MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Các công ty Việt Nam đang trong top đầu phát triển metaverse

24-05-2022 - 17:55 PM | Kinh tế số

Các công ty Việt Nam đang trong top đầu phát triển metaverse

Những doanh nghiệp Việt có lợi thế lớn để tăng trưởng mạnh, chiếm lĩnh thị phần trong lĩnh vực metaverse (vũ trụ ảo).

Tiềm năng của metaverse

Theo thống kê, thị trường metaverse có tiềm năng đạt 12.500 tỷ USD. Khi công nghệ mới ra đời, các công ty luôn muốn tiên phong để có lợi thế. Ngoài ra, thị trường metaverse quá tiềm năng nên doanh nghiệp đều muốn đóng góp để sở hữu thị phần.

Ông Đặng Khánh Hưng, Giám đốc nghiên cứu FPT Blockchain Lab đưa ra ví dụ chứng minh tiềm năng của metaverse và blockchain nói chung. "Con số nhiều người nhìn thấy nhất là vốn hóa thị trường tiền mã hóa. Tháng 3/2020, làn sóng Covid-19 đầu tiên, vốn hóa của thị trường theo số liệu trên Coinmarketcap là khoảng 250-280 tỷ USD. Đến tháng 11/2021, vốn hóa lên 2.500 tỷ, tức quy mô tăng khoảng 10 lần. Lý do của sự tăng trưởng mạnh là vốn hóa của các ngành khác đổ vào", ông Hưng phát biểu.

Các công ty Việt Nam đang trong top đầu phát triển metaverse - Ảnh 1.

Ông Đặng Khánh Hưng, Giám đốc nghiên cứu FPT Blockchain Lab

Trong khi đó, Bloomberg ước tính giá trị thị trường metaverse sẽ đạt giá trị 800 tỷ USD vào năm 2024.

Ngoài tiềm năng về giá trị thị trường, ông Trần Dinh - CEO AlphaTrue, thành viên Ban chấp hành Hiệp hội Blockchain Việt Nam nhận định metaverse còn là tương lai Internet. "Con người luôn cần tương tác. Trong đại dịch, nhiều người nhận ra nhu cầu này chưa được thoả mãn. Ví dụ, việc học qua Zoom chỉ có nghe và nhìn, hoặc xem phim trên màn hình 2D, các tương tác hiện tại không thoả mãn được đòi hỏi ngày càng cao. Người dùng cần một hình thức mới, sâu hơn.

Thời gian qua, chúng ta ở trong thế giới metaverse rồi mà không nhận ra. Chúng ta có thể đắm chìm, tương tác, làm nhiều thứ hơn. Các công ty công nghệ sớm nhận ra nhu cầu của người dùng nên tiếp tục đào sâu "kho báu"", ông Dinh chia sẻ.

Hiện tại, nhiều công ty tiếp cận metaverse thông qua nhiều mô hình như 2D, game... Qua đó, có thể bán được nhiều đồ hơn, không chỉ sản phẩm vật lý. Mới đây, Nike hợp tác, bán giày ảo, giày NFT. Ngoài ra, NFT có thể sử dụng như thẻ thành viên, bộ sưu tập Bored Ape Yacht Club, nơi những người trong giới thượng lưu tập hợp, tương tác với nhau.

Ông Trần Dinh khẳng định: "Metaverse đang giúp định hình thế giới số, nếu doanh nghiệp nào nắm bắt được nhu cầu này thì sẽ có nhiều cơ hội trong tương lai".

Xu hướng hay trào lưu trong dịch?

Tuy vậy, không ít ý kiến cho rằng metaverse ra đời trong bối cảnh đại dịch khiến mọi người không thể gặp nhau trực tiếp. Còn khi đại dịch được kiểm soát, cuộc sống trở về bình thường mới, metaverse sẽ không còn giá trị.

Theo quan điểm của ông Đặng Khánh Hưng, metaverse là xu thế. Bởi đây là công nghệ, sản phẩm định hướng, tăng cường trải nghiệm người dùng nên không phân chia các lằn ranh. "Ví dụ lằn ranh có thể là việc khi quay video tôi không cần lựa chọn giữa việc nhìn vào điện thoại hay nhìn cảnh thực tế. Trước đây vẫn có lằn ranh như vậy", ông Hưng phân tích. "Tóm lại, sự nở rộ các dự án, hay dòng tiền đổ vào có thể là dấu của trào lưu. Nhưng công nghệ, trải nghiệm người dùng luôn là xu thế".

Các công ty Việt Nam đang trong top đầu phát triển metaverse - Ảnh 2.

Thế giới sắp nở rộ metaverse


Giám đốc nghiên cứu FPT Blockchain Lab so sánh: "Nếu như chúng ta nhìn metaverse là điểm hội tụ toàn bộ công nghệ liên quan để nâng cao trải nghiệm người dùng, để người dùng cảm thấy thoải mái hơn, đắm chìm trong khoảnh khắc thực hơn, thì đó là xu thế. Còn nếu chúng ta nói về dòng tiền đổ vào những dự mới nở rộ ra, phát triển sản phẩm metaverse, những thứ đó không phục vụ vấn đề công nghệ, chỉ là kết quả của sự hào hứng của cộng đồng nói chung với công nghệ mới".

Đồng quan điểm với ông Khánh Hưng, ông Trần Dinh cho rằng tương tác là nhu cầu ngày càng phát triển thời gian tới mà các nền tảng hiện tại chưa đáp ứng được. Đây là lý do tương lai metaverse vẫn tiếp tục phát triển.

Nhiều công ty lớn đầu tư lớn vào lĩnh vực vũ trụ ảo, đưa ra các công cụ tương tác cho người dùng, trị giá hàng tỷ USD. Đầu tiên là Yahoo, công ty cho ra đời phần mềm chat với người lạ. WeChat ra tính năng quét quanh đây. Tinder cho phép tìm những người cùng sở thích...

"Rõ ràng nhu cầu tương tác với người lạ ngày một nhiều, song song với đó là nhu cầu thể hiện. Có người mua cái áo 50 nghìn đồng, nhưng cũng có người bỏ ra vài chục triệu đồng để thể hiện bản thân. Nhưng các nền tảng thực tế chưa đáp ứng đủ cái nhu cầu thể hiện. Mua một cái áo chỉ thể hiện được với bạn bè mình. Nhưng nếu mua một NFT giá trị, cả thế giới đều biết đến mình", ông Trần Dinh nhận định.

Vì vậy, khi nhu cầu thể hiện của người dùng ngày càng lớn hơn, những mô hình tương tác mới càng "có đất dụng võ".

Việt Nam ở đâu trên bản đồ metaverse?

"Việc phát triển công nghệ từ trước đến nay, Việt Nam thường đi sau so với những nước tiên phong trên thế giới. Nhưng với blockchain, metaverse, khoảng cách của chúng ta so với người dẫn đầu thu nhỏ lại, thậm chí không còn nữa. Khi đến với blockchain, metaverse, sự hòa nhập của người Việt trong khung thị trường, sản phẩm này rất nhanh. Chúng ta tự tin bắt kịp với sự tiên phong của thế giới", ông Khánh Hưng nhận định.

Giám đốc nghiên cứu FPT Blockchain Lab tin tưởng với công nghệ blockchain, xa hơn là metaverse, người làm công nghệ ở Việt Nam có thể tự tin nói rằng khoảng cách với những người tiên phong rất nhỏ, thậm chí ngang hàng.

Các công ty Việt Nam đang trong top đầu phát triển metaverse - Ảnh 3.

Việt Nam không cạnh tranh được phần cứng nhưng có thế mạnh về phần mềm về metaverse


Trong một năm qua, ở Việt Nam, thị trường game, metaverse có rất nhiều dự án. Có dự án tầm lớn, vòng Seed gọi được vài triệu USD, có dự án tập hợp người làm vì đam mê, chưa có sự chuyên nghiệp nhưng cũng đi vào, dấn thân để tìm hiểu. Ví dụ dự án game metaverse như Sipher INU, đội ngũ phát triển đều từ ngành khác chuyển sang.

Nói về khả năng phát triển bứt phá của metaverse trong nước, ông Trần Dinh cho rằng về phần cứng, Việt Nam khó có thể đối trọng lại các cường quốc công nghệ như Mỹ, Trung Quốc. Tuy nhiên, Việt Nam có lợi thế lớn về xây dựng phần mềm với nguồn nhân sự dồi dào. Một trong những minh chứng là làn sóng GameFi nở rộ, có những game dẫn dắt cả thị trường.

Hiện tại, game metaverse, blockchain nổi bật nhất 2021 là Axie Infinity, do đội ngũ người Việt phát triển.

Nhiều công ty game bắt đầu nghiên cứu, cho ra đời sản phẩm. Tuy nhiên, ông Dinh cho rằng metaverse có rất nhiều lĩnh vực như AI, đồ hoạ, xây dựng avatar.... và các công ty Việt Nam cũng đang làm tốt các mảng này và đây là những lợi thế rất lớn. "Chúng ta cần chuẩn bị sẵn hành trang để bước vào vũ trụ ảo", ông Trần Dinh kết luận.

Theo Bảo Nhi

BizLIVE

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên