Các công ty chứng khoán đang bị...đổ vỏ FTM?
Cổ phiếu FTM đã giảm sàn phiên thứ 15 liên tiếp và lực cầu vẫn đang mất hút.
Chốt phiên giao dịch 4/9/2019, vẫn không có "phép màu" nào xảy ra cho cổ phiếu FTM của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đức Quân. Cổ phiếu FTM tiếp tục chốt phiên ở mức giá sàn 8.140 đồng/cổ phiếu nâng số phiên "đo sàn" lên 15 phiên liên tiếp. So với mức giá ~24.000 đồng hồi đầu tháng 8, cổ phiếu FTM đã mất hơn 66% giá trị. Hay nói cách khác, tài khoản của các cổ đông FTM đã bốc hơi gần 800 tỷ đồng chỉ trong 3 tuần giao dịch.
Trăm sự tại...margin?
Lý do lớn nhất khiến cổ phiếu FTM rơi vào tình cảnh hiện tại, theo một nhà đầu tư nhiều kinh nghiệm trên thị trường chứng khoán, là do bị cắt margin. Trước khi báo cáo tài chính soát xét bán niên được công bố, cổ phiếu FTM vẫn nằm trong danh sách các cổ phiếu được phép giao dịch ký quỹ.
Ngày 16/8/2019, HoSE thông báo đưa cổ phiếu FTM vào danh sách cổ phiếu không được giao dịch ký quý do lợi nhuận sau thuế trên BCTC soát xét 6 tháng năm 2019 là số âm. Song hành cùng quyết định này, chắc chắn các công ty chứng khoán đã cắt margin cổ phiếu FTM khiến tình trạng cổ phiếu FTM bị chất lệnh bán sàn. Điều này song hành với việc các cổ đông lớn mua vào hồi đầu năm cho thấy, lượng cổ đông lớn mới nổi đã dùng tiền margin mua cổ phiếu FTM giai đoạn đầu năm và bây giờ cổ phiếu rơi vào trạng thái ngoài tầm kiểm soát, bị các công ty chứng khoán bán ra ồ ạt mà không có thông tin đăng ký bán nào của các cổ đông lớn theo luật định.
Kể từ ngày bị cắt margin, cổ phiếu FTM mất thanh khoản
Các công ty chứng khoán đang bị...đổ vỏ?
Việc cổ phiếu FTM giảm sàn liên tục- nếu đúng là do vấn đề margin call như nhận định của đa phần các nhà đầu tư thì những người đang ngồi trên đống lửa hiện tại không chỉ cổ đông công ty mà còn là các công ty chứng khoán.
Cổ phiếu FTM lao dốc không phanh
Thống kê của chúng tôi cho thấy, sau khi HoSE ra quyết định đưa cổ phiếu FTM vào danh mục cổ phiếu không được giao dịch ký quỹ thì các công ty chứng khoán mới bắt đầu siết margin cổ phiếu FTM. Trước đó, hầu hết các công ty chứng khoán đều cung cấp dịch vụ cho vay đối với cổ phiếu này. Hạn mức và tỷ lệ cho vay tuỳ thuộc chính sách từng công ty chứng khoán nhưng thông thường ở mức 30-40% giá trị cổ phiếu trong danh mục.
Nghi vấn các công ty chứng khoán đang bị...đổ vỏ dấy lên khi số liệu thống kê cho thấy, số lượng cổ đông của FTM không có nhiều. Đại hội cổ đông năm 2019 hồi tháng 4 năm nay chỉ có 41 cổ đông dự họp nhưng đã đại diện cho 98,7% cổ phần có quyền biểu quyết. Năm 2018 cũng tương tự, 50 cổ đông đại diện cho 95,49% lượng cổ phần biểu quyết. Năm đầu tiên công ty niêm yết thì số lượng cổ đông có vẻ nhiều hơn một chút với 120 cổ đông dự họp đã đại diện cho 88,35% quyền biểu quyền dự đại hội. Tất nhiên, các cổ đông hoàn toàn có thể uỷ quyền cho cổ đông khác dự họp nên các con số thống kê cổ đông tại đại hội không nói lên quá nhiều điều nhưng con số quyền biểu quyết tại đại hội khá cao, gần như kịch toàn bộ cổ đông đều họp/uỷ quyền họp cho thấy số lượng cổ đông của công ty khá cô đặc.
FTM lên sàn chứng khoán vào tháng 2/2017 và khá im hơi lặng tiếng. Giá đóng cửa phiên giao dịch đầu tiên là 16.000 đồng. Sau gần 2 năm im hơi lặng tiếng thì đến đầu năm 2019, cổ phiếu này bắt đầu biến động tăng giá mạnh. Cùng với sự tăng giá cổ phiếu là hoạt động gom mua cổ phiếu của các cổ đông nhỏ của một số ít người. Và, 7 cổ đông lớn xuất hiện trong giai đoạn này.
Theo bản cáo bạch niêm yết, khi niêm yết cổ phiếu, FTM có 4 cổ đông lớn gồm ông Lê Mạnh Thường (24%), bà Lê Thuỳ Anh (21,53%), ông Phạm Đình Giá (8,62%) và ông Nguyễn Duy Chiến (5,5%). Sau khi niêm yết thì hoạt động chuyển nhượng cổ phiếu diễn ra hết sức sôi nổi tại FTM. Ông Lê Mạnh Thường là nguyên chủ tịch HĐQT công ty đã kịp bán 4,4 triệu cổ phiếu ở vùng giá ~15.000 đồng/cổ phiếu hồi tháng 8,9/2018. Ông Chiến và con của ông Chiến cũng đã kịp bán cổ phiếu. Nhiều cá nhân là người nội bộ công ty cũng đã bán ra cổ phiếu.
Theo báo cáo thường niên năm 2019 của FTM thì công ty chỉ còn 2 cổ đông lớn là ông Lê Mạnh Thường và bà Lê Thuỳ Anh nhưng kể từ cuối năm 2018 đến nay thì cổ phiếu từ những cổ đông đời đầu niêm yết lần lượt được các cổ đông lớn...mới cóng thu mua. Ông Thường, ông Giá, ông Chiến...đều đã bán/bán bớt cổ phiếu nắm giữ. Hiện tại, FTM có đến 9 cổ đông lớn nắm giữ gần 93% vốn của công ty.
Vì sao lại có công cuộc thu gom lượng lớn cổ phiếu FTM đẩy giá cổ phiếu lên đỉnh cao nhất kể từ khi niêm yết, cán ngưỡng 25.000 đồng hồi đầu năm 2019 và rồi rơi không phanh từ đỉnh như thế? Có hay không câu chuyện lợi dụng chính sách margin của các công ty chứng khoán để gom mua cổ phiếu FTM ở mức giá cao với tài sản đảm bảo là chính cổ phiếu FTM khiến các công ty chứng khoán đang phải...đổ vỏ FTM như hiện tại là một câu hỏi lớn.
Trí Thức Trẻ