Cà phê trộn đậu nành của Vinacafe, vì đâu nên nỗi?
Gu thưởng thức cà phê của người Việt dường như là sức ép khiến cho nhiều người sản xuất làm ra thứ sản phẩm là cà phê nhưng không phải cà phê.
- 23-08-2016Cà phê bẩn vỉa hè: Chi phí chỉ 1.000 đồng, giá bán gấp 30 lần
- 21-08-2016Sản lượng cà phê giảm 7% trong niên vụ 2016–2017
- 16-08-2016Truy tố nguyên phó tổng giám đốc Tổng công ty Cà phê VN
- 15-08-2016CEO Vinacafé Biên Hòa Nguyễn Tân Kỷ: Ngưng sản xuất cà phê trộn đậu nành là quyết định khó khăn nhưng đúng
Đứng thứ 2 trên thế giới về xuất khẩu cà phê nhưng trên thực tế, người Việt Nam hiếm khi uống những ly cà phê không pha trộn.
Tại một cuộc toạ đàm cách đây gần 1 năm, một chuyên gia đã nhận định rằng 90% người Việt Nam chưa biết cách thưởng thức ly cà phê đích thực. Dòng cà phê thị hiếu của người Việt đang là cà phê trộn với đậu tương, caramen.
“Cách uống của người Việt Nam đi ngược lại so với thế giới”, vị này cho biết, “trong khi thế giới chỉ lấy hương cà phê mà không lấy vị cà phê thì Việt Nam đang làm ngược lại, nhiều người tiêu dùng nghĩ rằng cà phê thật không ngon mà phải độn phụ gia mới ngon”.
Bởi thế, để phục vụ cho thị hiếu tiêu dùng, nhiều đơn vị đã sản xuất ra những thứ thức uống cà phê mà không phải cà phê, như lời “thú tội” mới đây của Vinacafe hay ông lớn Nescafe trước đó.
Ông Nguyễn Tân Kỷ, CEO của Vinacafe đứng trước toàn diễn đàn “Đón sóng thực phẩm sạch” diễn ra sáng ngày 23/8 đã thú nhận cà phê của công ty không phải là cà phê nguyên chất mà có trộn thêm đậu nành.
“Năm 2012, đứng trước sức ép của thị trường, sức ép của gu thưởng thức cà phê mới, chúng tôi đã làm ra hai sản phẩm Wake -up và Phinn có trộn đậu nành vào trong cà phê", vị CEO này thừa nhận.
Cũng bởi vì gu riêng, cũng bởi vì lợi nhuận… đã khiến cho nhiều triệu người Việt Nam chưa được thưởng thức một ly cà phê đúng nghĩa, cho dù có tận 35 triệu ly cà phê được bán ra mỗi ngày.
“50% cà phê trên thị trường không phải cà phê nguyên chất. Chúng ta đứng số 1 về cà phê Robusta, thứ 2 về xuất khẩu cà phê nói chung nhưng người Việt Nam không được uống cà phê thực sự”, đại diện Vinacafe cho biết.
Thực tế từ thị trường đã khiến cho Vinacafe “vô cùng day dứt” khi đã đi ra khỏi triết lý kinh doanh, đi sai với niềm tin suốt 50 năm qua theo đuổi. Do đó, CEO Vinacafe Biên Hòa cho biết doanh nghiệp đã quyết định từ 1/8 chỉ làm cà phê nguyên bản.
Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, ông lớn Nescafe lại đặt gu thưởng thức, sở thích của người Việt lên trước tiên. Theo đó, sản phẩm cà phê Việt của Nescafe có độn đậu nành "để phù hợp với khẩu vị và sở thích của người Việt Nam".
"Nếu chúng ta chỉ cho ra đời loại cà phê nguyên chất 100% mà quên đi khẩu vị, gu thưởng thức của người Việt Nam thì liệu có phải là một định hướng nên theo đuổi hay không?” - đại diện Nescafe nêu quan điểm.
Đai diện của Nestle cũng cho biết, Nescafe được sản xuất ở các quốc gia khác trên thế giới không độn, nhưng sản xuất ở Việt Nam thì phải độn. Nhưng đơn vị này đã từ chối khi được hỏi về tỉ lệ đậu nành và cà phê là bao nhiêu phần trăm, vì cho rằng mình chỉ có nghĩa vụ công bố cụ thể thành phần với cơ quan nhà nước, còn với người tiêu dùng thì việc này là “không có ý nghĩa” nhằm “bảo mật bí quyết kinh doanh”.