MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Các “cá mập” lên tiếng cảnh báo về thị trường chứng khoán Việt Nam

Ngày càng có nhiều nhà đầu tư Việt Nam thức khuya để theo dõi chỉ số Dow Jones và phần lớn các phiên giao dịch của TTCK Việt Nam phản ứng tương đồng với diễn biến của TTCK Mỹ trong đêm trước.

Ngày hôm qua, trên Facebook cá nhân, ông Nguyễn Duy Hưng – Chủ tịch CTCK SSI cho biết: "Gặp 5 bố già phố Wall thì cả 5 người đều tỏ ra lo ngại về diễn biến tương lai gần của thị trường chứng khoán thế giới khi cuộc chiến thương mại Trung Mỹ tiếp tục gia tăng cũng như việc FED tiếp tục nâng lãi suất! Chắc chắn nếu xảy ra những biến động của thị trường thế giới thì Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng. Thật sự đây đang là giai đoạn rất nhạy cảm!"

Các “cá mập” lên tiếng cảnh báo về thị trường chứng khoán Việt Nam - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch CTCK SSI

Chiến thương mại và động thái tăng lãi suất của FED không còn là thông tin mới với các thị trường chứng khoán trong 2 tháng qua. Với riêng TTCK Việt Nam, nó được cho là nguyên nhân gây nên cú sụt giảm dữ dội vào ngày 5/2 và 5/3 năm nay. Và việc VN-Index chinh phục đỉnh mới phần lớn từ một số cổ phiếu vốn hóa lớn.

Trong các báo cáo đánh giá triển vọng đầu tư, việc GDP tăng trưởng kỷ lục và câu chuyện nâng hạng thị trường Việt Nam trong bảng xếp hạng của MSCI vẫn được nhắc đi nhắc lại. Nhưng cho đến ngày hôm qua, đã có nhiều "cá mập" lên tiếng về sự mong manh của thị trường giai đoạn hiện tại.

Không chỉ ông Nguyễn Duy Hưng, một bài báo của Bloomberg lên tiếng: Việt Nam cần cẩn thận với cuộc chơi MSCI.

Câu chuyện TTCK Việt Nam có cơ hội lọt vào danh sách MSCI EM trở thành động lực cho thị trường lâu nay. Thậm chí nếu điều đó không xảy ra, Việt Nam vẫn có thể nhận được nhiều dòng vốn quốc tế hơn nếu một số thị trường khác được nâng hạng.

Tuy nhiên, theo Bloomberg, đối với nhà đầu tư, đây có thể là một trò chơi nguy hiểm. 15 cổ phiếu trong MSCI Vietnam Index đều đã giao dịch ở mức PE 30,5 lần lợi nhuận 12 tháng. VN Index có mức hợp lý hơn, là 21 lần.

Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đang dần bị ảnh hưởng vì các sự kiện kinh tế vĩ mô, giảm mức hấp dẫn của việc đa dạng hóa danh mục đầu tư. Đầu năm nay, tương quan giữa lợi nhuận hàng tuần của cổ phiếu Việt Nam và Mỹ lên mức 67%, trái ngược hẳn tình hình trước đây (có lúc từng bị âm).

"Nói cách khác, nếu Mỹ cảm lạnh Việt Nam cũng sẽ hắt hơi" – chuyên gia của Bloomberg kết luận.

Điều đó không còn gì phải tranh cãi, khi ngày càng có nhiều nhà đầu tư Việt Nam thức khuya để theo dõi chỉ số Dow Jones và phần lớn các phiên giao dịch của TTCK Việt Nam phản ứng tương đồng với diễn biến của TTCK Mỹ trong đêm trước.

Trong khi đó, TTCK Mỹ sau quãng thời gian dài tăng trưởng, đã biến động ngày càng "dữ dội" trước những dòng tweet của đương kim Tổng thống Donald Trump, khiến cho mối lo ngại về cuộc chiến tranh thương mại ngày càng tăng lên, trong bối cảnh giới đầu tư cũng e ngại về việc FED nâng lãi suất nhiều hơn kế hoạch.

Một bài báo phỏng vấn ông Chris Freund, Tổng giám đốc của Mekong Capital đăng ngày 08/04 cũng nêu quan điểm thận trọng của nhà đầu tư ngoại này: "Năm 2017 gợi lại cho tôi về năm 2006, đó là năm trước khi bong nóng cuối cùng được hình thành và vỡ tung. Việc định giá các công ty lớn như Vinamilk, Sabeco, Vingroup và Vincom Retail đã tăng lên mức cao tương tự như quả bóng khi đó. Xu hướng sẽ tiếp tục cho đến khi quả bóng nổ. Tôi không biết khi nào nó sẽ nổ, nhưng đó chỉ là vấn đề thời gian".

Các “cá mập” lên tiếng cảnh báo về thị trường chứng khoán Việt Nam - Ảnh 2.

Ông Chris Freund - Tổng Giám đốc Mekong Capital

Ông Chris Freund cũng cho rằng "Thị trường tài chính luôn đi theo chu kỳ, từ quá bi quan đến quá lạc quan và trở lại quá bi quan, và chu kỳ tiếp tục đi lên. Tôi nghĩ rằng Việt Nam có triển vọng lớn, tuy nhiên, sự mong đợi của các nhà đầu tư đã vượt quá thực tế, tương tự như những gì đã xảy ra ở năm 94, 95 và một lần nữa vào năm 2006, 2007".

Trước những lời cảnh báo này, ông Trần Hoàng Sơn – Giám đốc chiến lược của CTCK MBS nêu quan điểm, sự thay đổi chính sách của Fed (tăng lãi suất và giảm tài sản), Chiến tranh thương mại, sụt giảm mạnh của Internet stock, tín hiệu tăng giá của trái phiếu rác và lãi suất Libor chạy phi mã có thể kích nổ quả bom nợ được các NHTW "bơm căng" qua các gói QE vừa qua…

Theo ông Trần Hoàng Sơn, LIBOR 3M đã tăng lên kể từ ngày 7 tháng 2, đạt 2,302%, mức cao nhất kể từ năm 2008. Dấu hiệu của việc thắt chặt tiền tệ đã và đang tăng lên đẩy rủi ro tín dụng tăng cao gây áp lực lên thị trường tài chính Mỹ và nhiều nền kinh tế khác. Chi phí vay nợ tăng lên mức cao trong bối cảnh bong bóng tài sản đang báo hiệu trạng thái khá nguy hiểm của thị trường tài chính gợi nhớ lại các cuộc khủng hoảng đã điễn ra như Dotcom hay bong bóng nhà đất 2007-2008.

Các “cá mập” lên tiếng cảnh báo về thị trường chứng khoán Việt Nam - Ảnh 3.

Chuyên gia của MBS cũng so sánh mức độ tương quan giữa VN-INDEX và Dow Jones (theo tuần) kể từ giai đoạn 2006 đến nay cho thấy mức độ đồng biến tại những thời điểm chỉ số Dow Jones có các nhịp giảm mạnh lên tới 40%-60%. Đến thời điểm hiện tại, chỉ số Dow Jones đã tạo đỉnh và đang trong nhịp chỉnh kiểm nghiệm mấp mé mức hỗ trợ trung hạn MA200 ngày.

Do đó, chuyên gia MBS cho rằng khả năng sẽ có những nhịp hồi bật lại dạng Dead cat bounce trước khi bẻ gẫy xu hướng này. Còn đối với Việt Nam giai đoạn hiện tại, chỉ số đang tăng ngược với Dow Jone một nhịp ngắn do một vài mã trụ tuy nhiên, trong trường hợp Dow Jones suy giảm mạnh và rơi vào tình trạng bán tháo (nếu phá vỡ MA200) rất có thể VN-INDEX sẽ giảm mạnh và đồng pha.

Dù vậy, quan điểm của ông Trần Hoàng Sơn được nhiều chuyên gia tài chính khác cho rằng quá thận trọng, bởi động thái nâng lãi suất của FED lần này dựa trên cơ sở sự cải thiện của nền kinh tế Mỹ chứ không phải là "châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng mới trong tương lai".

Hải Thanh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên