MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Buýt nhanh nghìn tỷ nguy cơ “vỡ trận”: Dự án vẫn làm, sai phạm vẫn xử

Theo những người có trách nhiệm dự án buýt nhanh dù có nguy cơ đổ vỡ vẫn bắt buộc phải đưa vào vận hành bởi số tiền rót vào đã quá lớn.

Tuy nhiên, để đưa vào sử dụng, cần những giải pháp mạnh mẽ và quyết tâm đặc biệt. Việc xác định và xử lý trách nhiệm cũng cần quyết liệt hơn, không loại trừ một ai, không loại trừ thời gian.

Lỡ nhịp

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong chiều 29/6, TS Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia chia sẻ nhiều trăn trở về sự “lỡ nhịp” của dự án buýt nhanh với tốc độ tăng trưởng phương tiện ở Thủ đô. “Ý tưởng về dự án này bắt đầu từ khoảng năm 2003, nếu làm sớm có thể xong vào năm 2005-2006.

Tuy nhiên, tiếc là thủ tục kéo dài, đến năm 2007 mới phê duyệt. Trước đây, định cho tuyến chạy trên đường Nguyễn Trãi, khi có dự án Đường sắt Cát Linh - Hà Đông bị “đẩy” ra đường Lê Văn Lương. Đến giờ dự án mới hoàn thành trong điều kiện phương tiện đông như hiện nay mới có chuyện”, ông Hùng nói.

Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia cho rằng, buýt nhanh là một dạng phương tiện giao thông công cộng khối lượng lớn nhưng giá rẻ (hiện toàn dự án BRT trị giá hơn 50 triệu USD bằng chi phí 1 km đường sắt trên cao), có thể triển khai sớm. Kinh nghiệm các nước, sau thời gian sử dụng, thói quen đi phương tiện công cộng hình thành sẽ dùng chính đường của buýt nhanh để xây dựng thành tàu điện.

Ông Hùng cho rằng, dù lỡ nhịp, dự án vẫn có thể khai thác hiệu quả nếu có những biện pháp tổ chức giao thông hợp lý (như phân chia bớt phương tiện sang trục đường khác, có thể xây dựng thêm các công trình phụ trợ...) và quyết tâm chính trị đủ mạnh.

“Xe buýt không có tội, đó là phương tiện công cộng phục vụ số đông. Nếu có một quyết tâm dành đường cho xe buýt nhanh, xã hội đồng thuận, dự án nhất định vẫn hiệu quả”, ông Hùng nói.

Một lãnh đạo Bộ KH&ĐT (bộ quản lý tổng thể về dự án ODA) cho hay, với dự án sử dụng vốn vay ODA, dù khả năng hiệu quả không đạt như kỳ vọng ban đầu vẫn không thể dừng được vì dự án đã triển khai gần xong. “Giờ đợi xem khi đi vào hoạt động hiệu quả tới đâu”, vị lãnh đạo này nói.

Hoan nghênh báo Tiền Phong

Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương hoan nghênh Tiền Phong phát hiện ra tồn tại, vướng mắc của dự án xe buýt nhanh. “Việc báo làm đến nơi đến chốn, hỏi các nhà khoa học, người có trách nhiệm liên đới là cần thiết, đúng theo tinh thần của Đại hội lần thứ 12 của Đảng”, ông Hùng nói.

Liên quan đến phát ngôn thách thức của ông Trần Anh Tú - nguyên GĐ Ban Quản lý dự án Đầu tư phát triển giao thông đô thị Hà Nội (hiện là Phó Tổng GĐ Cty TNHH Một thành viên Đường sắt Hà Nội) mà Tiền Phong phản ánh bài trước, ông Hùng cho hay: “Tôi đã đọc báo. Không biết nhà báo ghi chính xác không. Nếu chính xác thì những câu trả lời đó khiến tôi rất bất ngờ, không thể chấp nhận được. Là cán bộ đảng viên, không thể trả lời tiếng nói của dư luận, của công luận, của dân như vậy được”.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra đề nghị: “Nếu chính xác như thế, cần yêu cầu ông Tú giải trình về trách nhiệm với dự án; kiểm điểm những lời lẽ với báo chí. Bất luận ở địa phương nào cũng không chấp nhận được chứ chưa nói đến cán bộ ở một Thủ đô thanh lịch” - ông Hùng nói.

Về trách nhiệm của những người chuyển công tác hoặc “đã hạ cánh an toàn” với những sai lầm khi đương chức, ông Hùng cho hay: “Theo quy định của luật pháp, của Đảng và trong thực tế, những vấn đề liên quan đến trách nhiệm xã hội, trách nhiệm trước pháp luật thì không loại trừ một ai và không loại trừ thời gian”.

Bạn đọc đề nghị làm rõ trách nhiệm

Liên quan đến tuyến bài Buýt nhanh nghìn tỷ nguy cơ “vỡ trận”, nhiều bạn đọc đã gửi ý kiến đến Tiền Phong. Bạn đọc tên Chinh gửi ý kiến: “Chúng ta phải làm rõ trách nhiệm thuộc về tổ chức, cá nhân nào, kể cả đã về hưu; không thể để vô trách nhiệm như vậy được”. Bạn đọc Văn Minh Quang phân tích: “Kế hoạch thì bao giờ cũng tỏ ra chu đáo, tuyệt vời nhưng làm quá tệ, đặc biệt là khâu kiểm tra, giám sát. Đề nghị cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát và xử lý ngay, xử lý nghiêm tập thể, cá nhân nếu có sai phạm”.

Đánh giá về phát ngôn của ông Trần Anh Tú, bạn đọc Nguyễn Văn Sơn nhận xét: “Đạo đức của người cán bộ, công chức, nhất là người có học mà lại phát ngôn kiểu ấy không thể tin nổi”. Thậm chí bạn đọc Nguyễn Văn Mười đề nghị, cắt chức cán bộ thiếu văn hóa này.

Quỳnh Nga

Theo Nhóm PV

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên