MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Cá biển chết lan dần vào Nam, chuyện này hơi lạ"

23-04-2016 - 15:51 PM | Thị trường

Đó là bày tỏ của ông Nguyễn Đỗ Tám, Phó Giám đốc phụ trách lĩnh vực thủy sản, Sở NN-PTNT Đà Nẵng với PV Infonet sáng 23/4 về tình trạng cá chết hàng loạt trên vùng biển Hà Tĩnh và đang có tình trạng lan dần vào các tỉnh phía Nam khu vực Bắc Trung bộ!

Chưa có dấu hiệu bất thường nhưng rất lo

Tình trạng cá chết hàng loạt trên biển kéo dài suốt hơn nửa tháng qua, lan từ Hà Tĩnh vào đến Thừa Thiên – Huế và ở các nơi này liên tục có các trường hợp nhập viện cấp cứu nghi là do ăn cá chết bị nhiễm độc đang khiến người dân Đà Nẵng nằm ngay bên cạnh Thừa Thiên – Huế không khỏi lo lắng.

Trước tình hình này, sáng 23/4, PV Infonet đã trao đổi với ông Nguyễn Đỗ Tám, Phó Giám đốc phụ trách lĩnh vực thủy sản, Sở NN-PTNT Đà Nẵng. Ông Nguyễn Đỗ Tám cho hay, đến thời điểm này vẫn chưa thấy có hiện tượng cá chết hàng loạt trên vùng biển Đà Nẵng.

Tuy nhiên ông Nguyễn Đỗ Tám cũng bày tỏ lo lắng: “Hiện Bộ TN-MT, Bộ NN-PTNT vẫn chưa xác định được nguyên nhân khiến cá chết hàng loạt trên vùng biển Bắc Trung bộ, nên đây là vấn đề hết sức phức tạp. Đặc biệt, cá chết ngoài biển nên đúng là rất khó xử lý

Hiện Chi cục Thủy sản Đà Nẵng đang theo dõi sát tình hình, tuy chưa thấy có hiện tượng gì bất thường nhưng chúng tôi cũng đang rất lo. Nếu cá cứ chết dần vào phía Nam thì đề nghị các Bộ KH-CN, TN-MT, NN-PTNT phải nghiên cứu và sớm đưa ra kết luận!”.

Theo ông Nguyễn Đỗ Tám, mọi năm vào mùa này, dòng chảy vẫn đang đi theo hướng từ Nam ra Bắc. Đơn cử như con tôm hùm con đi theo dòng chảy từ Nam ra Bắc, đến Tết Nguyên đán thì tới ngang vùng biển Đà Nẵng, sau đó tiếp tục theo dòng chảy hướng ra phía Bắc.

“Do vậy, tôi không hiểu tại sao vào mùa này lại có chuyện cá chết cứ dần dần đi vào phía Nam? Tôi thấy chuyện này hơi lạ. Tuy nhiên đây chỉ mới là nhận định theo cảm quan của tôi chứ chưa biết rõ nguyên nhân nên chưa thể khẳng định được gì. Thực sự mà nói là chúng tôi đang rất trông chờ kết luận của các Bộ, ngành hữu quan!” – ông Nguyễn Đô Tám nói.

Lo cá chết đem nơi khác bán?

Ông cho hay, ngư trường đánh bắt chính của ngư dân Đà Nẵng là ở cửa vịnh Bắc bộ, Hoàng Sa, Trường Sa... Vào mùa này, ngư dân TP cũng có ra vùng biển Bắc Trung bộ nhưng chủ yếu là đánh bắt ngoài khơi chứ không phải trong bờ. Tuy nhiên ông cũng không dám chắc lắm về việc ngư dân TP hoặc ngư dân các nơi khác có vớt cá chết trên vùng biển Bắc Trung bộ đem vô Đà Nẵng hay không?

“Không chắc lắm vì không biết cá chết ở khúc nào? Nhưng qua xem cá chết được đưa lên truyền hình thì có một số loài như cá mú là loài cá ở đáy. Nhưng chết ở đoạn nào, trôi vào đâu thì cũng chưa biết. Cơ bản là điểm xuất phát cá chết ở đâu và có thể là từ đó mà dạt vào cũng có. Biển mênh mông như thế mà chưa thấy có thông tin gì hết nên cũng khó ghê!” – ông Nguyễn Đỗ Tám than thở.

Ông cho hay chưa cập nhật sát về sản lượng đánh bắt của ngư dân Đà Nẵng trong 1 – 2 ngày qua, nhưng cách đây mấy hôm thì tình hình vẫn bình thường. Việc mua bán thủy, hải sản của bà còn ngư dân trên địa bàn cũng chưa có biến động gì lớn. Về việc các cơ quan chức năng khuyến cáo không ăn cá chết, ông Nguyễn Đỗ Tám nhận định: “Đó là cá đã trôi vào bờ, còn cá do tàu đánh bắt từ ngoài khơi đem vào thì tôi nghĩ cũng yên tâm chứ không có vấn đề gì!”.

Tuy nhiên, thêm một lần nữa ông không dám chắc về nhận định của mình. Ông nói: “Nhưng tôi cũng chưa biết, chưa đi khảo sát, chưa nghe bà con thử trên biển có cá chết nổi lên hay không? Phải chờ bà con về mình mới hỏi được. Không biết các đơn vị bạn ngoài kia có đi khảo sát ngoài biển có nổi cá chết không hay chỉ dạt vào bờ? Tức là phải biết cá chết từ đâu dạt vào thì mới xử lý được, chứ chỉ thấy cá chết mà không rõ nó từ đâu thì cũng không biết đâu mà lần. Cũng đang lo không biết có lan vô vùng biển ven bờ của Đà Nẵng hay không?”.

“Nhiều người dân Đà Nẵng đang lo về vùng đánh bắt, lo là có tình trạng chở cá chết từ ngoài kia vào bán!” – chúng tôi đặt vấn đề. Ông Nguyễn Đỗ Tám trả lời: “Họ cũng nghi thế thôi chứ mình chưa biết thế nào. Phải tìm ra nơi xuất phát cá chết ở chỗ nào trôi vào thì mới nói được. Ví dụ không may mai mốt cá chết trôi vào vùng biển Đà Nẵng thì chưa chắc là do vùng biển của mình có vấn đề, mà có khi do cá chết từ ngoài kia trôi vào thì sao, cũng chẳng biết đường nào mà lần!”.

Nóng lòng chờ nguyên do cá chết hàng loạt

PV Infonet hỏi ông nhận định tình trạng cá chết đang xảy ra trên vùng biển Bắc Trung bộ là do nguyên nhân, ông Nguyễn Đỗ Tám cho hay, về phía cảm quan, cho biết đang tiếp tục lắng nghe thêm thông tin chứ chưa thể đưa ra nhận định nào khả dĩ sát với thực tế. “Tuy nhiên về phía cảm quan thì tôi vẫn thấy vụ này có gì đó không ổn lắm. Thực sự là vấn đề rất phức tạp, nên cũng đang cố gắng lắng nghe các Bộ, ngành hữu quan kết luận thế nào để mình có định hướng!”.– ông Nguyễn Đỗ Tám nói.

Cách đây mấy năm ở khu vực biển Thanh Bình của Đà Nẵng có xảy ra trường hợp cá chết nhiều bất thường, nhưng khác với hiện tượng cá chết trên vùng biển Bắc Trung bộ hiện nay. Đó là chỉ chết một loại cá đối, với cùng kích cỡ. Qua tìm hiểu của các nhà chuyên môn, các trường đại học chuyên ngành thì nguyên nhân có thể do loài cá đối đi theo đàn và ăn nhằm loại tảo độc.

Trong khi đó, ông Trần Chí Cường, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Đà Nẵng cho hay, đến thời điểm này chưa có dấu hiệu gì cho thấy tình trạng cá chết hàng loạt trên vùng biển Bắc Trung bộ gây ảnh hưởng lượng khách du lịch đến Đà Nẵng. Nguồn nước biển cho du khách tắm cũng chưa có dấu hiệu gì bất thường.

Mặc dù chưa có kết luận chính thức của các Bộ, ngành hữu quan về nguyên nhân khiến cá chết hàng loạt trên vùng biển Bắc Trung bộ, chưa biết hướng diễn biến của tình hình và đang tiếp tục theo dõi nhưng Sở VH-TT-DL Đà Nẵng cũng đã chuẩn bị tinh thần sẵn sàng. Theo đó, Sở đang tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

“Chúng tôi lưu ý họ xem xét cẩn trọng nguồn thực phẩm có vấn đề gì hay không. Bởi nhiều khi luồng thực phẩm như cá và các loại thủy, hải sản đi thì không biết việc kiểm soát của các cơ quan chức năng tới đâu. Nên các cơ sở kinh doanh dịch vụ, nhà hàng cần kiểm tra, kiểm soát thật kỹ thực phẩm nhập vào đơn vị mình. Nói chung là chúng tôi tích cực khuyến cáo họ vậy thôi chứ đến thời điểm này thì cũng chưa biết ra sao hết!” – ông Trần Chí Cường nói.

Theo Hải Châu

Infonet

Trở lên trên