Các hãng hàng không vào cuộc đua gay cấn
Nhiều doanh nghiệp tham gia thị trường hàng không, hành khách sẽ hưởng lợi nhưng là bài toán đau đầu cho cơ quan quản lý khi hạ tầng quá tải
- 11-07-2019Những hãng hàng không mới nào đang 'xếp hàng' chờ bay ở Việt Nam?
- 10-07-2019Tốc độ tăng trưởng ngành hàng không chậm lại, miếng bánh thị phần có chia lại khi xuất hiện Vinpearl Air?
- 10-07-2019Từ Bamboo Airway, tới Vietravel Airlines và Vinpearl Air: Mô hình kinh doanh phối hợp hàng không + dịch vụ du lịch đã tràn tới Việt Nam
Những cái tên mới gia nhập thị trường hàng không (HK) như Vinpearl Air, Vietravel Airlines, Hãng HK thủy phi cơ Hải Âu của Thiên Minh Group cùng với 5 hãng HK đang hoạt động sẽ tạo sự cạnh tranh khốc liệt. Theo các chuyên gia, hành khách sẽ hưởng lợi nhưng tình trạng quá tải về cơ sở hạ tầng HK, thiếu hụt nhân lực là thách thức lớn.
Nhiều "ông lớn" nhập cuộc
Ngày 10-7, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục HK Việt Nam, cho biết vẫn chưa nhận được hồ sơ xin cấp phép bay của Công ty CP Vinpearl Air (Vinpearl Air). Theo tìm hiểu, hiện Vinpearl Air (thuộc Tập đoàn Vingroup) vẫn chưa chính thức công bố thành lập hãng bay, mà mới công bố đào tạo nguồn nhân lực HK.
Theo quy định, giấy phép kinh doanh HK (ngành đặc thù) phải được Thủ tướng phê duyệt. Quy trình xin phê duyệt sẽ đi từ sở tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau đó lấy ý kiến các bộ, ngành rồi trình Thủ tướng phê duyệt. Tiếp đó, Cục HK Việt Nam mới nhận hồ sơ của doanh nghiệp (DN) để cấp phép bay. Hiện Vinpearl Air mới đang ở giai đoạn đầu. Trước đó, Cổng thông tin quốc gia về đăng ký DN (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) ghi nhận Vinpearl Air được thành lập ngày 22-4-2019 với vốn điều lệ 1.300 tỉ đồng, đăng ký 9 ngành nghề kinh doanh, trong đó ngành nghề kinh doanh chính là vận tải hành khách, hàng hóa HK…
Tập đoàn Vingroup và Tập đoàn CAE (Canada) cũng ký kết thỏa thuận hợp tác đào tạo phi công, kỹ thuật bay và các nhân sự khác trong lĩnh vực HK nhằm cung cấp nguồn lực kỹ thuật cao đang khan hiếm cho Việt Nam và thế giới. Dự kiến, mỗi năm sẽ cung cấp 400 phi công và thợ máy đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Thêm nhiều doanh nghiệp tham gia vào thị trường hàng không sẽ càng làm cho cơ sở hạ tầng quá tải Ảnh: Tấn Thạnh
Vinpearl Air là cái tên tiếp theo dự kiến sẽ tham gia thị trường đang cạnh tranh khốc liệt giữa Vietnam Airlines, Jetstar Pacific, Vietjet, Vasco và Bamboo Airways. Vietravel Airlines (Công ty Du lịch Vietravel) và Hãng HK thủy phi cơ Hải Âu (Thiên Minh Group) cũng đang nhập cuộc. Thiên Minh Group sau thương vụ "đứt gánh" với Hãng HK Air Asia (Malaysia) cũng chính thức lập Công ty CP HK Thiên Minh, vốn điều lệ 1.000 tỉ đồng từ tháng 6. Đầu tháng 6, Vietravel cũng trình hồ sơ thành lập Hãng HK Vietravel Airlines 100% vốn của công ty này.
Thị trường HK Việt Nam được đánh giá còn nhiều tiềm năng phát triển. Theo Hội đồng Sân bay quốc tế (ACI), Việt Nam là thị trường tăng trưởng hành khách nhanh nhất thế giới trong nhóm thị trường trên 50 triệu hành khách giai đoạn 2016-2040. Hiệp hội Vận chuyển HK quốc tế (IATA) cũng dự báo thị trường HK Việt Nam phát triển nhanh thứ 5 thế giới, đạt 150 triệu lượt hành khách vận chuyển vào năm 2035. Năm 2019, Tổng Công ty Cảng HK Việt Nam (ACV), đơn vị quản lý 22 sân bay trên cả nước, dự kiến sẽ phục vụ tới 112,5 triệu lượt hành khách thông qua toàn mạng cảng (năm 2018 là 104 triệu lượt hành khách)…
Theo ông Võ Huy Cường, Vinpearl Air, Vietravel Airlines và Thiên Minh Group hiện chưa gửi hồ sơ xin cấp phép bay tới Cục HK Việt Nam. Dưới góc độ thị trường, việc có thêm những cái tên mới gia nhập sẽ làm cuộc đua giành thị phần thêm quyết liệt. Theo số liệu Báo Người Lao Động có được, tính sơ bộ đến tháng 6, thị phần của nhóm 3 hãng HK: Vietnam Airlines, Jetstar Pacific và Vasco vào khoảng 51%; Vietjet khoảng 41,3%. Trong khi Bamboo Airways thuộc Tập đoàn FLC, dù mới cất cánh từ đầu năm 2019 nhưng đến nay cũng đã đạt khoảng 7%. Những con số này thay đổi so với hồi đầu năm, cho thấy cuộc đua giành thị phần giữa các hãng đang ngày càng gay gắt. Dẫn đầu đội máy bay hiện nay là Vietnam Airlines có 94 máy bay, Vietjet: 66, Jetstar Pacific: 15, Vasco: 5. Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel, cho biết: "Cuộc đua cạnh tranh sẽ thúc đẩy ngành HK phát triển và tăng trưởng kinh tế, du lịch. Vietravel Airlines sẽ tập trung vào thế mạnh tổ chức và bao quát thị trường khách du lịch trong nước và khách quốc tế đến Việt Nam để làm cơ sở triển khai".
Theo một số chuyên gia, Vinpearl Air, Thiên Minh Group và Vietravel Arilines (nếu các hãng sớm được cấp phép bay) đều có lợi thế khai thác khách du lịch trong nước và quốc tế đến Việt Nam do các hãng đều có liên quan hoặc công ty mẹ hoạt động du lịch. Tuy nhiên, do họ có nhiều hệ thống khách sạn khác nhau nên phân khúc thị trường, lượng khách cũng khác nhau. "DN sở hữu hệ thống khách sạn, resort lớn có thể kết nối vào mạng lưới cung cấp dịch vụ HK cho du khách. Nhưng bán tour du lịch (kèm vé máy bay) khác hoàn toàn với bán vé máy bay thương mại nên mỗi hãng đều có thế mạnh riêng. Dù vậy, muốn biết một hãng có trụ được hay không phải đợi 5 năm sau khi bay" - một chuyên gia HK phân tích.
Hạ tầng sân bay quá tải
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật HK Trường ĐH Bách khoa TP HCM, cho rằng sự cạnh tranh của thị trường vận tải HK khác với nhiều thị trường khác bởi tính chất quan trọng đặc biệt của vận tải HK, liên quan nhiều đến vấn đề an toàn, an ninh và cả an ninh quốc phòng. "Quy luật tham gia thị trường này là cần có những bài toán kinh tế được tính toán rõ ràng, nhu cầu ra sao, có bao nhiêu hãng, bao nhiêu chuyến bay là hợp lý. Việc một hãng máy bay có nhiều chuyến bay chậm, hủy chuyến… sẽ gây ảnh hưởng cho xã hội" - PGS-TS Nguyễn Thiện Tống phân tích.
Thị trường HK trong nước xuất hiện những "tay chơi" mới sẽ đem lại lợi ích cho hành khách nhưng theo các chuyên gia, sẽ là bài toán đau đầu cho cơ quan quản lý khi hạ tầng HK đang rất quá tải, đặc biệt là sân bay Tân Sơn Nhất, không đủ điều kiện cho phép cất/hạ cánh nhiều hơn trong giờ cao điểm. Năm 2018, lượng hành khách qua cảng này trên 38 triệu người, trong khi công suất thiết kế chỉ 25 triệu. "Những hãng HK cũ đang có lượng khách nhất định, hãng HK mới sẽ gặp khó khăn, phải bay những trục bay đông khách mới có lãi. Hãng mới gia nhập thị trường sẽ phải chen chân vào những slot ở các sân bay đông khách, hạ tầng không đủ chỗ sẽ làm cho điều hành không lưu càng thêm quá tải" - PGS-TS Nguyễn Thiện Tống nhận xét.
Theo PGS-TS Tống, việc đào tạo phi công không thể là việc ngày một ngày hai, có khi 3-4 năm chưa đủ, phải 6-7 năm mới có kinh nghiệm để bay. Việc đào tạo nhân lực HK là vấn đề quan trọng, trong đó cần nhất đào tạo phi công, nhà nước nên tập trung cho đào tạo bay Việt hoặc tập trung cho cơ sở đào tạo có truyền thống và có liên kết với nước ngoài, ví dụ như Trường ĐH Bách khoa đào tạo ra rất nhiều kỹ sư cho ngành HK Việt Nam.
Khuyến khích khai thác máy bay nhỏ, đường bay ngắn
Để giải bài toán hạ tầng HK hiện nay, theo PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, cơ quan quản lý nên khuyến khích khai thác những sân bay nhỏ, máy bay nhỏ như máy bay trực thăng, dưới 20 chỗ ngồi, sử dụng sân bay với đường băng ngắn 1.200 m. Máy bay nhỏ rất cần thiết, có thể bay ở tầm bay thấp hơn, bay đường ngắn, giúp cho một số lượng người đủ điều kiện kinh tế đi máy bay từ tỉnh này đến tỉnh khác không cần phải dồn về những sân bay lớn. Đặc biệt, những doanh nhân muốn bay đến các tỉnh để làm ăn, có thể đi máy bay nhỏ đến các tỉnh Tây Nguyên, ĐBSCL… tạo ra một lượng lưu thông HK bổ sung cho thị trường. Cơ quan quản lý nhà nước nên khuyến khích, vận động, cho phép mở hãng máy bay khai thác ở phân khúc này, để cạnh tranh bổ sung cho nhau, chứ không nên cạnh tranh trùng lặp.
Người lao động