Các doanh nghiệp tới tấp rời đi rồi bất ngờ quay trở lại Trung Quốc: Chuyện gì đang xảy ra?
"Tôi không thể nghĩ ra nơi nào khác có chất lượng, số lượng và giá cả tốt như Trung Quốc", đại diện Bata Group cho biết.
- 01-11-2023Trung Quốc cử "chiến thần" Tuyết Long 2 đến Nam Cực: Nhằm mục đích gì?
- 01-11-2023Trung Quốc đang rót hàng tỷ USD để tạo ra SpaceX bản ‘copy’
- 01-11-2023Chùm ảnh: Sương mù dày đặc bao trùm Trung Quốc, người dân vật lộn với ô nhiễm không khí ở mức cao nhất
Quay lại Trung Quốc
Theo Bloomberg, các nhà sản xuất quần áo và giày dép từ Adidas đến Nike đã chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc thời gian vừa qua.
Nhưng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bất ổn gia tăng và nhu cầu tiêu dùng yếu, giới chuyên gia nhận thấy rằng việc tìm kiếm các trung tâm sản xuất thay thế cũng đặt ra những thách thức riêng. Một số doanh nghiệp thậm chí còn trở lại Trung Quốc.
"Hệ sinh thái trưởng thành này được xây dựng qua nhiều thập kỷ ở Trung Quốc, không chỉ đảm bảo mức giá cạnh tranh mà còn mang lại chất lượng ổn định khi sản xuất hàng loạt và khó có thể sao chép", Laura Magill, người đứng đầu bộ phận phát triển của thương hiệu giày dép Bata Group, cho biết.
"Tôi không thể nghĩ ra nơi nào khác có chất lượng, số lượng và giá cả tốt như Trung Quốc".
Một số nhà sản xuất hàng may mặc và chủ nhà máy cũng đồng tình với quan điểm của Magill.
Kee, giám đốc một nhà máy may mặc có trụ sở tại Quảng Đông, chia sẻ hơn 20 năm qua, ông vận hành dây chuyền sản xuất quần jean ở Campuchia. Tuy nhiên, trong thập kỷ qua, ông nhận thấy tỷ suất lợi nhuận ngày càng mỏng trong khi mức lương tối thiểu tăng lên.
Số tiền ông trả cho công nhân ở thành phố sản xuất Trung Sơn (Quảng Đông) hiện chỉ cao hơn 30% so với ở Campuchia nhưng hiệu suất đầu ra tại các nhà máy ở Trung Quốc của ông tốt hơn khoảng 20%, cộng thêm công nhân có tay nghề cao hơn.
Kee cho biết, việc mở rộng sản xuất ở Đông Nam Á không phải là một "quyết định hợp lý". "Tôi e rằng tình trạng kinh doanh chậm lại sẽ tiếp tục trong một hoặc hai năm tới".
Bloomberg cho hay, Trung Quốc đóng vai trò không thể thiếu trong chuỗi cung ứng hàng may mặc toàn cầu đến mức ngay cả những quốc gia châu Á khác cũng phụ thuộc ít nhiều vào Trung Quốc. Nhiều nước vẫn chủ yếu dựa vào nguyên liệu Trung Quốc như cúc, chỉ, nhãn mác, bao bì...
Vai trò không thể thiếu
Chia sẻ với The Conversation, Joseph Eiger - Giám đốc điều hành một công ty chuyên về tìm kiếm nguồn cung ứng toàn cầu cho biết, ngành công nghiệp sản xuất của Trung Quốc có khả năng tiếp cận mức độ cao.
Lấy ví dụ về việc sản xuất một chiếc áo hoodie. Vấn đề không chỉ là chất liệu vải cần thiết để cắt và may thành áo hoodie. Đó còn là về các chi tiết trang trí, thuốc nhuộm, khóa kéo, dây và các bộ phận cần thiết khác cần thiết để lắp ráp sản phẩm.
Trung Quốc đã triển khai chiến lược đảm bảo toàn bộ chuỗi cung ứng sản xuất được đặt ở đó và đã làm chủ được từng bước của quy trình. Trung Quốc thậm chí còn nhập khẩu và chế biến phần lớn len và bông của thế giới, bao gồm một lượng đáng kể bông được trồng ở Mỹ, chiếm khoảng 35% tổng sản lượng của thế giới.
Loại bông này sau đó được xử lý, làm thành vải, nhuộm và may thành quần áo và các sản phẩm khác. Sau đó, chúng được xuất khẩu trên toàn cầu, kể cả quay trở lại Mỹ dưới dạng thành phẩm. Toàn bộ hệ sinh thái dệt may phục vụ sản xuất đều được đặt tại Trung Quốc. Và điều này không chỉ xảy ra với vải mà còn xảy ra với tất cả nhiều nguyên liệu khác.
Nếu một nhà bán lẻ ở Mỹ hoặc Canada muốn chuyển hoạt động sản xuất hàng dệt may ra khỏi Trung Quốc, họ sẽ phải chuyển toàn bộ hệ sinh thái theo. Hoặc như vậy, hoặc họ sẽ phải tìm nguồn nguyên liệu đầu vào cần thiết từ Trung Quốc sang các quốc gia khác như Bangladesh, nơi diễn ra khâu sản xuất cuối cùng.
Business Insider cho rằng, bất chấp khó khăn, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn sẽ tiếp tục đóng vai trò to lớn trong thương mại toàn cầu.
Theo Yukon Huang và Genevieve Slosberg, hai nhà nghiên cứu tại Carnegie Asia Program, vào năm 2021, Trung Quốc chiếm khoảng 1/3 tổng sản lượng sản xuất của thế giới.
Misha Govshteyn, Giám đốc điều hành của Houston khẳng định: "Trung Quốc sẽ luôn là một phần quan trọng trong thương mại toàn cầu".
Đời sống & pháp lậut