MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Các công ty con của EVN đua giảm tổn thất điện năng

Nhiều giải pháp giảm tổn thất điện năng (TTĐN) đã được các công ty điện lực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đưa ra để thực hiện mục tiêu là giảm xuống còn 7,7% trong năm 2016, song đây là bài toán không hề đơn giản.

Tổng Công ty Điện lực TPHCM hiện là đơn vị dẫn đầu EVN trong công tác giảm TTĐN, khi chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2016, tỉ lệ tổn thất chung toàn Tổng Công ty đạt 4,36%, thấp hơn chỉ tiêu được giao 0,22%.

Ông Nguyễn Văn Lý, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Điện lực TPHCM (EVNHCMC) cho biết tỉ lệ TTĐN của Tổng Công ty đã tiệm cận với khu vực, khi mức tổn thất liên tục giảm từ năm 2011 đến nay. Nguyên nhân là do Điện lực TPHCM đã tập trung đầu tư vào hệ thống cơ sở hạ tầng, nâng cấp lưới điện và các trạm biến áp.

Cuộc đua đầu tư lưới điện, công nghệ

Đơn cử trong năm 2016, Tổng công ty đã thực hiện nâng cấp 258/539 tuyến dây trung thế và đặt mục tiêu hoàn tất nâng cấp điện áp lưới trung thế cho tất cả các tuyến đường dây trong năm 2017. Đối với các công trình đầu tư xây dựng mới trạm biến áp trung gian 220 kV, 110 kV, đường dây trung thế, trạm biến áp phân phối đều có tính toán và lắp đặt tụ bù hợp lý và hiệu quả nhất.

Trong khi đó tại Bình Dương, một địa phương có tỷ trọng công nghiệp chiếm 63% GDP, mức tăng trưởng điện thương phẩm bình quân 5 năm là 11% (7 tháng đầu năm là 12,39%) đã đặt ra nhiều thách thức cho Công ty điện lực Bình Dương. Ông Nguyễn Trung Thu, Phó Giám đốc Công ty, cho biết mặc dù là địa phương có nhiều thuận lợi do các khu công nghiệp được đầu tư hệ thống điện nên TTĐN cũng giảm theo.

Tuy nhiên, để hoàn thiện hệ thống điện thì đặt ra yêu cầu với Điện lực Bình Dương là phải tăng vốn đầu tư. Trong khi đó, việc phân bổ hàng năm còn eo hẹp nên một số khu vực lưới điện vẫn cũ nát, tổn thất điện năng cao. Hầu hết lưới điện trên địa bàn cũng là lưới trần, chưa chuyển sang dây bọc, cộng thêm chủ trương trồng cây xanh khu vực đô thị đều nằm ở trong hành lang lưới điện, nên gây khó khăn công tác vận hành và tăng tổn thất điện.

Với những địa phương có địa hình chủ yếu là sông nước, kênh rạch chằng chịt đan xen như Bến Tre, việc giảm tổn thất điện năng đặt ra nhiều thách thức. Tuy nhiên, theo ông Phạm Thanh Trúc, Phó Giám đốc phụ trách kỹ thuật Công ty Điện lực Bến Tre, việc áp dụng công nghệ đã giúp cho công ty thực hiện được mục tiêu giảm TTĐN.

Trong đó, Bến tre đã áp dụng hệ thống giám sát khai thác dữ liệu online-Mimic vào quản lý vận hành lưới điện phân phối 22kV; công nghệ GPRS truyền dữ liệu từ công tơ điện tử; đo ghi chỉ số công tơ từ xa như công nghệ PLC (truyền dữ liệu qua đường dây điện).

Nhờ vậy, trong 7 tháng năm nay, Bến Tre đã giảm tổn thất điện năng trên địa bàn xuống 6,42%, thấp hơn so cùng kỳ năm trước 0,72% và thấp hơn kế hoạch Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) giao là 0,18%.

Giảm tổn thất khó với truyền tải

Đối với các đơn vị truyền tải, việc giảm TTĐN là bài toán khó khi đường dây truyền tải điện kéo dài ở nhiều vùng địa hình, khí hậu phức tạp. Đơn cử như tại Công ty Truyền tải điện 3 thuộc Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT), quản lý khối lượng hơn 4.400km đường dây truyền tải điện từ 110 đến 220 và 500kV trải dài trên 9 tỉnh khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên, truyền tải điện từ 23 nhà máy lên lưới điện quốc gia.

Việc giảm tổn thất không đạt như kế hoạch được giao, bên cạnh lý do là sản lượng điện thương phẩm được giao tăng so với cùng kỳ năm trước, ảnh hưởng của thời tiết thì một đặc thù của lưới truyền tải chủ yếu là tổn thất kỹ thuật. Ông Nguyễn Văn Thoại, Trưởng phòng kỹ thuật công ty cho biết đặc thù lưới điện truyền tải ở khu vực Tây Nguyên là bụi nhiều nên dễ bám bẩn vào sứ nên phải vệ sinh để giảm tổn thất và giảm sự cố trên lưới điện.

Hoặc với Truyền tải điện Khánh Hòa là đơn vị quản lý lưới điện truyền tải trong tỉnh Khánh Hòa và một phần tỉnh Đắk Lắk với 3 đường dây 220kV. Ông Nguyễn Kim Đồng, Giám đốc Truyền tải điện Khánh Hòa cho biết các giải pháp mà Công ty đang thực hiện đó là giảm tổn thất điện tự dùng trong trạm biến áp bằng chuyển qua sử dụng đèn Led, giảm thời gian sửa chữa các sự cố gây gián đoạn việc cung cấp điện, đảm bảo vận hành an toàn các đường dây và trạm biến áp, tăng cường kiểm tra hành lang tuyến, giảm nguy cơ cháy trong hành lang đường dây…

Theo ông Nguyễn Tài Anh, Phó Tổng Giám đốc EVN, nếu như năm 1990 tổn thất điện lên tới 28,7%, tức là cứ 10 kw điện phát ra mất khoảng 3 Kw điện do tổn thất trên truyền tải và phân phối. Đến năm 2010 giảm xuống 10,15%; 2015 xuống dưới 8% và mục tiêu 2020 giảm xuống dưới 6,5%, ngang với các nước tiên tiến trong khu vực.

M. Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên