MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Các chuyên gia kinh tế mách nước ‘lời giải’ cho 2 nan đề của doanh nghiệp trong đại dịch - Ứng xử với lao động mất việc và tìm kiếm nguồn lực tái cơ cấu

Chúng ta có thể đào tạo các nhân sự bị mất việc bởi Covid-19 để chuyển sang các ngành xu hướng như thương mại điện tử hoặc nông nghiệp công nghệ cao. Về nguồn lực để tái cơ cấu, doanh nghiệp có thể xem xét các gói hỗ trợ từ Chính phủ, hợp tác công ty công nghệ, gọi vốn từ quỹ đầu tư…

TS. Võ Trí Thành
TS. Võ Trí Thành
Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung Ương
111 bài viết

Cắt giảm nhân sự cùng tái cấu trúc doanh nghiệp là 2 hành động mà nhiều chuyên gia kinh tế khuyên các doanh nghiệp nên làm để sống sót và vọt lên sau Covid-19. Tuy nhiên, ứng xử với các nhân sự dôi dư ra và tìm nguồn lực trong thời buổi ‘thóc cao gạo kém’ để tái cơ cấu đều không dễ dàng.

Theo TS Võ Trí Thành - Nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu & Quản lý Kinh tế TW, thì giảm bớt nhân công lao động là biện pháp cuối cùng của hầu hết doanh nghiệp.

Một thống kê gần đây cho thấy, doanh số của nhiều doanh nghiệp Việt Nam giảm mạnh trong tháng 4 và 5/2020; tuy nhiên mức cắt giảm nhân công của hầu hết doanh nghiệp đang hoạt động tại đây thấp hơn nhiều so với tốc độ cắt giảm doanh số.

Doanh nghiệp nào phụ nữ làm chủ, mức cắt giảm nhân công sẽ thấp hơn so với doanh nghiệp có nam giới làm chủ. Nhưng dù cắt giảm như thế nào, thì hầu hết doanh nghiệp đều giữ lại những nhân sự chủ chốt, rồi duy trì đào tạo, phát triển văn hóa doanh nghiệp.

"Cách sa thải của doanh nghiệp Việt cũng khác FDI. Khi theo dõi cách các doanh nghiệp nổi tiếng trên thế giới sa thải nhân công của họ, tôi ấn tượng nhất với cách hành xử của ban lãnh đạo Airbnb.

Ban lãnh đạo doanh nghiệp này nói, chúng tôi cắt giảm nhân sự là lỗi của chúng tôi, chứ các bạn là những con người đầy giá trị. Airbnb không quên tạo điều kiện người lao động chuyển sang làm việc cho những doanh nghiệp hoặc nền tảng công nghệ mới. Để hỗ trợ nhân viên mất việc tìm chỗ làm mới, Airbnb đã tặng mỗi người một cái laptop.

Câu chuyện sa thải đau lòng, nhưng các chủ doanh nghiệp phải chọn cách ứng xử phù hợp với điều kiện của mình, để làm sao không bị điều tiếng xấu trên thị trường lao động sau này", ông Võ Trí Thành nêu ý kiến.

Đồng quan điểm với đồng nghiệp, ông Đặng Đức Thành - Chủ tịch CLB các Nhà kinh tế, Uỷ viên ban chấp hành VCCI, nói: Sa thải nhân sự là giải pháp tình thế, kiểu ‘cực chẳng đã’ phải làm của hầu hết doanh nghiệp.

Tuy nhiên, chúng ta đừng xem lực lượng lao động đã bị mất việc trong đại dịch là ‘bỏ đi’ hay là gánh nặng của xã hội mà hãy nghĩ cách sử dụng họ như một lực lượng lao động mới. Ví dụ, chúng ta có thể chuyển họ sang lao động trong mảng thương mại điện tử, nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng cơ sở hạ tầng.

"Hai trong những rào cản chủ yếu khiến Việt Nam ít hấp dẫn trong mắt các tập đoàn toàn cầu khi muốn tìm chỗ đầu tư sản xuất, đó là cơ sở hạ tầng yếu và thủ tục hành chính rườm rà.

Do cơ sở hạ tầng còn lạc hậu khiến chi phí logistic tại Việt Nam cao hơn các nước trong khu vực và quốc tế. Nhưng nguồn lực ở đâu ở xây dựng hạ tầng cơ sở? Nếu muốn huy động từ xã hội, kiểu như theo hình thức BT, thì Nhà nước hãy mang tới cho các doanh nghiệp lợi ích đủ hấp dẫn họ.

Ngoài ra, không ít doanh nghiệp FDI nói với tôi, tiền với họ không quan trọng mà quan trọng làm sao khi vào Việt Nam được ưu tiên cấp đất sạch để xây dựng nhà máy, những thủ tục hành chính liên quan được giải quyết nhanh trong thời gian sớm", ông Đặng Đức Thành nêu lý do vì sao lĩnh vực cơ sở hạ tầng đang rất thiếu nhân công.

Các chuyên gia kinh tế mách nước ‘lời giải’ cho 2 nan đề của doanh nghiệp trong đại dịch - Ứng xử với lao động mất việc và tìm kiếm nguồn lực tái cơ cấu - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Đăng Nhất - Chủ tịch CMO Worldwide Việt Nam


Còn với ông Nguyễn Đăng Nhất - Chủ tịch CMO Worldwide Việt Nam, Việt Nam muốn biến những lao động dư dôi do Covid-19 trở thành lực lượng lao động nòng cốt trong tương lai,  cần tập trung đào tạo ngoại ngữ và kỹ năng mềm cũng như công nghệ cao.

"Việt Nam đang cạnh tranh trong thị trường nhân lực bằng giá thấp, bởi nhân lực của chúng ta phần lớn chưa được đào tạo qua trường lớp và có kỹ năng cao.

Nhân lực chúng ta yếu nhất ở 2 điểm là ngoại ngữ và kỹ năng công nghệ cao. Ví dụ: các kỹ sư trong nhiều ngành nghề tại Việc Nam có chuyên môn cao, nhưng rất kém tiếng Anh nên không thể giao tiếp cũng như tìm kiếm cơ hội ở các doanh nghiệp FDI hoặc hợp tác với bên ngoài. Cũng như thế, đây là thời đại của công nghệ thông tin, song nhiều lao động chất lượng cao ở Việt Nam vẫn chưa tận dụng được thế mạnh thời đại mang lại cho bản thân.

Tôi biết có nhiều dự án, dù Ấn Độ hay Thái Lan không trúng thầu, song chủ đầu tư vẫn không thể giao lại cho Việt Nam, bởi ngoại ngữ và khả năng giải quyết vấn đề của nhân lực chúng ta vẫn kém", Chủ tịch CMO Worldwide Việt Nam chia sẻ.

Cũng theo ông, có rất nhiều phương cách để khuyến khích nhân lực trau dồi 2 mảng kỹ năng này, ví dụ như có công ty nọ tại Thái Lan, hàng nămg đều cho nhân viên làm các bài kiểm tra tiếng Anh, ai đạt được từ điểm quy định trở lên sẽ được thưởng. Điều này đã khuyến khích nhân viên của họ không ngừng học hỏi và luyện tập tiếng Anh.

Còn với nan đề thứ hai: đang trong thời gian khó khăn thì doanh nghiệp lấy đâu nguồn lực để tái cơ cấu doanh nghiệp hoặc thay đổi mô hình kinh doanh, chuyển đổi số; theo ông Duy nhất, việc thay đổi mô hình kinh doanh hoặc chuyển đổi số không phải là phải có nhiều tiền mới làm được.

Hãy xem cách ABC gây tiếng vang trong mùa đại dịch với bánh mì thanh long. Tái cơ cấu doanh nghiệp chính là làm sao khiến mô hình kinh doanh của mình tăng doanh thu và lợi nhuận, tối ưu hóa quy trình, nhân lực và sản phẩm.

Cụ thể hơn, ông Từ Minh Thiện - Hiệu trưởng Trường ĐH Văn Hiến cho rằng, chúng ta cần tận dụng các gói hỗ trợ từ Nhà nước cùng nguồn lực chung của xã hội và xoay chuyển thật nhanh.

"Chúng ta có Quyết định 50 của Chính phủ cho các doanh nghiệp vay vốn không lãi suất nhằm đổi mới thiết bị.

Doanh nghiệp cần phải hiểu cách tiếp cận vấn đề. Nhà nước muốn tạo sự chủ động cho người có nhu cầu, nên trước khi đến vòng xét tuyển Nhà nước, chúng ta cần viết một đề án có tính khả thi và cần thiết để trình cho tổ chức cho vay – ví dụ như Ngân hàng, khi qua cửa ải ngân hàng, thì mới đến lượt Nhà nước xem xét.

Không chỉ trong ngành chế tạo sản xuất, mà ngành nông nghiệp cũng có nhiều khoản vay không lãi suất được Nhà nước hỗ trợ, ví dụ như gói vay cho các doanh nghiệp chuyển sang sản xuất cây con trọng điểm của thành phố. Còn trong ngành công nghệ thông tin, tại TP. HCM, chúng ta có thể tìm thông tin các gói ưu đãi từ Sở Công thương, Sở Khoa học Công nghệ", ông từ Minh Thiện gợi ý.

Với các bạn khởi nghiệp, các founder có thể tìm đến SIHUB – vườn ươm công nghệ của thành phố. Những ý tưởng đổi mới sáng tạo có thể biến thành dự án khởi nghiệp tốt, sẽ được SIHUB hỗ trợ khoảng 2 tỷ đồng, tất nhiên không phải hoàn toàn bằng tiền mặt mà có thể bằng tư vấn khởi nghiệp hoặc mua sắm máy móc thiết bị.

Phương cách thứ hai là chúng ta có thể vay vốn từ ngân hàng và các quỹ đầu tư. Muốn thế, người lãnh đạo doanh nghiệp cần chứng tỏ mình là người đáng tin cậy, luôn tận hiến cho doanh nghiệp và là người có thể hợp tác lâu dài. Founder hay lãnh đạo doanh nghiệp là một trong những yếu tố quan trọng quyết định khả năng xuống tiền của các tổ chức tài chính.

Thứ ba là tham gia các chương trình xúc tiến thương mại của các cơ quan nhà nước, nhằm giảm chi phí marketing và làm quen với thị trường mới.

Cuối cùng, chúng ta có thể hợp tác với một công ty công nghệ trong trường hợp chúng ta không nắm rõ công nghệ. Chúng ta có thị trường, nhưng vì đại dịch Covid-19 khiến lượng sản phẩm bán ra giảm; chúng ta có thể đề nghị các công ty công nghệ xây dựng nền tảng – platform, bán sản phẩm online, đồng thời thay đổi quy trình hoạt động cho phù hợp với mô hình mới.

"Tái cấu trúc doanh nghiệp thông qua đào tạo con người, làm giàu văn hóa doanh nghiệp, nghiên cứu thị trường trong Covid-19 rất quan trọng; nó sẽ giúp doanh nghiệp bật dậy nhanh hơn đối thủ hậu Covid-19", lãnh đạo trường ĐH Văn Hiến khẳng định.

Theo Quỳnh Như

Trí thức trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên