MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Các chuyên gia, doanh nghiệp và nhà quản lý “hiến kế” thúc đẩy tài chính tiêu dùng phát triển

28-09-2017 - 15:16 PM | Tài chính - ngân hàng

Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, đã đến lúc không chỉ coi tín dụng tiêu dùng là tiêu dùng mà cần phải coi đó cũng chính là một dạng đặc biệt của tín dụng hướng tới sản xuất, kinh doanh.

Ngày 27/9, CafeF phối hợp báo điện tử Trí thức trẻ đã tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề Hiểu đúng về tài chính tiêu dùng để thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội.

Theo TS. Cấn Văn Lực, tài chính tiêu dùng có vai trò hết sức quan trọng. Đối với người dân, tài chính tiêu dùng đáp ứng nhu cầu thiết thực hàng ngày của người dân, đặc biệt cũng làm cho quản lý tài chính cá nhân tốt hơn. Đối với DN, đặc biệt là DNNVV, có 2 tác động: đáp ứng nhu cầu về vốn cho các DNNVV khó tiếp cận vốn; và giúp các DN này quay vòng đồng vốn thúc đẩy SXKD. Đối với nền kinh tế, có 3 tác động: Tích cực phát triển KTXH, thúc đẩy tiêu dùng, đặc biệt tiêu dùng cá nhân hiện chiếm 67-68% GDP; Góp phần phát triển thị trường tài chính; và Góp phần giảm tệ nạn tín dụng đen.

Ông Lực cho biết thêm, quy mô thị trường tín dụng tiêu dùng đến 30/6/2017 khoảng 744 nghìn tỷ chiếm 12,4% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Trong đó dư nợ cho vay của các công ty tài chính (CTTC) khoảng 97 nghìn tỷ, chiếm 13% tổng dư nợ tiêu dùng, đóng góp việc làm cho xã hội, có khoảng 30 nghìn nhân viên trong các công ty tài chính.

Như vậy cho vay tiêu dùng có vai trò quan trọng là phần kết nối thị trường tài chính lớn và tiêu dùng cá nhân, tăng sự hiểu biết của người dân và DN, đặc biệt là giảm tín dụng đen.

Các chuyên gia tham dự buổi giao lưu trực tuyến đều cho rằng, tài chính tiêu dùng còn rất nhiều tiềm năng để phát triển và nếu phát triển đúng tầm sẽ có những tác động lớn hơn nữa lên nền kinh tế.

Vấn đề đặt ra là, vậy làm sao để thúc đẩy phát triển tài chính tiêu dùng xứng tầm như mong muốn?

LS. Trương Thanh Đức cho rằng, để tài chính tiêu dùng đi vào cuộc sống nhiều hơn cần tiếp tục hoàn thiện theo hướng cải cách mạnh mẽ, cởi mở, thông thoáng Luật Các tổ chức tín dụng và các văn bản dưới luật quy định về hoạt động của các công ty tín dụng tiêu dùng. Thậm chí cần xem xét cả khả năng đưa công ty tài chính tiêu dùng ra khỏi loại hình tổ chức tín dụng, để xác định lại đúng vai trò của định chế tài chính này.

Và theo ông, đã đến lúc không chỉ coi tín dụng tiêu dùng là tiêu dùng, mà cần phải coi đó cũng chính là một dạng đặc biệt của tín dụng hướng tới sản xuất, kinh doanh.

TS. Đỗ Hoài Linh, Viện Ngân hàng Tài chính Đại học Kinh tế Quốc dân thì cho rằng, để thúc đẩy tài chính tiêu dùng phát triển, cách thức duy nhất cho vấn đề này là làm sao để đưa thông tin về tài chính tiêu dùng đến với mỗi người dân thật đúng và thật đủ. Các công ty cần tuyên truyền để mọi người dân trước là biết đến, sau là hiểu đúng về tín dụng tiêu dùng, lợi ích của tín dụng tiêu dùng. Và hơn ai hết, công cụ truyền thông hiệu quả nhất chính là truyền thông từ những khách hàng hiện tại của tài chính tiêu dùng. Nếu có được sản phẩm tốt, làm hài lòng, thì phản hồi từ phía khách hàng hiện tại tới những người xung quanh sẽ là kênh hiệu quả và lâu bền. Do đó, mỗi nhà cung cấp tài chính tiêu dùng đều phải minh bạch, chuyên nghiệp, chủ động công khai và hướng dẫn chi tiết các điều khoản trong hợp đồng tín dụng, giải đáp tận tình những thắc mắc của khách hàng. Không những thế, CTTC cần phải là tư vấn chính xác cho khách hàng theo từng trường hợp cụ thể.

Ở góc độ doanh nghiệp, Ông Nguyễn Thành Phúc - Giám đốc Trung tâm nguồn vốn Fe Credit cho rằng, đối với các quy định về hoạt động cho vay tiêu dùng cần tạo một hành lang pháp lý thông thoáng và rõ ràng, ban hành các hướng dẫn cụ thể riêng cho các công ty tài chính (CTTC), hỗ trợ CTTC công tác thẩm định, quyết định lãi suất cho vay, quản lý khoản vay hiệu quả. Dựa vào đó, cả CTTC và người đi vay đều được bảo vệ hợp pháp và hiểu cũng như chấp nhận bản chất của dịch vụ khi thực hiện ký kết thỏa thuận.

Đối với các quy định về hoạt động huy động vốn của CTTC thì cần phải ổn định chính sách và hành lang pháp lý chuyên biệt riêng cho các CTTC nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn để đẩy mạnh phát triển cho hoạt động huy động vốn từ CTTC nhằm đáp ứng nhu cầu đi vay của người tiêu dùng. Hiện nay, các CTTC bị ảnh hưởng và chi phối rất lớn từ các chính sách, các nghị định và thông tư khác nhau, các quy định của NHNN.

Ở góc độ quản lý, theo bà Nguyễn Thị Thanh Huyền - Vụ Chính sách an toàn hoạt động ngân hàng – NHNN, các công ty tài chính cần phải tập trung xây dựng chiến lược kinh doanh theo các sản phẩm, nghiệp vụ được phép nhằm năng cao chất lượng tín dụng, năng lực cạnh tranh, tính minh bạch trong cung cấp sản phẩm dịch, nâng cao năng lực tài chính, quản trị, điều hành quản lý rủi ro tương ứng với chiến lược kinh doanh để phù hợp với mục tiêu, định hướng tại Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020.

Thậm chí ở góc độ giáo dục, TS. Đỗ Hoài Linh, Phó trưởng bộ môn Viện Ngân hàng Tài chính Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng nên đưa các kiến thức của tài chính cá nhân vào khung đào tạo, trải dần từ bậc phổ thông đến đại học, việc này nhằm mục đích trang bị kiến thức về tài chính, các sản phẩm tài chính… để từ đó mỗi cá nhân là nhà tiêu dùng thông thái, biết lựa chọn đúng sản phẩm, đúng nhà cung cấp để thỏa mãn tối đa nhu cầu sử dụng dịch vụ tài chính tiêu dùng.

Và bà cho rằng rất cần đưa thêm môn học Tài chính cá nhân vào khung chương trình đào tạo bắt buộc của sinh viên ngành Tài chính – Ngân hàng để bên cạnh các kiến thức nghiệp vụ về tín dụng, sinh viên hiểu rõ hơn về nhu cầu tài chính khách hàng cá nhân, từ đó sẽ trở thành nhân viên tài chính tiêu dùng chuyên nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền cũng đồng tình rằng, đối với lực lượng lao động, nguồn nhân lực tham gia vào lĩnh vực tài chính tiêu dùng, ngoài các kiến thức về tài chính- ngân hàng nói chung, cần có thêm kiến thức đặc thù trong hoạt động tín dụng tiêu dùng. Các trường đại học hoặc các trường đào tạo nghề ngân hàng có thể căn cứ vào nhu cầu thực tế và nhân lực trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng để xây dựng kế hoạch cụ thể để đưa tài chính tiêu dùng vào chương trình đào tạo.

Tùng Lâm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên