Buýt nhanh nghìn tỷ nguy cơ “vỡ trận”: Bài học lớn về ODA
Nhiều ý kiến của các nhà khoa học cho rằng: Dự án buýt nhanh (BRT) là một bài học đắt giá trong việc sử dụng vốn vay ODA. Trách nhiệm trước tiên thuộc về những người phê duyệt, triển khai dự án của Việt Nam nhưng cũng cần xem trách nhiệm của cá nhân, tổ chức tư vấn quốc tế và nhà tài trợ (Ngân hàng thế giới (WB) tại Việt Nam).
- 30-06-2016Buýt nhanh nghìn tỷ nguy cơ “vỡ trận”: Dự án vẫn làm, sai phạm vẫn xử
- 29-06-2016Buýt nhanh nghìn tỷ nguy cơ “vỡ trận”: Cần làm rõ người chịu trách nhiệm
- 28-06-2016Buýt nhanh nghìn tỷ nguy cơ “vỡ trận”
Nhận “ưu đãi” cũng cần bản lĩnh, trách nhiệm
Trả lời chúng tôi trong tuyến bài “Buýt nhanh nghìn tỷ, nguy cơ vỡ trận”, bà Jung Eun Oh - Trưởng nhóm Giao thông của WB tại Việt Nam cho rằng, dự án buýt nhanh là loại hình giao thông hiệu quả, giá rẻ, được WB phê duyệt với lãi suất thấp, thời gian trả nợ và ân hạn dài.
Về trách nhiệm đối với dự án, bà Jung Eun Oh cho hay: “Việc quản lý và thực hiện các dự án ODA là trách nhiệm của các cơ quan chủ quản, chủ đầu tư và ban QLDA. WB đóng vai trò hỗ trợ thực hiện dự án nhằm đảm bảo nguồn tiền tài trợ được sử dụng đúng mục đích và minh bạch, và tuân thủ các quy định và thủ tục”.
Sau phát biểu của đại diện WB, trong ý kiến gửi cho chúng tôi, Tiến sỹ (TS). Thiếu tướng Nguyễn Quang Bắc, nguyên GĐ Viện Khoa học Công nghệ quân sự (Bộ Quốc Phòng) cho rằng: Với những bế tắc hiện nay của BRT Hà Nội, cần xem xét trách nhiệm của tư vấn thiết kế, phê duyệt chọn thầu tư vấn, phê duyệt sản phẩm của hợp đồng...
“Có thông tin cho biết, các hợp đồng tư vấn được thực hiện dưới sự quyết định và giám sát bởi các quan chức WB tại Hà Nội và các công ty nước ngoài được trao các hợp đồng tư vấn với trị giá tương đương cả một đội xe chất lượng cao” – Tiến sỹ Bắc nói. Ông Bắc cũng dẫn ra những “quả đắng” từ những đề nghị của các nhà tư vấn nước ngoài.
“Dự án BRT thực hiện theo đúng các thủ tục đấu thầu quốc tế và chịu sự giám sát chặt chẽ của WB mà lại đầu con voi ra đuôi con chuột phải chăng là bài học cho những người thiếu kinh nghiệm lần đầu tiên bị dỗ dành đi vào con đường lầm lạc?”
TS Nguyễn Việt Hải.
Các dự án vay ODA kèm các điều kiện bắt buộc mang tính quyết định về công nghệ, sử dụng nhân lực, điều kiện đấu thầu... trở thành rào cản, tăng chi phí dự án đã được các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế nói đến từ lâu.
Ở dự án BRT Hà Nội, đại diện Ban Quản lý dự án BRT Hà Nội cũng xác nhận, các thay đổi quan trọng của BRT đều có sự giám sát và phải có ý kiến của WB.
TS Nguyễn Viết Hải, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ VINASA đặt câu hỏi: Dự án BRT thực hiện theo đúng các thủ tục đấu thầu quốc tế và chịu sự giám sát chặt chẽ của WB mà lại đầu con voi ra đuôi con chuột phải chăng là bài học cho những người thiếu kinh nghiệm lần đầu tiên bị dỗ dành đi vào con đường lầm lạc?
TS Hải đề nghị cần làm rõ trách nhiệm đầu tiên tại các gói thầu tư vấn xây dựng quy hoạch, thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật bản vẽ thi công các hạng mục của công trình; làm rõ sai phạm của nhà thầu và cá nhân tổ chức giám sát, xét duyệt sản phẩm gói thầu.
Tuy nhiên, TS Hải thừa nhận, trước khi xem xét trách nhiệm của các nhà tư vấn quốc tế hay đại diện WB cần xem xét trách nhiệm nghiêm túc của các cá nhân, tổ chức có trách nhiệm phía Việt Nam. “WB hay các nước cho chúng ta vay ODA có điều kiện. Chúng ta có quyền thương lượng, thậm chí từ chối. Vậy người thương lượng hay từ chối phải có trách nhiệm, trình độ và bản lĩnh; khi quyết sai, họ phải chịu trách nhiệm”, TS Hải cho biết.
Rút kinh nghiệm ngay với TP HCM, Đà Nẵng
Tiến sỹ Hải cho hay, với tư cách của những người làm khoa học, ông kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền và chịu trách nhiệm trước nhân dân về đầu tư, nợ công cần xem xét lại một cách nghiêm túc công trình xe buýt nhanh Hà Nội trước khi đưa vào sử dụng vận hành. Việc này đặc biệt cần thiết vì sau dự án BRT Yên Nghĩa – Kim Mã, các dự án buýt nhanh khác tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM. TS Hải cho rằng, các dự án tại các tỉnh thành này có sự “dẫn dắt” của một số nhà tư vấn như ở Hà Nội nên cần làm rõ các kết quả tư vấn thiết kế, quy hoạch, năng lực nhà thầu, hiệu quả triển khai tại các dự án.
Trao đổi với chúng tôi sáng 12/7, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho hay dự án buýt nhanh sẽ tiếp tục triển khai. Hiện nay, Sở GTVT đang xây dựng phương án tổ chức giao thông; khi xây dựng xong phương án mới có thể công bố rộng rãi.
Với dự án tại Hà Nội, TS Bắc và TS Hải đều cho rằng, với thực tế triển khai hiện nay, dự án BRT không đạt tiêu chuẩn quốc tế (tần suất thấp, phương tiện nhỏ...). Ngay cả việc khai thác đúng những gì dự án được phê duyệt, khả năng ùn tắc cũng hết sức nặng nề. “Tiền đã đầu tư có nguy cơ lãng phí lớn, do đó, việc “cố” triển khai, vận hành dự án này sẽ rất có thể gây ra thiệt hại nhiều hơn nữa cho xã hội” – TS Bắc nói.
Hai tiến sỹ cho rằng, giải pháp phù hợp là chọn lại tuyến, chuyển nhà chờ, tìm cách sử dụng các kinh phí hạng mục chưa đầu tư để đầu tư với một thiết kế mới, một công năng mới chắc chắn sẽ hiệu quả hơn, giảm thiểu thiệt hại, tiết kiệm cho xã hội một lượng tiền lớn.
Cụ thể hơn, TS Hải đề nghị nên dời nhà chờ ra, phương tiện ra đại lộ Thăng Long, nơi có làn đường rộng, nhiều cơ sở đào tạo, khu đô thị lớn đã và đang hình thành. “Nếu chuyển sang đại lộ Thăng Long, các hạng mục dự án vẫn sử dụng được và phát huy tốt hiệu quả, giúp dãn dân cư, phát triển đô thị vệ tinh như Hòa Lạc, Sơn Tây” – TS Hải nói.
TS giao thông đô thị Nguyễn Xuân Thủy lại cho rằng, phương án chuyển cả tuyến đã gần hoàn thiện có thể sẽ gây ra các lãng phí lớn và không nên thực hiện. “Dự án đã nhỡ rồi nhưng vẫn nên sử dụng bằng cách cho xe buýt nhanh và cả buýt thường chạy vào tuyến chung với các phương tiện khác. Mái che thấp thì cắt đi; cửa thiết kế riêng cho buýt nhanh có thể sửa đi cho xe buýt thường chạy vào. Những việc đó có thể thực hiện một cách đơn giản” – TS Thủy đề nghị.
TS Thủy đề nghị, các cơ quan chức năng Hà Nội trước khi quyết định với dự án BRT cần tham khảo ý kiến các chuyên gia có chuyên môn, thực sự khách quan, có tâm với sự phát triển giao thông công cộng Thủ đô.
Tiền phong