MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Các nền kinh tế thế giới đang thích ứng thế nào với “bình thường mới” sau đại dịch Covid-19?

23-05-2020 - 19:27 PM | Tài chính quốc tế

Trạng thái bình thường mới diễn ra khi mà các biện pháp giãn cách xã hội trong kinh doanh và sản xuất được áp dụng triệt để bất chấp tác động của nó lên tăng trưởng kinh tế.

Nhiều người tiêu dùng đổ xô đến trung tâm mua sắm Central World khi mà trung tâm thương mại ở thủ đô Bangkok – Thái Lan mở cửa trở lại lần đầu tiên trong 2 tháng. Tuy nhiên, họ phải trải qua việc kiểm tra thân nhiệt và sát khuẩn, đồng thời dùng điện thoại thông minh quét mã QR.

Mã QR này được sử dụng trong chương trình theo dấu của chính phủ Thái Lan có tên Thai Chana. Khi nộp code lên hệ thống, khách hàng cũng phải nộp kèm theo cả số điện thoại. Khi họ rời khỏi trung tâm thương mại, họ lại quét mã lần nữa và nhập vào khoảng thời gian họ đã đi lại trong đó.

Nếu một ca nhiễm mới bị phát hiện, ứng dụng có thể giúp cho giới chức nhận diện được tuyến đường đi của người đó cũng như những cá nhân mà người đó tiếp xúc.

Khi mà chính phủ nhiều nước bắt đầu mở cửa trở lại nền kinh tế, doanh nghiệp và khách hàng đang buộc phải chấp nhận một trạng thái bình thường mới, trong trạng thái đó sẽ có những quy trình khá lằng nhằng được đưa ra nhằm ngăn sự lây lan của virus cúm corona, cùng lúc đó hoạt động kinh tế được khôi phục lại dần dần.

Kiểu kiểm soát công dân như Thái Lan đang làm không khỏi khiến nhiều người băn khoăn về việc mất quyền tự do cá nhân, thế nhưng thái độ của người dân qua đợt đại dịch Covid-19 đã thay đổi. Tính đến ngày thứ Năm, khoảng 81.000 cửa hàng trên khắp đất nước Thái Lan đã đăng ký dùng ứng dụng này, người tiêu dùng tuân thủ với các biện pháp kiểm soát liên lạc.

Ngành sản xuất đang chật vật thay đổi. Tại Đức, hãng xe nổi tiếng Volkswagen đã tái cơ cấu lại nhà máy ở Wolfsburg – nhà máy lớn nhất châu Âu của Volkswagen, để người lao động trở lại làm việc từ cuối tháng 4/2020.

Dây chuyền sản xuất tại Wolfsburg đã được thiết kế lại để giữ người lao động đứng cách xa nhau 1,5 mét. Các lối đi lại trong xưởng cũng đã được điều chỉnh lại nhằm hạn chế tối đa tiếp xúc giữa người với người. Trong các buổi họp hàng ngày, người lao động phải đứng vào đúng những ô được vẽ sẵn để tăng cường giãn cách xã hội.

Tại Mỹ, hãng kinh doanh quần áo The Gap cũng có kế hoạch mở cửa trở lại 800 cửa hàng trên toàn quốc trước thời điểm cuối tháng 5/2020, tức tương đương khoảng 1/3 chuỗi cửa hàng bán lẻ của hãng. Tuy nhiên công ty sẽ cấm thu ngân đứng gần khách hàng.

Phòng vệ sinh và phòng thay đồ tạm thời vẫn đóng cửa. Những đồ đã được khách xem và trả lại sẽ được để ra ngoài và chỉ được cho trở lại kệ bán sau 24 tiếng tính từ lần xem gần nhất.

Tuy nhiên, tất cả những biện pháp giãn cách xã hội như trên sẽ tác động nặng nề đến tăng trưởng kinh tế.

Chuyên gia nghiên cứu cao cấp tại viện Brookings, bà Louise Sheiner, cho rằng các doanh nghiệp sẽ còn giãn cách người lao động thêm thời gian dài nữa, các nhà hàng trong khi đó sẽ chỉ cho phép một số lượng khách nhất định. Năng suất doanh nghiệp thấp sẽ tác động xấu đến GDP nói chung và ngăn cản kinh tế phục hồi.

Tại thành phố Thâm Quyến, trung tâm công nghệ Trung Quốc, giờ đây người ta dùng robot phục vụ. Khách hàng nhận được đồ của mình từ khay chuyển đến tự động. Robot sẽ mang đồ trở lại bếp chỉ với một lần bấm nút. Dù rằng các biện pháp trên được đưa ra để ngăn tiếp xúc con người, robot có thể sẽ được sử dụng mãi mãi và vì vậy nhiều người sẽ mất việc.

Theo Trung Mến

BIZLIVE

Trở lên trên