ByteDance thà đóng cửa ứng dụng còn hơn bán TikTok cho công ty Mỹ
Công ty mẹ sở hữu TikTok cho biết sẽ đóng cửa ứng dụng chia sẻ video ngắn tại Mỹ trong trường hợp không thể tìm kiếm giải pháp pháp lý ngăn chặn lệnh cấm tại đây.
Tổng thống Joe Biden vừa ký ban hành luật yêu cầu ByteDance phải thoái vốn hoàn toàn khỏi TikTok nếu không sẽ cấm ứng dụng này tại nền kinh tế số một thế giới.
Tuy nhiên, các thuật toán mà TikTok đang sử dụng, cũng chính là “linh hồn” của ByteDance. Bởi vậy, gần như chắc chắn công ty Trung Quốc sẽ không bán ứng dụng với những thuật toán đi kèm. Ngoài ra, TikTok chỉ đóng góp phần nhỏ trong tổng doanh thu của gã khổng lồ công nghệ đại lục. Do đó, trong kịch bản xấu nhất, việc đóng cửa ứng dụng này cũng không tác động đáng kể đến hoạt động kinh doanh của ByteDance.
Ngày 25/4, trên mạng xã hội Toutiao, công ty mẹ TikTok khẳng định không có kế hoạch bán ứng dụng này dù có hay không có thuật toán đề xuất video đính kèm.
ByteDance không công khai chi tiết tình hình kinh doanh của các công ty con. Doanh nghiệp này có nguồn thu chính tại Trung Quốc, chủ yếu từ những ứng khác như Douyin - TikTok phiên bản nội địa dành cho đại lục.
Trong khi đó, Reuters cho hay, thị trường Mỹ chiếm khoảng 25% tổng doanh thu TikTok năm ngoái. Năm 2023, doanh thu ByteDance đạt 120 tỷ USD, tăng từ 80 tỷ USD của một năm trước đó. Người dùng hàng ngày (DAU) của TikTok tại Mỹ chỉ chiếm khoảng 5% tổng DAU của ByteDance.
Ba nguồn tin cho biết TikTok chia sẻ các thuật toán cốt lõi tương tự trên các ứng dụng nội địa của ByteDance như nền tảng video ngắn Douyin. Một trong số họ cho biết thuật toán của công ty được coi là tốt hơn so với các đối thủ ByteDance như Tencent và Xiaohongshu.
Việc tách TikTok khỏi các thuật toán khó có thể xảy ra, khi giấy phép sở hữu trí tuệ được đăng ký theo ByteDance ở Trung Quốc. Bởi vậy, việc tìm kiếm giải pháp tách thuật toán khỏi ứng dụng tại thị trường Mỹ trở thành quy trình cực kỳ phức tạp.
Ngoài ra, Bắc Kinh cũng khẳng định sẽ từ chối cho phép ByteDance thoái vốn. “Trung Quốc sẽ kiên quyết phản đối (việc ép bán TikTok) ”, người phát ngôn của Bộ Thương mại nước này cho biết hồi cuối tháng 3 năm 2023. “ Việc bán hoặc thoái vốn TikTok liên quan đến xuất khẩu công nghệ và phải trải qua các thủ tục cấp phép hành chính theo luật pháp và quy định của Trung Quốc ”.
Năm 2020, Trung Quốc ban hành Luật Kiểm soát Xuất khẩu, trong đó có quy định các “mặt hàng bị kiểm soát”, bao gồm thuật toán, mã nguồn và dữ liệu phải tuân thủ quy trình phê duyệt.
Bên cạnh thuật toán, tài sản chính của TikTok được xác định là dữ liệu người dùng, cũng như hoạt động kinh doanh và quản lý sản phẩm.
vtcnews.vn