mở rộng kinh doanh của khối FDI
Phát biểu tại Lễ công bố Báo cáo thường niên Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2016 sáng nay (14/3), GS. Edmund Malesky đến từ ĐH. Duke – Hoa Kỳ cho biết kết quả điều tra doanh nghiệp nước ngoài PCI – FDI năm 2016 cho thấy nhiều tín hiệu tốt. Theo đó, trong 2 năm qua, những thay đổi về pháp luật đã tạo ra một môi trường kinh doanh thân thiện hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài.
“Những cải cách này đã gặt hái được thành quả, gia tăng sự lạc quan của giới đầu tư nước ngoài và triển vọng mở rộng sản xuất kinh doanh lớn”, vị GS đến từ Mỹ cho hay.
Ông cũng cho biết thêm, kết quả điều tra 1.550 doanh nghiệp FDI trên cả nước cho thấy có 11% doanh nghiệp đã tăng đầu tư hoạt động, 63% đã tuyển thêm lao động mới.
Theo nhiệt kế doanh nghiệp, tâm lý lạc quan về kế hoạch mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh trong hai năm tới đã tăng lên nhanh chóng. Năm vừa qua, hơn một nửa số doanh nghiệp trong mẫu điều tra PCI-FDI cho biết có ý định tăng quy mô hoạt động, mức cao nhất kể từ năm 2010.
Trên thực tế, Việt Nam tiếp tục được đánh giá là một trong những địa điểm hấp dẫn nhất đối với nguồn vốn FDI. Theo FDi Intelligence, chuyên trang phân tích thống kê về FDI thuộc tờ Fiancial Times, năm 2016 là năm thứ 2 liên tiếp Việt Nam đứng đầu các nền kinh tế mới nổi trong Chỉ số Đầu tư mới (Greenfield Investment Index).
Chỉ số này được tính toán xếp hạng dựa trên tỷ lệ nguồn vốn đầu tư mới trên toàn cầu của một quốc gia so với tỷ lệ GDP toàn cầu của quốc gia đó. Việt Nam được tổ chức này chấm 6,45 điểm, nghĩa là đã thu hút lượng vốn đầu tư mới hơn 6 lần so với mức kỳ vọng từ tỷ lệ đóng góp trong sản lượng toàn cầu, giúp Việt Nam bứt lên hẳn so với những đối thủ cạnh tranh gần nhất của mình như Hungary (4,32), Romania (3,48), Malaysia (2,86), Thái Lan (2,43) và vượt xa Trung Quốc (0,41).
Thông điệp này rất rõ ràng. Theo đó, trong cuộc đua về đầu tư toàn cầu, Việt Nam đã vượt lên chính mình, thu hút được nhiều nguồn vốn hơn mức có thể dự báo từ tốc độ phát triển của chính quốc gia.
Tờ Wall Street Daily đã có bài viết với tựa “Đã tới lúc đầu tư vào Việt Nam", thông tin viên đặc biệt Carl Delfeld tuyên bố thẳng thắn: “Nhìn trên toàn cảnh thế giới hiện nay, thị trường tốt nhất mà tôi có thể tìm thấy chính là Việt Nam”.
Vẫn cần nỗ lực hơn nữa…
Dù đã có nhiều kết quả khả quan, nhưng GS. Edmund Malesky vẫn nhận xét rằng Việt Nam cần nhiều nỗ lực hơn nữa để đơn giản hoá các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp sau giai đoạn thành lập.
Cụ thể, năm 2016, 72% doanh nghiệp phản ánh họ mất hơn 5% quỹ thời gian trong năm để tìm hiểu và thực hiện các quy định hành chính, nghĩa là thời gian lẽ ra được dùng để quản lý phát triển doanh nghiệp đã bị mất đi.
“Tỉ lệ này cao đáng kể so với mức thấp lịch sử đạt được hồi năm 2010”, GS. Edmund cho biết.
Bên cạnh đó, việc bị thanh kiểm tra nhiều lần cũng gây ảnh hưởng không tốt đến các doanh nghiệp FDI.
“Dù số cuộc thanh, kiểm tra mỗi năm tương đối thấp so với tiêu chuẩn quốc tế, song vẫn còn gần 5% doanh nghiệp FDI bị thanh tra, kiểm tra trên 8 lần. Theo các doanh nghiệp FDI, đứng đầu danh mục phiền hà là các thủ tục về thuế, phí, bảo hiểm xã hội và thủ tục thông quan” – ông cho biết thêm.
Ngoài ra, kết quả khảo sát cũng cho thấy 68% doanh nghiệp FDI tin rằng các doanh nghiệp nhà nước có nhiều đặc quyền đặc lợi hơn. Các doanh nghiệp FDI cũng cho biết họ gặp nhiều khó khăn hơn khi tiếp cận thông tin, tài liệu, phải phụ thuộc nhiều hơn vào các mối quan hệ cá nhân cũng như gặp tình trạng chất lượng thông tin kém ngay cả khi đã lấy được thông tin.
Khoảng 25% các doanh nghiệp FDI thừa nhận rằng họ đã trả tiền bôi trơn để có được giấy phép đầu tư và 13,6% trả hoa hồng khi cạnh tranh để có được các hợp đồng của cơ quan nhà nước. Mặc dù so với năm 2015, 2 tỷ lệ này đều giảm nhưng nó vẫn là luôn là điều lo ngại.