MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Các đại gia Việt đang đầu tư sân bay ra sao?

Đầu tư vào hạ tầng sân bay luôn cần nguồn tài chính khổng lồ, mỗi công trình lên tới hàng nghìn tỷ đồng, thậm chí hàng tỷ USD nhưng vẫn hấp dẫn rất nhiều nhà đầu tư từ nhà nước đến tư nhân.

Hiện ở Việt Nam có tổng cộng 22 sân bay, trong đó 10 cảng hàng không quốc tế và 12 nội địa phân bổ dọc theo chiều dài đất nước. Trong đó, các cảng hàng không quan trọng như Nội Bài có công suất 19 triệu khách/năm, Đà Nẵng – 10 triệu khách/năm, Cam Ranh – Khánh Hoà -  6,5 triệu khách/năm và Tân Sơn Nhất – 28 triệu khách/năm đang bị quá tải.

Đến năm 2030, Việt Nam sẽ có thêm 5 sân bay mới gồm: Sapa – Lào Cai (dự kiến công suất 3 triệu khách/năm); Nà Sản – Sơn La (1 triệu khách/năm); Quảng Trị (1 triệu khách/năm); Phan Thiết – Bình Thuận (2 triệu khách/năm) và đặc biệt là Long Thành – Đồng Nai (50 triệu khách/năm).

Trong số 22 sân bay dân sự đã có sẵn, chỉ duy nhất có 1 sân bay được đầu tư, vận hành và khai thác tư nhân hóa – sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh), 21 sân bay còn lại do Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) "làm chủ".

Là công ty cổ phần với 95,4% vốn điều lệ thuộc sở hữu của Nhà nước, ACV trực tiếp đầu tư, quản lý và khai thác hầu hết sân bay tại Việt Nam.

Báo cáo hàng năm của ACV cho biết lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp độc quyền về cảng hàng không này tăng từ 1.753 tỷ đồng (2015) lên tới 6.147 tỷ đồng (2018), tăng trưởng hơn 3 lần chỉ trong 3 năm.

Thị trường hàng không Việt Nam được đánh giá là miếng bánh ngon, do vậy, không khó hiểu khi hàng loại "đại gia" tư nhân cũng đề xuất Bộ GTVT để được đầu tư vào các hạng mục hạ tầng sân bay.

Tuy nhiên, đến nay, các dự án đầu tư, nâng cấp sân bay đa phần được chỉ định cho ACV triển khai. Ví dụ, dự án đầu tư mới nhà ga hành khách T3 (Tân Sơn Nhất), với công suất thiết kế 15 triệu hành khách/năm, có tổng mức đầu tư lên đến 9.800 tỷ đồng; nhà ga Cảng hàng không Phú Bài với suất đầu tư là 2.900 tỷ đồng; nhà ga Cảng hàng không Cát Bi là 2.900 tỷ đồng, nhà ga Cảng hàng không Chu Lai 2.850 tỷ đồng, …

Trong khi doanh nghiệp nhà nước tất bật với các dự án của mình, các doanh nghiệp tư nhân cũng không ngồi yên. Khối tư nhân, tiêu biểu như Vietjet Air, Tập đoàn Liên Thái Bình Dương, và Tập đoàn FLC, luôn "hăng hái" xếp hàng đề tìm cơ hội "rót" vốn vào các sân bay trong nước.

Cảng hàng không Quốc tế Vân Đồn do Tập đoàn Sun Group làm chủ đầu tư là một ví dụ điển hình.

Được khởi công đầu năm 2016 với quy mô lên tới 325 ha, tổng số tiền đầu tư giai đoạn 1 lên tới 7.463 tỷ đồng, đường băng dài 3,6km, rộng 45m, có khả năng đón những loại máy bay chuyên chở hàng hóa và hành khách lớn, hiện đại như Boeing 787, 777 và Airbus A 350, … chỉ trong vòng 2 năm thi công đã hoàn thành và đưa vào khai thác từ cuối năm 2018. Nhiều chuyên gia nhận định, nếu không phải doanh nghiệp tư nhân thi công, dự án này có khả năng bị đóng băng trong khoảng 5 năm nữa.

Sự hiện diện của doanh nghiệp tư nhân trong đầu tư cảng bay còn thể hiện ở liên danh các nhà đầu tư gồm ACV, tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP), Nasco, VietJet… khi rót 3.700 tỷ đồng xây dựng nhà ga T2 sân bay quốc tế Cam Ranh, khánh thành giữa năm 2018. Hay năm 2015, Công ty cổ phần Đầu tư Thăng Long, Tổng công ty Xây dựng Hà Nội,... cũng góp vốn cùng ACV mở rộng sân bay quốc tế Đà Nẵng kịp phục vụ sự kiện APEC 2017.

Bên cạnh đó, hãng hàng không giá rẻ Vietjet Air cũng tỏ rõ quan điểm mong muốn đầu tư của mình khi liên tục xin Bộ GTVT được đầu tư các dự án nâng cấp sân bay lớn như đầu tư nhà ga T1, Nội Bài (2015), sân bay Chu Lai - Quảng Nam (2017), sân bay Cát Bi - Hải Phòng (2018) và gần nhất là dự án nâng cấp sân bay Tuy Hòa - Phú Yên với khoản đầu tư lên tới 4.000 tỉ đồng.

Không chỉ Vietjet Air, đầu năm 2019, Tập đoàn FLC cũng gửi Văn phòng Chính phủ và Bộ GTVT đề nghị được nghiên cứu đầu tư xây dựng nhà ga T3 tại Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất. Hay trước đó không lâu, nhà đầu tư này cũng đã đề xuất xin đầu tư nâng cấp Cảng hàng không Đồng Hới, Quảng Bình theo hình thức PPP.

Hoài Nguyễn

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên